Bị ASEAN chỉ trích về Biển Đông, Trung Quốc tức tối

Thứ 5, 12/03/2015 | 17:40:25
642 lượt xem

Trung Quốc hôm qua (11.3), đã tỏ thái độ tức giận trước một phát biểu của ông Lê Lương Minh - Tổng thư ký ASEAN đưa ra cách đây một tuần, trong đó ông bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông.

 
Cảnh sát biển Việt Nam giám sát các tàu tuần duyên Trung Quốc xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 do Bắc Kinh tự tiện kéo đến vùng biển Hoàng Sa ngày 15.7.2014. Ảnh: Reuters

Trong một phát biểu với nhật báo Manila Times của Philippines hôm 4.3, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh- nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam,  xác định rằng, ASEAN bác bỏ chính sách của Trung Quốc sử dụng cái gọi là "9 đường gián đoạn" để khẳng định yêu sách chủ quyền tại Biển Đông. Theo Tổng thư ký Lê Lương Minh, sự hội nhập kinh tế của ASEAN có thể bị tác hại nếu nổ ra "bất kỳ một hành vi thù địch hay xung đột nào" trong khu vực.

Trong một phản ứng muộn màng khác thường, mãi đến ngày 11.3, Trung Quốc mới chính thức lên tiếng phản đối, với những lời lẽ rất gay gắt, theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp. Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cho rằng ASEAN không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và đòi hỏi một cách vô lý rằng ông Minh cần giữ tính chất trung gian của tổ chức khu vực này.

Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông luôn được thảo luận tại các hội nghị cấp cao của ASEAN và ASEAN mở rộng trong đó Trung Quốc có được mời tham dự.  Lãnh đạo các nước ASEAN từ trước đến nay luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của LHQ 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định trong Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, mà Trung Quốc cũng là một bên ký kết. Đặc biệt các bên liên quan phải tuân thủ Điều 5 của Tuyên bố, thực hiện kiềm chế và không làm phức tạp thêm, mở rộng hay làm gia tăng căng thẳng. Đồng thời, đẩy mạnh thương lượng thực chất ASEAN-Trung Quốc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.

Trong khi đó, cũng trong ngày 11.3, diễn đàn thảo luận thường niên song phương ASEAN - Ấn Độ mang tên Đối thoại Delhi (Delhi Dialogue) đã mở ra và sẽ kéo dài trong hai ngày. Theo báo chí Ấn Độ, một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã xác nhận rằng nhân hai ngày họp, ngoài các vấn đề  kinh tế, ASEAN và Ấn Độ cũng sẽ thảo luận về một kiến trúc an ninh khu vực và hồ sơ Biển Đông, với những vấn đề như an ninh trên biển, Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Theo ông Shri Lalduhthlana Ralte - Đại sứ Ấn Độ tại Manila (Philippines), "quan điểm của chúng tôi là trong loại tranh chấp này, các nước có yêu sách chủ quyền phải tuân thủ pháp luật và chuẩn mực quốc tế theo đó các tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình. Chúng ta phải chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế".

Đại sứ Ấn Độ tại Philippines hôm 10.3 cũng gián tiếp lên tiếng ủng hộ Philippines trong vụ kiện các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông trước Tòa án Trọng tài Quốc tế.

Phát biểu với Manila Times, ông Ralte xác định rằng New Delhi, cũng như Philippines, cho rằng phương thức khả thi và hiệu quả nhất để giải quyết các tranh chấp là đưa vấn đề ra trước trọng tài quốc tế.

Laodong.com.vn

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...