Nhật Bản: "Phải cho Trung Quốc thấy họ không sở hữu Biển Đông"

Thứ 5, 30/04/2015 | 14:34:07
806 lượt xem

Reuters dẫn nguồn tin từ Mỹ và Nhật Bản cho biết Tokyo đang xem xét tham gia tuần tra chung trên Biển Đông với Washington nhằm phản ứng lại sự bành trướng của Trung Quốc tại khu vực.

 

Kế hoạch của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được cân nhắc giữa lúc nước này và đồng minh quân sự Mỹ công bố hướng dẫn quốc phòng mới trong chuyến thăm Washington của Thủ tướng Shinzo Abe. Kế hoạch cho thấy Tokyo muốn tăng cường vai trò an ninh của mình ngoài việc chỉ bảo vệ các hòn đảo trong lãnh thổ.

Nguồn tin từ Nhật Bản cho biết Tokyo có khả năng tham gia tuần tra chung với Washington trên biển Đông hoặc luân phiên tuần tra biển Đông từ đảo Okinawa nằm ở rìa biển Hoa Đông. Nếu điều này xảy ra, Nhật Bản có thể làm Trung Quốc mếch lòng.

Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng ở Tokyo lo ngại Bắc Kinh sẽ áp đặt quyền lực lên tuyến hàng hải quan trọng trị giá 5 ngàn tỉ USD/năm một khi Nhật Bản chỉ khoanh tay đứng nhìn. “Chúng tôi phải cho Trung Quốc thấy rằng họ không phải là chủ sở hữu của Biển Đông” – một quan chức Nhật Bản giấu tên nói.

Máy bay FA-18 Hornet của Hải quân Mỹ tập trận trên biển. Ảnh: Reuters
Máy bay FA-18 Hornet của Hải quân Mỹ tập trận trên biển. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, nguồn tin từ phía Mỹ cho biết nếu Nhật Bản điều máy bay tuần tra trên Biển Đông, Tokyo sẽ đề nghị Philippines cho phép sử dụng các căn cứ không quân dưới dạng các bài tập cứu trợ thiên tai và hoạt động liên kết đào tạo khác. Theo đó, máy bay Nhật Bản có thể hoạt động “dài hơi” hơn .

Một nguồn tin quân sự Philippines tiết lộ do Manila không có bất kỳ thỏa thuận hợp tác quân sự nào với Tokyo nên hiện tại, Nhật Bản chưa thể sử dụng các căn cứ không quân của nước này trong khi tàu Mỹ có thể cập cảng Philippines để tiếp liệu và sửa chữa khẩn cấp nhờ vào hiệp ước quân sự giữa 2 bên. Tuy nhiên, những đề nghị đầu tiên có thể được đưa ra khi Thủ tướng Abe gặp Tổng thống Philippines Benigno Aquino vào tháng 6 tới.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Ngoại trưởng Fumio Kishida từ chối trả lời kế hoạch tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông. Cả hai nói rằng điều này phụ thuộc vào luật pháp Nhật Bản và cần sự tư vấn của các nước trong khu vực.

Sau cuộc hội đàm với ông Abe ngày 28-4, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ - Nhật chia sẻ mối lo ngại về hành động cải tạo đất của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cam kết bảo đảm tự do hàng hải và luật pháp quốc tế. Cũng theo ông, hướng dẫn hợp tác quốc phòng mới giữa 2 nước sẽ tạo điều kiện cho Nhật nắm vai trò quan trọng hơn ở châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh hôm 29-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khuyến cáo Mỹ và Nhật Bản “không nên làm phức tạp thêm tình hình” và khẳng định họ “không có phận sự tại Biển Đông”.

Ông Hồng còn lên tiếng cáo buộc Việt Nam, Philippines và các quốc gia khác đang cải tạo, xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Ông Hồng ngang ngược tuyên bố: “Trong một thời gian dài, Philippines, Việt Nam và các nước khác đã xây dựng sân bay và cơ sở hạ tầng cố định khác, thậm chí triển khai tên lửa và thiết bị quân sự trên các hòn đảo của Trung Quốc”.

Ân hận nhưng không xin lỗi

Ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng Nhật đầu tiên phát biểu trước lưỡng viện quốc hội Mỹ hôm 29-4 (giờ địa phương). Ông bày tỏ "sự hối lỗi" trước quá khứ quân phiệt của Nhật, khẳng định sẽ không ngoảnh mặt trước những đau thương mà nước này gây ra cũng như sẽ góp phần vào sự phát triển châu Á.

Tuy nhiên, ông Abe không đưa ra lời xin lỗi - vì Nhật Bản đã gây chiến, bao gồm nạn bắt hàng ngàn phụ nữ châu Á "mua vui" cho binh lính Nhật - như những người tiền nhiệm. Trong số những người nghe ông Abe phát biểu có bà Lee Yong-soo, một trong số hàng ngàn phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho lính Nhật. Bà được nghị sĩ Dân chủ Mike Honda, một người chỉ trích ông Abe dữ dội, mời đến.

Đặt qua một bên những vấn đề lịch sử, thủ tướng Nhật khuyến khích các nghị sĩ Mỹ ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Mỹ và Nhật Bản phải dẫn đầu để xây dựng một thị trường tự do, năng động, bền vững và công bằng. Chúng ta có thể phát tán các giá trị chung - sự tuân thủ luật pháp, dân chủ và tư do - ra khắp thế giới. Đó chính xác là những gì TPP hướng tới" - ông phát biểu.

P.Nghĩa (Theo Reuters)
nld.com.vn


  • Từ khóa
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc với cử tri huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tiếp xúc với cử tri huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà

Ngày 2.12, đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc với cử tri huyện Quỳnh Phụ và huyện Hưng Hà sau kỳ họp thứ 8, Quốc...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...