Kỹ thuật trồng ngô ngọt

Thứ 3, 08/09/2015 | 17:04:04
3,036 lượt xem

Gần đây, người tiêu dùng đang làm quen dần với một loại ngô ngọt (bắp ngọt, ngô Mỹ), chất lượng ăn ngon hơn ngô nếp thông thường vì có vị ngọt hơn. Thông thường giá bán ngô ngọt cao hơn ngô nếp khoảng hai lần và dễ bán do ngoài khả năng bán để luộc ăn tươi, ngô ngọt còn được dùng trong công nghiệp chế biến đóng hộp. Chuẩn bị vụ đông tới, Thaibinhtv.vn giới thiệu kỹ thuật trồng ngô ngọt do ThS. Nguyễn Đức Chí ( Trung tâm Khảo nghiệm KNKN Thái Bình)hướng dẫn.

 

1. Thời vụ gieo trồng

 

Ngô ngọt có thể trồng được nhiều vụ trong năm, tuy nhiên khi trồng cần tránh ngô phun râu trỗ cờ vào thời tiết nắng nóng kéo dài trên 370C hoặc lạnh dưới 150C, có 2 thời vụ trồng chính:

- Vụ xuân: thời gian gieo trồng từ 20/1 - 25/2.

- Vụ đông: thời gian gieo trồng từ 20/9 - 15/10.

2. Kỹ thuật ngâm ủ

- Để đảm bảo được tỷ lệ nảy mầm cao, khi mua ngô về cần phơi qua nắng nhẹ nhằm phá sự ngủ nghỉ của hạt.

- Ngâm hạt trong nước ấm 2 sôi 3 lạnh từ 3 - 5h, sau đó ủ trong khăn ẩm hoặc tra trực tiếp xuống đất cát rồi giữ ẩm cho đến khi mầm mọc khỏi mặt đất.

3. Mật độ và khoảng cách gieo, khoảng cách cách ly

- Mỗi vùng, mỗi giống cần áp dụng khoảng cách gieo hợp lý, để tận dụng tối đa dinh dưỡng đất và thời gian chiếu sáng, cũng như cường độ chiếu sáng nhằm đạt năng suất cao nhất. Đối với đất tốt hoặc cường độ chiếu sáng yếu thì cần trồng ngô với mật độ thưa. Trung bình: mật độ 6 - 8 vạn cây/ha; khoảng cách: hàng cách hàng: 60 - 70 cm, cây cách cây: 25 - 30 cm.

- Hạt có thể gieo thẳng hoặc gieo vào bầu. Gieo vào bầu: thường được áp dụng trong vụ đông vừa hạn chế tối đa sự mất khoảng vừa tận dụng thời vụ.

- Tránh trồng ngô ngọt gần những ruộng ngô giống khác vì nếu nhận nguồn phấn khác thì chất lượng cũng như độ ngọt của bắp sẽ giảm. Khoảng cách không gian an toàn nhất là 300 m, nếu không cách ly bằng không gian ta có thể trồng sao cho thời gian trổ cờ của ngô ngọt và ruộng ngô thường khác lệch nhau ít nhất 15 ngày.

4. Bón phân và cách bón

Muốn cho ngô đạt năng suất cao phải bón đủ lượng phân bón và khi bón phân phải dựa vào mùa vụ, khả năng phát triển của rễ, thân....

- Lượng phân bón

+ Phân chuồng: 10 - 15 tấn/ha. Nếu không có phân chuồng bón 500 - 550 kg/ha phân vi sinh.

+ Đạm Ure: 300 - 4 00 kg/ha.

+ Supe lân: 300 - 450 kg/ha.

+ Kali: 120 - 150 kg/ha.

- Cách bón:

+ Bón lót: bón toàn bộ phân chuồng, phân vi sinh + toàn bộ lân (bón vào rãnh hoặc vào hốc lấp 1 lớp đất mỏng rồi mới gieo hạt).

+ Bón thúc: bón làm 3 đợt:

Đợt 1: khi ngô 3 - 4 lá bón 1/3 đạm + 1/3 kali

Đợt 2: khi ngô 7 - 9 lá bón 1/3 đạm + 1/3 kali

Đợt 3: bón trước trổ cờ bón 1/3 đạm + 1/3 kali.

5. Tỉa nhánh

Khi thừa dinh dưỡng ngô ngọt hay có hiện tượng đẻ nhánh (do bón nhiều đạm vào giai đoạn sau), nên tỉa bỏ và chỉ để lại 1 cây chính.

 6. Chăm sóc

- Nếu mất khoảng cần tranh thủ dặm ngay khi cây ngô có 3 - 4 lá.

- Vun gốc kết hợp làm cỏ sau khi bón thúc đợt 1.

- Vun cao gốc kết hợp làm cỏ lần cuối cho ngô khi bón thúc lần 2.

- Tưới nước: dựa vào nhu cầu sinh trưởng của cây có 3 lần tưới quan trọng:

+ Lần 1: khi cây 7 - 9 lá tưới ngập 1/3 luống sau khi bón thúc.

+ Lần 2: trước trổ cờ 10 - 15 ngày tưới ngập 2/3 luống thấm đều rồi rút cạn.

+ Lần 3: sau thụ tinh xong tưới ngập 1/3 luống rồi rút cạn.

- Sau khi cây trổ cờ phun râu ta có thể tiến hành bấm bỏ 10 - 15% cờ trên cây xấu, hoặc bẻ cờ sau khi thụ phấn xong để tập trung đinh dưỡng về bắp.

7. Phòng trừ sâu bệnh hại ngô

Trên ngô có các loại sâu bệnh hại thường gặp là: sâu xám, sâu đục thân và đục bắp, rệp cờ, bệnh khô vằn, đốm lá, bệnh phấn đen... bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên và phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của bảo vệ thực vật.

ThS. Nguyễn Đức Chí ( Trung tâm Khảo nghiệm KNKN Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...