"Sẽ rất vô lý nếu nói khởi kiện là ‘đối đầu với Trung Quốc’- chỉ những thế lực xâm lược cố tình sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác mới lo ngại và giải thích như vậy".
Như tin đã đưa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo giới quốc tế nói Việt Nam đang “cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có tuyên bố không chấp nhận thẩm quyền của bất kỳ cơ quan xét xử nào đối với các tranh chấp qui định trong điều 298 Công ước Luật biển 1982.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quý Bính – chuyên gia pháp lý, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các Tổ chức quốc tế tại Geneve, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia – về chủ đề nêu trên.
Khởi kiện không có nghĩa là đối đầu
Đã có một số ý kiến chỉ ra một loạt trở ngại cho Việt Nam, trong đó có việc hầu như Trung Quốc chắc chắn từ chối tham dự một phiên tòa quốc tế như vậy… Soi chiếu từ việc Trung Quốc từ chối hầu tòa trong việc giải quyết tranh chấp biển đảo theo đơn kiện của Philippines, điều này sẽ dẫn đến hậu quả gì, thưa ông?
Trung Quốc từ chối hầu tòa nhưng vụ kiện vẫn sẽ được xét xử. Theo trình tự vụ việc, sau khi Trung Quốc trả lại công hàm chính thức của Philippines đề nghị cùng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, ngày 19/2/2013 Philippines đã đơn phương tiến hành các thủ tục tố tụng trọng tài theo qui định của Phụ lục VII của Công ước Luật biển 1982. Tòa trọng tài đã họp phiên đầu tiên vào ngày 11/7/2013, chọn La-Hay làm địa điểm xét xử và thông qua quy tắc tố tụng, trong đó yêu cầu philippines nộp bản biện luận của mình trong vòng 6 thàng.
Tòa cũng đã yêu cầu Trung Quốc tới ngày 15/12/2014 phải nộp bản biện luận trả lời đơn kiện của Philippines. Ngày 31/3/2014, Philippines đã nộp bản biện luận của mình dày khoảng 4000 trang. Trong khi đó Trung Quốc đã trả lời dứt khoát là họ không tham gia, không gửi bản lập luận như được yêu cầu. Như vậy, theo thủ tục pháp lý, cho dù Trung Quốc kiên quyết không gửi bản lập luận của mình Tòa vẫn sẽ thụ lý vụ án và đưa ra phán quyết của mình, khi nào thì chưa rõ. Phán quyết của Tòa sẽ có giá trị chung thẩm với các bên tranh chấp, bất kể lập trường của Trung Quốc như thế nào.
Với cách hành xử của Trung Quốc thì gần như chắc chắn là họ sẽ không thực hiện phán quyết của Tòa và nếu Việt Nam khởi kiện thì họ vẫn sẽ phớt lờ như với trường hợp của Philippines?
Theo tôi, cần phải nhìn nhận vấn đề này ở góc độ rộng lớn hơn. Phán quyết của Tòa sẽ tác động mạnh mẽ đến dư luận quốc tế. Cho dù Trung Quốc cố tình phớt lờ phán quyết của Tòa nhưng đó vẫn là cơ sở pháp lý hữu hiệu trong đấu tranh ngăn chặn các hành động xâm lấn ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ có hành động phớt lờ tương tự nếu Việt Nam chính thức tiến hành khởi kiện họ, nhưng họ sẽ phải đối đầu với “búa rìu” dư luận và tự phơi diễn bộ mặt thật của mình.
Có một số người cho rằng một khi đã đưa nhau ra tòa thì không khác nào bát nước hắt đi, “đối đầu với Trung Quốc”. Cũng có nghĩa rằng, mọi cánh cửa cho cơ hội “bình thường hóa” cũng đóng sập lại, ông nghĩ sao?
Đưa bất đồng ra phân xử tại tòa án (bao gồm Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Luật Biển, Tòa án trọng tài...) là biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các quốc gia đã được Liên Hợp quốc dày công xây dựng và là nền tảng của luật pháp quốc tế hiện đại. Đó chính là biện pháp nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, là hệ quả của nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, là con đường giúp các nước nhỏ yếu bảo vệ các quyền chính đáng của quốc gia mình, là biểu hiện của thế hiện chính nghĩa và được cả thế giới đồng tình ủng hộ.
Sẽ rất vô lý nếu nói khởi kiện là ‘đối đầu với Trung Quốc’- chỉ những thế lực xâm lược cố tình sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác mới lo ngại và giải thích như vậy. Việt Nam có căn cứ vững chắc về pháp lý khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình, có thiện chí hòa bình, nhưng cũng cần củng cố thế đứng vững vàng về pháp lý quốc tế.
Nếu một cuộc đấu tranh pháp lý được tiến hành, thì đâu sẽ là nội dung trọng điểm mà Việt Nam cần phải làm rõ và đấu tranh trước tòa án quốc tế, thưa ông?
Về nội dung, ta cần tập trung vào yêu sách “Đường Lưỡi bò 9 đoạn” của Trung quốc, yêu sách đó vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 và không có giá trị pháp lý. Đây cũng là một yêu sách “ngông cuồng” nhất, nhưng lại rất yếu về cơ sở pháp lý quốc tế. Chính từ yêu sách này mà Trung Quốc đã đòi hỏi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông, chiếm đóng phi pháp các đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam, bắt giữ các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, tiến hành phân lô thăm dò dầu khí và hạ đặt phi pháp dàn khoan 981 trên thềm lục địa của Việt Nam. Bác bỏ yêu sách phi lý này của Trung quốc là cơ sở để bác bỏ yêu sách chủ quyền của họ đối với các đảo; lên án các hành động xâm lấn áp đặt chủ quyền của Trung quốc, bảo vệ hợp pháp các hoạt động trên biển của ta.
Về mặt thủ tục, ngoài kinh nghiệm của Philippin lựa chọn tòa án trọng tài, chúng ta có thể nên nghiên cứu thêm thủ tục lấy “ý kiến tư vấn” của Tòa án Luật biển (ITLOS) theo điều 21 Quy chế Tòa án và điều 138 về Quy tắc của Tòa. Việt Nam có thể phối hợp cùng philippines hoặc vận động SEAN đứng ra (chỉ cần 1 trong 2 thủ tục) yêu cầu Tòa án Luật biển cho ý kiến tư vấn về tính phi pháp của yêu sách “Đường Lưỡi bò 9 đoạn”.
Bên cạnh đó, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung quốc cũng khăng khăng là họ có cơ sở pháp lý quốc tế để đòi hỏi chủ quyền đối với Hoàng Sa, vậy thì chúng ta có thể chính thức đề nghị Trung quốc cùng đưa vấn đề này ra Tòa án Công lý Quốc tế (Tòa án Quốc tế) để phân xử. Trung quốc chắc chắn sẽ bác bỏ, tức là cũng họ mất thế đứng về pháp lý quốc tế. Dù Trung quốc cố tình bác bỏ, chúng ta vẫn có thể đơn phương nêu yêu cầu ra Tòa án Quốc tế để “treo vấn đề” tại đó; một mặt để chứng tỏ chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền, mặt khác để quốc tế ghi nhận Hoàng Sa và vùng biển phụ cận là “vùng tranh chấp” đã đưa ra Tòa án Quốc tế, mà Trung quốc đơn phương khai thác và dùng vũ lực hạ đặt dàn khoan là trái với luật quốc tế và sẽ bị lên án.
Ngoài ra, Việt Nam có thể sử dụng diễn đàn Đại Hội đồng Liên họp quốc triển khai các hoạt động vân động ngoại giao, kể cả việc đề nghị Đại hội đồng LHQ thảo luận nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết tư vấn về tính phi pháp của yêu sách “Đường Lưỡi bò”. Chúng ta phải coi đây là cuộc vận động chính trị bền bỉ lâu dài, cần nghiên cứu cách thức vận động phù hợp như nhiều nước đã làm, kiên trì đấu tranh. Nếu năm nay chưa được, thì tiếp tục tiến hành vận động ở các năm tiếp đó đến khi có sự ủng hộ thích đáng của quốc tế.
“Ứng xử ngoại giao thô bạo và vụng về”
Theo ông, trong cuộc đấu tranh pháp lý Việt Nam đang có những lợi thế gì?
Như đã nêu ở trên, Việt Nam có quyền chủ quyền và tài phán đối với vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, có căn cứ vững chắc về pháp lý khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa - Trường Sa thiêng liêng, có lợi ích chung với cộng đồng quốc tế về gìn giữ hòa bình an ninh khu vực và tự do hàng hải trên Biển Đông.Trong khi đó các đòi hỏi của Trung quốc là phi lý, dư luận quốc tế đang rất bất bình và lo ngại về hành động thô bạo của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa Việt Nam, dùng tàu chiến và máy bay bảo vệ, đâm chìm tàu chấp pháp của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bất chấp các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.
Vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần huy động mọi biện pháp đấu tranh hợp pháp và hòa bình, nhất là đấu tranh về pháp lý quốc tế, tuyệt nhiên không nên chờ đợi đến khi có sự chuẩn bị đầy đủ và lại để mất cơ hội. Thực tế, trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và tái thiết đất nước trước đây, chúng ta không chờ tới khi có đủ lực lượng mới tiến hành, mà cần bắt đầu ngay khi có thời cơ. Lúc này thời cơ đang thuận lợi, chúng ta không thể để lỡ thời cơ trong việc bảo vệ và phát triển đất nước, như trong quá khứ đã đôi lần để mất thời cơ.
Thực tế là Việt Nam luôn có thiện chí giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, bằng chứng là chúng ta đã thực hiện hàng chục cuộc điện đàm với phía Trung Quốc nhưng dường như họ không có bất cứ thiện chí hợp tác nào. Ông nhận xét như thế nào về ứng xử trong ngoại giao của Trung Quốc?
Đó là cách ứng thô bạo và vụng về. Trung Quốc luôn nói một đường làm một nẻo, vi phạm chính những gì lãnh đạo của họ đã cam kết với lãnh đạo Việt Nam. Dư luận quốc tế, rõ nhất là tại hội nghị Shangri-La vừa rồi, cũng đều thấy rằng những hành động xâm lấn của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và đe dọa ổn định an ninh khu vực; vậy mà lãnh đạo Trung quốc vẫn nêu cao vấn đề “xây dựng lòng tin”, trong khi lại khẳng định Trung Quốc chỉ tiến hành đàm phán song phương, không quốc tế hóa vấn đề. Thực tế là Trung Quốc đang chuyển sang thực hiện chính sách ngoại giao chiến hạm, bộc lộ rõ hành động xâm lấn thô bạo, đó là ngoại giao “cùn” chứ không phải ngoại giao hữu nghị như các nước vẫn theo đuổi.
Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt như hiện nay, theo tôi rất cần thiết phải xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình ổn định và để ngăn ngừa xung đột. Thực tế, ASEAN đã đạt được Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông với Trung Quốc nhưng điều đó là chưa đủ. Chúng ta phải nhanh chóng đạt được bộ quy tắc ứng xử chính thức trên Biển Đông, mang tính ràng buộc pháp lý.
Trong đàm phán với Trung Quốc thì nội dung nào sẽ phải nhấn mạnh nhất, thưa ông?
Trung Quốc phải tuân thủ các nguyên tắc luật pháp quốc tế và qui định của Công ước Luật Biển 1982, rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa Việt Nam, mọi tranh chấp giữa các bên phải được đàm phán bằng biện pháp hòa bình, không được sử dụng vũ lực. Đây là những nội dung quan trọng nhất.
Hà Trang
Theo: Dantri.com.vn
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...