Sự dối trá trắng trợn của Trung Quốc

Thứ 2, 09/06/2014 | 09:10:56
1,190 lượt xem

Trung Quốc bị tố cáo dùng vũ lực và bịa ra các “căn cứ lịch sử” để biện bạch cho tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông.

Tàu chiến và cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa - Ảnh: CRI
Tàu chiến và cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa - Ảnh: CRI 

Từ khi hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam ngày 2.5, Trung Quốc không những bị truyền thông, chuyên gia quốc tế chỉ trích về hành động ngang ngược này mà ngay cả sự phi lý và dối trá của “đường lưỡi bò” được Bắc Kinh dùng để tuyên bố chủ quyền gần trọn biển Đông cũng bị vạch trần.

Từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được cơ sở pháp lý cho “đường lưỡi bò” mà chỉ viện đến cái gọi là “cơ sở lịch sử”. Tuy nhiên, ngay cả những “cơ sở lịch sử” do họ đưa ra cũng dựa trên sự dối trá trắng trợn. Mới đây, thẩm phán kỳ cựu Antonio T.Carpio thuộc Tòa án tối cao Philippines khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố có “quyền lịch sử” đối với vùng biển trong đường lưỡi bò là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, theo Đài ABS CBN News. Ông nhấn mạnh Công ước LHQ về luật Biển (UNLCOS) không công nhận “quyền lịch sử” là cơ sở tuyên bố chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mở rộng của các quốc gia ven biển.

Những cơ sở dối trá

Trong bài phát biểu tại Đại học De La Salle (Philippines), với chủ đề: “Yếu tố lịch sử, những sự dối trá lịch sử và quyền lịch sử ở biển Nam Trung Hoa (tên gọi quốc tế của biển Đông - NV)”, thẩm phán Carpio còn dùng chính những bản đồ của Trung Quốc để bác tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này dựa trên “yếu tố lịch sử”. Ông Carpio cho hay đã kiểm tra “yếu tố lịch sử” của Trung Quốc bằng cách xem nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc và cả các bản đồ của Philippines và một số nước khác. “Tất cả bản đồ cổ này cho thấy kể từ khi những bản đồ tiếng Hoa đầu tiên xuất hiện, phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc luôn luôn chỉ có đảo Hải Nam, với tên gọi thời cổ của nó lần lượt được đổi từ Châu Nhai, Quỳnh Nhai và Quỳnh Châu. Đảo Hải Nam trong nhiều thế kỷ là một phần của tỉnh Quảng Đông và chỉ đến năm 1988 mới được tách thành một tỉnh riêng (tỉnh Hải Nam - NV)”, ông Carpio khẳng định.

Ông Carpio còn khẳng định giới lãnh đạo và những người vẽ bản đồ của Trung Quốc tuyên bố bãi ngầm James ở tận phía nam của biển Đông là lãnh thổ cực nam của nước này mà thậm chí chưa bao giờ đặt chân đến đó và chắc chắn không có người Trung Quốc nào từng đến thăm bãi James. “Thật ra, các bản đồ chính thức trong các triều đại Nguyên, Minh và Thanh đặt biên giới cực nam của Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Những bản đồ nổi tiếng thời nhà Thanh đặt đảo Hải Nam là biên giới cực nam của Trung Hoa. Không có bản đồ nào thời phong kiến của Trung Quốc đề cập các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough và đường chín đoạn”, thẩm phán Carpio khẳng định. Ông này cho biết thêm vào tháng 9.1932, Trung Quốc từng tuyên bố với thế giới rằng biên giới cực nam của họ là đảo Hải Nam, không phải bãi ngầm James. “Những yếu tố lịch sử cơ bản và thật sự ở biển Nam Trung Hoa hoàn toàn khác với những gì Trung Quốc cho là bằng chứng lịch sử mà họ đã đưa ra”.

Thẩm phán Carpio cũng nhắc lại rằng khi Philippines bắt đầu kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền phi lý ở biển Đông hồi tháng 1.2013, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố “yếu tố lịch sử” là một căn cứ cho tuyên bố chủ quyền đó. Ông Carpio phản bác: “Yếu tố lịch sử, nếu có thật, liên quan đến việc khám phá, thăm dò trong Thời đại khám phá (đầu thế kỷ 15 đến thế kỷ 17) hoặc sớm hơn, không có giá trị trong việc giải quyết tranh chấp biển theo UNCLOS”. Do đó, thẩm phán Carpio khẳng định: “Các chuyến hải hành của Đô đốc Trung Hoa Trịnh Hòa trong giai đoạn 1405 - 1433 không bao giờ là căn cứ cho bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào ở biển Nam Trung Hoa. Các tên mang tính lịch sử cũng không thể làm cơ sở cho tuyên bố chủ quyền đối với biển và đại dương. Thậm chí, tên biển Nam Trung Hoa là do người châu Âu đặt, chứ không phải người Trung Quốc”. Từ đó, ông Carpio khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông là “sự dối trá trắng trợn, không thống nhất với các yếu tố lịch sử và những tuyên bố của chính họ”, theo Đài ABS CBN News.

Hành động xâm lược

Ngoài ra, vị thẩm phán từ Tòa án tối cao Philippines còn lên án vụ Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, đá Chữ Thập năm 1988, đá Vành Khăn năm 1995 và bãi cạn Scarborough năm 2012 là hành động xâm lược, vi phạm Hiến chương LHQ, theo Đài ABS CBN News.

Hai đá Chữ Thập và Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tờ South China Morning Postở Hồng Kông đã dẫn lời giới chuyên gia Trung Quốc cho hay nước này đang có kế hoạch phát triển đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo, có đường băng và cảng biển, không lâu sau khi quân đội Philippines khẳng định Trung Quốc đang cho tàu tiến hành hoạt động xây dựng ở đá Ga Ven và Châu Viên, cũng thuộc Trường Sa.

Trước tình trạng này, thẩm phán Carpio khẳng định: “Thế giới bây giờ quen với những thiết kế mang tính bành trướng của Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa. Sự xâm chiếm dần dần của Trung Quốc đối với các đảo, bãi đá, đá ngầm cũng như các khu vực ở biển Nam Trung Hoa đang gia tăng thông qua vũ lực và các hành vi hung hăng thường nhật, khi hải quân Trung Quốc ngày càng vượt trội hơn so hải quân của những quốc gia ven biển khác”.

Văn Khoa

Theo: Thanhnien.com.vn

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...