Thế giới rất cần an ninh và ổn định tại Biển Đông

Thứ 2, 01/06/2015 | 08:43:51
1,192 lượt xem

Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn quan trọng trong tổng thể chiến lược bảo vệ chủ quyền và lợi ích của VN.

Thứ trưởng Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 - Ảnh: Nam Hùng

Thứ trưởng Quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dự Đối thoại Shangri-La
lần thứ 14 - Ảnh: Nam Hùng
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời phỏng vấn của Báo Thanh Niên tại Singapore ngày 31.5, ngay sau khi diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương mang tên Đối thoại Shangri-La (SLD), lần thứ 14 kết thúc sau 3 ngày hội luận nóng bỏng.
Thưa Thứ trưởng, điều gì khiến ông quan tâm nhất từ diễn đàn lần này?
Đối thoại Shangri-La ra đời cách đây hơn 10 năm và bắt đầu bằng những vấn đề an ninh tương đối đơn giản và chỉ mang tính khu vực. Nhưng qua thời gian, SLD ngày càng phát triển khiến kế hoạch dự kiến kết thúc vào năm 2013 nhưng sau đó SLD tiếp tục tồn tại, với quy mô lớn hơn. Năm nay càng đặc biệt. Qua thành phần tham dự, nội dung hội luận, không khí và sự quan tâm của báo chí, ta thấy SLD không còn là diễn đàn an ninh của riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương nữa, mà là của cả thế giới, bàn các vấn đề của khu vực. Bởi lợi ích từ khu vực là rất lớn, nên an ninh và ổn định ở đây trở nên quan trọng đối với toàn thế giới. Nó thu hút sự chú ý của tất cả các nước lớn, những quốc gia có liên quan đến lợi ích khu vực này. Điều đó là cơ hội cho các quốc gia khu vực, trong đó có VN.

Hôm nay, bà Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen trong bài phát biểu có một câu mà tôi rất tâm đắc. Bà ấy nói nước Đức để có phồn vinh cần 3 yếu tố: an ninh, tự do và trật tự. Tự do mà bà đề cập ở đây là tự do thương mại, tự do hàng hải. Nhờ điều này mà người Đức có thể sang tận Thượng Hải hay California buôn bán. An ninh có nghĩa là phải giữ được hòa bình, môi trường thuận lợi cho phát triển và mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác. Còn trật tự chính là luật pháp phải được tôn trọng. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, điều đó rất đúng. Khu vực chúng ta cũng cần những yếu tố như vậy.



Thế giới rất cần an ninh và ổn định tại Biển Đông - ảnh 2
Đặc biệt, ngay khi diễn đàn mở họp thì có tin Trung Quốc đưa vũ khí ra những đảo này. Rõ ràng, nếu ở đó mà có vũ khí thì ai cũng lo ngại là đúng. Mối lo đó được thể hiện trong tất cả các bài phát biểu của mọi diễn giả, kể cả trong phiên toàn thể lẫn các phiên họp chuyên đề song song
Thế giới rất cần an ninh và ổn định tại Biển Đông - ảnh 3

 

Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá của mình đối với những gì diễn ra tại SLD lần này về vấn đề Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông không phải chỉ nóng lên từ diễn đàn lần này, mà từ năm 2010, sau khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đường 9 khúc. Tuyên bố đó phá bỏ mọi hệ thống luật pháp, chủ quyền, các giá trị mang tính lịch sử và truyền thống của thế giới. Chính điều đó làm nóng SLD. Và đến năm nay thì càng nóng hơn, khi mà ngay trước thềm lẫn trong khi diễn đàn diễn ra, Trung Quốc xây dựng dồn dập các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Đây là hành động không thể lý giải được ở nhiều khía cạnh. Thứ nhất, luật pháp quốc tế không cho phép nước nào xây dựng trong khu vực không thuộc chủ quyền hoặc thềm lục địa của mình. Không thể nói một vị trí cách anh 2.000 hải lý lại thuộc chủ quyền hoặc thềm lục địa của anh được. Việc xây dựng như vậy cho thấy thực chất anh coi toàn bộ Biển Đông là của riêng anh. Điều ấy luật pháp quốc tế không cho phép. Thứ hai, nó vi phạm Tuyên bố các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC) do chính Trung Quốc ký với ASEAN cách đây chưa lâu, năm 2002. Điều 5 của DOC nói rõ không được phép thay đổi hiện trạng các cấu trúc tự nhiên trong khu vực tranh chấp. Thứ ba, dù không nói nhưng ai cũng biết Trường Sa là một quần thể thuộc chủ quyền của VN mà tại đó một số bãi ngầm đã bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1988. Mà đã chiếm đoạt bằng vũ lực thì không có luật nào công nhận, bất cứ ở đâu. Thứ tư, mọi quốc gia đều đặt câu hỏi: Trung Quốc xây đảo để làm gì? Liệu đó có phải là một khu du lịch, khu dịch vụ kỹ thuật cho tàu bè, khu chế biến hải sản cho ngư dân? Câu hỏi này rất dễ trả lời. Và đương nhiên, người ta lo ngại là có lý do xác đáng của nó.
Đặc biệt, ngay khi diễn đàn mở họp thì có tin Trung Quốc đưa vũ khí ra những đảo này. Rõ ràng, nếu ở đó mà có vũ khí thì ai cũng lo ngại là đúng. Mối lo đó được thể hiện trong tất cả các bài phát biểu của mọi diễn giả, kể cả trong phiên toàn thể lẫn các phiên họp chuyên đề song song. Tất cả các ý kiến đều xoay quanh 2 khía cạnh: một là lo ngại hành động phi pháp, vô hiệu hóa luật pháp quốc tế của Trung Quốc; hai là bày tỏ mong muốn rất chính đáng, rằng tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và đối thoại. Trong phiên họp toàn thể sáng nay với 3 diễn giả gồm Bộ trưởng Quốc phòng Đức, New Zealand và Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc, có cả thảy 14 câu hỏi thì 12 câu về Biển Đông, khiến chủ tọa chỉ dành cho hai bộ trưởng kia mỗi người 2 phút để trả lời, trong khi ông Tôn có đến 10 phút!
Nhưng cũng cần lưu ý, đại diện tất cả các nước đều bày tỏ thiện chí hợp tác nhiều hơn với Trung Quốc, mong muốn Trung Quốc phát triển hòa bình, hội nhập nhiều hơn với thế giới, để các bên đều có lợi. Vì vậy, người ta đều mong muốn Trung Quốc phải xem xét các hành vi của mình, đừng đi quá mức mà thế giới có thể chịu đựng được. Đó là, tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng sức mạnh để đe dọa hay dùng vũ lực, không hành động đơn phương. VN cũng chỉ mong muốn như vậy thôi.
SLD là nơi không phải để nói suông, đúng vậy không thưa Thứ trưởng?
Đúng vậy. Chính tiếng nói khách quan, không liên minh tại diễn đàn này tạo ra một sức mạnh để Trung Quốc nhìn lại và tính toán kỹ lưỡng hơn. Rõ ràng Trung Quốc sẽ không muốn cứ mỗi lần họp SLD hoặc trên các diễn đàn khác nữa, họ lại là đối tượng bị chỉ trích. Đây là sức mạnh quốc tế giúp chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh với Trung Quốc. VN với tư cách là một nước láng giềng, có lịch sử quan hệ lâu đời luôn muốn có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, trên cơ sở đảm bảo chủ quyền, độc lập tự chủ và cùng tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là sự nghiệp lâu dài, bền bỉ, kiên định và bình tĩnh. Chúng ta luôn chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, có 3 nhóm giải pháp lớn: Một là thống nhất trong nước, đồng lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền, bảo vệ hòa bình và đồng lòng, tin tưởng vào các giải pháp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ; Hai là tiếp tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc trên tinh thần vừa hợp tác, vừa đấu tranh để làm sao cái đồng, cái lợi ngày càng lớn, chi phối đại cục, làm cơ sở từng bước giải quyết vấn đề, giải quyết các bất đồng, khác biệt giữa hai bên trên cơ sở luật pháp quốc tế; Ba là luôn công khai minh bạch trên các diễn đàn quốc tế, như Đối thoại Shangri-La này. Mình thấy mình đúng mà quốc tế cũng thấy như vậy, tức là lợi ích của mình gắn với lợi ích cộng đồng. Như vậy chúng ta đấu tranh cho ta, cũng là đấu tranh cho lợi ích chung, của khu vực và thế giới.

Theo Thục Minh
(Văn phòng Singapore) thực hiện

Thanh niên

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...