Trung Quốc cô độc trong tham vọng nuốt trọn Biển Đông

Thứ 4, 03/06/2015 | 07:39:38
1,070 lượt xem

Thái độ cứng rắn của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2015 cho thấy Bắc Kinh không ngần ngại đẩy xa hành động trên Biển Đông.

Trung Quốc ngày 31/5 đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc ngừng các công trình cải tạo ở Biển Đông. AFP dẫn lời Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc bao biện rằng “việc tiến hành xây dựng trên một số đá và rạn san hô ở Biển Đông chủ yếu nhằm cải thiện chức năng của những nơi này và điều kiện sống, làm việc của nhân viên đóng ở đó”.

Ảnh vệ tinh chụp Trung Quốc cải tạo bãi Vành khăn trên Biển Đông

Phát biểu của ông Tôn Kiến Quốc được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các công trình cải tạo ở Biển Đông và tuyên bố hành vi của Bắc Kinh trong vùng tranh chấp đã “vượt ra ngoài” tiêu chuẩn quốc tế.

Theo The Diplomat, những gì diễn ra tại Shangri-La chỉ ra rằng Trung Quốc khó mà thay đổi chính sách, hay ít nhất là cách hành xử trong tương lai gần. Tuy nhiên, càng manh động trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ càng trở nên cô độc trước thế giới.

Hành động trong sự vội vã

Bộ Quốc phòng Philippines công bố báo cáo tháng 5 đưa ra bằng chứng mới nhất về tốc độ và quy mô xây dựng “chóng mặt” của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo báo cáo này “tốc độ xây dựng trên Biển Đông đã lên đến mức chóng mặt. Trung bình cứ mỗi ngày, Trung Quốc xây dựng thêm 96,5m2 diện tích Biển Đông”.

Reuters ngày 26/5 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân thừa nhận đang đẩy nhanh “hoạt động cải tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa trên Biển Đông” để phục vụ chiến lược quốc phòng mới nhằm nâng cao năng lực hải quân ở khu vực ngoài khơi.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 90% diện tích Biển Đông, một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới với tổng giá trị thương mại hàng năm đạt 5.000 tỷ USD. Biển Đông cũng là vùng biển mà cả Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei đều có những tuyên bố chủ quyền.

Hành động phi lý của Trung Quốc đã đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng. Mới đây, Mỹ còn điều một chiếc máy bay giám sát tới gần khu vực các hòn đảo mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép trên Biển Đông nhằm "nắn gân" Trung Quốc.

Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 26/5 cũng nêu rõ không quân Trung Quốc sẽ chuyển từ mục tiêu phòng thủ trên lãnh thổ sang cả phòng thủ lẫn tấn công và xây dựng năng lực phòng không mạnh hơn. Trong khi đó, lực lượng hạt nhân của quân đội Trung Quốc hay còn gọi là Quân đoàn pháo binh số 2, cũng sẽ tăng cường năng lực phòng thủ và phản công hạt nhân chính xác ở cả tầm trung và tầm xa.

Chiến lược của Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ nâng cao năng lực an ninh tại các khu vực quan trọng đối với lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc đã vươn lên để trở thành một cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự ở cấp khu vực và thế giới. Việc nước này là chủ nợ và cũng là nhà đầu tư lớn ở nhiều quốc gia khắp các châu lục Âu, Á, Phi đã tạo cho Trung Quốc một thế đứng khá mạnh trên thế giới.

Mặt khác, xu thế đa cực sau chiến tranh lạnh đã khiến Mỹ khó có thể đóng vai trò lãnh đạo thế giới như những năm cuối thế kỷ 20. Mỹ sa lầy trong các cuộc chiến ở Trung Đông, Bắc Phi; kinh tế chưa ổn định sau suy thoái khiến tiếng nói của Washington mất dần trọng lượng trong những căng thẳng quốc tế… Đây được cho là thời cơ có một không hai mà Bắc Kinh chớp lấy để hiện thực hóa “Giấc mộng Trung Hoa” trên biển.

Hơn nữa, xung đột giữa Mỹ, phương Tây với Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine càng khiến cho Nga xích lại gần Trung Quốc, tiếp thêm động lực cho Bắc Kinh “phô trương” sức mạnh.

Cô độc trong tham vọng

Theo The Diplomat, gần như không có một sự ủng hộ nào, dù là ủng hộ ngầm, đối với những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc. Thời gian qua là khoảng thời gian thích hợp nhất để Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động của mình khi mà Mỹ đang vướng bận vào hàng loạt vấn đề toàn cầu từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Iraq, Syria cho tới thỏa thuận hạt nhân Iran…, nhưng cũng chưa khi nào thế giới lại thấy một Trung Quốc cô độc đến thế với những tham vọng của mình.

Tuần dương hạm của Mỹ tại Vịnh Subic trên Biển Đông (ảnh: AFP)

Trái ngược lại, cái lưới mà Mỹ giăng ra ở châu Á Thái Bình Dương thì ngày càng rộng dần về quy mô. Ngoài những đồng minh cũ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines hay Thái Lan, Mỹ lại vừa có thêm một sự tiếp sức khác là Ấn Độ.

Không hẳn là đồng minh của Mỹ, nhưng Ấn Độ cũng cảm nhận được sự đe dọa từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, và New Delhi chấp nhận bắt tay với Washington, bất chấp Bắc Kinh điều tàu ngầm hạt nhân đến Ấn Độ Dương. Đây được cho là đòn cảnh cáo Ấn Độ không nên can thiệp vào tranh chấp ở biển Đông.

Tuy vậy, việc Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong thế cân bằng ở Biển Đông đã là điều không thể ngăn cản. Ngày 31/5, 4 tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đã có mặt tại Biển Đông để tham gia tập trận cùng 5 nước ASEAN xung quanh khu vực tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Cũng trong ngày 31/5, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã tổ chức Đối thoại Bộ trưởng quốc phòng 3 bên. Đây là đối thoại lần thứ 5 của các quan chức quốc phòng hàng đầu 3 nước trong năm nay. Tuyên bố chung nêu rõ, Mỹ - Nhật – Australia một lần nữa khẳng định cam kết củng cố liên minh và coi đó là một hành động thiết yếu trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, Nhật Bản và Australia cũng tuyên bố ủng hộ, hỗ trợ lâu dài chính sách tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á.

Nhật và Australia khẳng định sẽ phối hợp với Mỹ, đưa máy bay tuần tra trên Biển Đông, cùng các nước khác hành động để kìm hãm hoạt động cải tạo của Trung Quốc.

Tạp chí Time dẫn lời giáo sư Bernard Cole, Viện Chiến tranh Quốc gia, cơ quan nghiên cứu của Lầu Năm góc tại Washington, D.C: “Châu Á - Thái Bình Dương đang là cuộc đọ sức giữa một Trung Quốc cô độc và một mạng lưới những quốc gia trong một hệ thống do Mỹ sắp đặt. Với tiềm lực của mình, Trung Quốc sẽ dễ dàng chiếm ưu thế trong bất cứ cuộc xung đột tay đôi nào về chính trị cũng như quân sự, nhưng với cả một hệ thống các nước đang tạo thành một vành đai thì không đơn giản”.

Trung Quốc đang có lý do để vội vã. Một khi vấn đề Trung Đông đã được giải quyết và Mỹ tập trung hoàn toàn vào khu vực châu Á Thái Bình Dương, thì mọi chuyện có lẽ sẽ phải khác./.

Ngân Giang/VOV.VN


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...