Việt Nam sẽ là “cường quốc” lọc dầu?

Thứ 2, 10/11/2014 | 11:29:45
1,187 lượt xem

Bộ Công thương vừa chính thức đề nghị bổ sung dự án nhà máy lọc dầu Nhơn Hội (Bình Định) với số vốn 22 tỉ USD vào quy hoạch.

Chuyên gia nước ngoài hỗ trợ vận hành hệ thống máy lọc, ống dẫn tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi - Ảnh: Việt Hùng

Như vậy, cho đến thời điểm này VN đã có gần 10 dự án lọc hóa dầu với công suất khoảng 60 triệu tấn/năm.

Nếu nhìn trên bản đồ VN, với những nét chấm nơi dự án nhà máy lọc dầu dự kiến sẽ đặt, có thể thấy VN sẽ trở thành “cường quốc” lọc dầu nếu các dự án đều trở thành sự thật.

Cung sẽ vượt cầu 11 triệu tấn...

Nhà đầu tư đề nghị miễn tiền thuê đất 70 năm

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh một số nội dung về chế độ ưu đãi cho thuê đất dài hạn, về miễn giảm thuế cho dự án lọc dầu Nhơn Hội, ông Hồ Quốc Dũng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định - khẳng định tỉnh đã tuân thủ các chế độ ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Theo ông Dũng, dự án lọc hóa dầu không thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư, vì vậy không được áp dụng cơ chế miễn thuê đất 70 năm.

Dự án này chỉ được hưởng miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản (không quá ba năm), đồng thời do đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội nên được miễn tiền thuê đất 11 năm (tính từ lúc đi vào hoạt động).

Đây là quy định của Chính phủ. Như vậy, tổng cộng được miễn trong phạm vi 15 năm. Việc nhà đầu tư đề nghị miễn tiền thuê đất 70 năm thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

BẢO TRUNG

Ngoài dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), hiện đang còn rất nhiều dự án lọc dầu khác.

Như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) công suất 10 triệu tấn/năm đang được PVN và liên doanh triển khai xây dựng, dự án hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) công suất 10 triệu tấn/năm cũng đang được PVN nghiên cứu đầu tư.

Ngoài ra, tại các địa phương khác cũng có nhiều dự án với tổng công suất trên 20 triệu tấn/năm đang được xúc tiến.

Chẳng hạn, dự án lọc dầu Cần Thơ do Công ty CP đầu tư thương mại Viễn Đông và Công ty Semtech Limited B.V.I (Mỹ) đầu tư đã được Thủ tướng chấp thuận từ năm 2008 với công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm.

Dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên) vừa được triển khai với công suất lên 8 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 3,2 tỉ USD.

Tại Khánh Hòa, từ năm 2008 Petrolimex và các đối tác đã tính toán đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với công suất 10 triệu tấn/năm.

Chưa kể năm 2006, Công ty CP Hapaco (Hải Phòng) cũng từng được nêu đang nghiên cứu dự án xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Đình Vũ, Hải Phòng với công suất 1 triệu tấn/năm, có thể mở rộng thêm...

Trong văn bản gửi Bộ Công thương góp ý về dự án lọc dầu Nhơn Hội, PVN đã tỏ ra lo ngại khi cho biết quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã hoạch định các nhà máy lọc dầu đủ cung ứng cho thị trường VN đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, nhưng không hề có dự án lọc dầu Nhơn Hội.

Vì vậy, nếu bổ sung dự án này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung cầu sản phẩm trong nước. PVN nhắc lại Chính phủ đã cam kết bao tiêu sản phẩm cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cảnh báo nếu đưa dự án Nhơn Hội vào, cung xăng dầu sẽ vượt cầu khoảng 11 triệu tấn.

Đặc biệt, dư thừa nguồn cung trong nước sẽ dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ PVN còn nhấn mạnh dự án lọc dầu Nhơn Hội lại rất gần các địa điểm Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất - nơi đã được hoạch định làm nhà máy lọc dầu...

Việc một dự án quy mô lớn như Nhơn Hội được đầu tư, chắc chắn các dự án nhỏ đã có trong quy hoạch sẽ phải xem lại, khó mà đầu tư, nhất là khi chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới của Saudi Arabia là Saudi Aramco cũng đã nói thẳng muốn phân phối vào thị trường nội địa của VN.

Nguồn: Bộ Công thương, Tập đoàn Dầu khí VN - Đồ họa: Như Khanh

“Kỳ vọng nhà xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu”

Trả lời Tuổi Trẻ về những băn khoăn cung vượt cầu, ông Lê Tuấn Phong - phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương - cho rằng dự án lọc dầu Nhơn Hội đặt mục tiêu xuất khẩu (đến thị trường Nhật, Trung Quốc... - PV).

Và không chỉ PTT, nhà đầu tư nào cũng sẽ phải cân nhắc vấn đề thị trường theo lợi ích họ có thể thu được...

Trong báo cáo trình Thủ tướng, Bộ Công thương cũng thừa nhận nếu dự án lọc dầu Nhơn Hội được đầu tư thì việc triển khai các dự án lọc dầu khác rất khó khăn. Tuy nhiên, Bộ Công thương không đồng tình quan điểm cho rằng dự án Nhơn Hội sẽ ảnh hưởng đến các nhà máy lọc dầu hiện hữu.

Lý do, dự án Nhơn Hội đầu tư sau sẽ không được hưởng những ưu đãi như với các nhà máy đã hoạt động và đang xây dựng. Nếu ưu đãi kém hơn mà Nhơn Hội vẫn cạnh tranh được với các nhà máy Dung Quất hoặc Nghi Sơn thì đó cũng là động lực cần để các nhà máy Dung Quất, Nghi Sơn cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định ngay dự án lọc dầu Nghi Sơn cũng sẽ phải nhập 100% dầu thô từ Kuwait. VN hoàn toàn có thể trở thành nhà xuất khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu nếu dự án hiệu quả.

Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng đồng tình đưa dự án này vào quy hoạch nhưng đề nghị bổ sung hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá khả năng tiêu thụ sản phẩm trong nước và khu vực để nêu rõ thị trường mục tiêu.

Kết luận, Bộ Công thương nêu việc bổ sung dự án lọc dầu Nhơn Hội vào quy hoạch là có thể chấp nhận được. Bộ Công thương lưu ý với dự án lớn, nhiều rủi ro như Nhơn Hội, việc cho vào quy hoạch cũng chỉ mới là bước khởi đầu, có triển khai được không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là thu xếp vốn.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng đã chính thức đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho Nhơn Hội vào quy hoạch, đồng thời loại nhà máy lọc dầu ở Cần Thơ ra khỏi quy hoạch, giãn tiến độ hoàn thành nhà máy lọc dầu Long Sơn sang sau năm 2025...

PGS.TS Lê Trình (viện trưởng Viện Khoa học môi trường và phát triển): 

Lọc dầu gây tác động lớn tới môi trường

Những dự án lọc dầu sắp tới sẽ tác động rất nhiều tới môi trường. Chúng ta chưa thấy hậu quả về môi trường do các dự án lọc dầu này chưa trình báo cáo về đánh giá tác động tới môi trường.

Các chủ dự án đương nhiên tự chọn những vị trí sao cho thuận lợi về giao thông, đỡ tốn kém về vận chuyển mà ít xem xét môi trường.

Do vậy, các cơ quan chức năng phải xem xét môi trường, cùng với việc xem xét các yếu tố kinh tế, đầu tư. Phải xem vị trí dự án có phù hợp hay không.

Tiếp đó, phải kiểm tra kỹ công nghệ, chỉ cho phép công nghệ cao để có thể giảm thiểu chất thải. Đi đôi với đó phải có biện pháp và công nghệ để quản lý vấn đề bảo vệ môi trường của dự án.

Mỹ: không hạn chế, nhưng phải chặt chẽ về môi trường

Theo New York Times, chính quyền Mỹ không có chính sách hạn chế xây dựng nhà máy lọc dầu mà chỉ đưa ra những tiêu chí phải tuân thủ, nhất là về môi trường. Các nhà máy lọc dầu phải đáp ứng những giới hạn về khí nhà kính rất nghiêm ngặt.

Vấn đề môi trường luôn được các cơ quan chức năng cập nhật và đề xuất các cơ quan làm luật xem xét theo hướng nghiêm ngặt hơn mỗi năm.

Ngược lại, nước này không cho phép xuất khẩu dầu thô ra ngoài mà phải chế biến trong nước. Mỹ là nước có công suất lọc dầu lớn nhất thế giới, với khoảng 17,8 triệu thùng/ngày.

Dầu thô Việt Nam đáp ứng được khoảng 40 năm nữa

Theo số liệu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC), Venezuela có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới với 297,57 tỉ thùng, kế đến là Saudi Arabia với 267,91 tỉ thùng, tiếp theo là Canada, Iran, Iraq, Kuwait.

VN xếp thứ 28 thế giới về trữ lượng dầu thô với khoảng 4,4 tỉ thùng, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Malaysia (5,8 tỉ thùng).

Theo cách tính của OPEC, trữ lượng này cho phép VN khai thác được trong khoảng 40 năm nữa với tốc độ khai thác như hiện nay.

HỒNG QUÝ

 

CẦM VĂN KÌNH - TRUNG HÀ

Tuoitre.vn


  • Từ khóa
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...