Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Trung Đông - châu Phi

Thứ 6, 17/04/2015 | 18:51:10
1,115 lượt xem

Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Trung Đông - châu Phi là thực dụng về kinh tế, khó có thể hình thành quan hệ kiểu đồng minh chiến lược như của Mỹ thời gian tới.

Theo nguồn tin tại khu vực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị có chuyến thăm chính thức Iran sau khi nước này đạt được thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân với các cường quốc thế giới vào ngày 2/4 vừa qua.
 
Trước đó, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Trung Đông và Pakistan dự kiến trong tháng này đã phải tạm hoãn vì những bất ổn tại khu vực. Nhiều nhà phân tích cho rằng, bản chất của mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia Trung Đông - châu Phi là thực dụng về kinh tế, do đó khó có thể hình thành nên các mối quan hệ kiểu đồng minh chiến lược như của Mỹ trong thời gian tới.
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh:
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Do sự tăng trưởng nhanh chóng trong nhập khẩu dầu khí, thương mại của Trung Quốc với Trung Đông đã tăng từ 20 tỷ USD của thập kỷ trước lên đến hơn 230 tỷ USD trong năm qua và dự kiến sẽ vượt ngưỡng 500 tỷ USD vào năm 2020. Hiện khoảng 1/3 lượng dầu của Trung Quốc được nhập từ các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Iran.

Với lợi ích như vậy, chìa khóa an ninh năng lượng của Bắc Kinh hiện nay là tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, trong đó tìm cách đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại tự do với khối GCC nhằm cắt giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu.

Trong khi đó, châu Phi có vai trò đặc biệt đối với những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn dầu lửa từ Trung Đông. Được biết, hiện Trung Quốc cũng nhập 1/3 nhu cầu về dầu từ châu Phi. Các chuyên gia dự báo, nếu nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, Bắc Kinh sẽ tăng lượng dầu nhập khẩu từ châu lục này. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến thăm Tanzania. (Ảnh:
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến thăm Tanzania. (Ảnh:AFP)
 
Chiến lược hướng Tây

Hiện Bắc Kinh đã tạo ra hai khái niệm mới liên quan đến chiến lược mở rộng về phía Tây, bao gồm: “con đường tơ lụa vành đai kinh tế” và “con đường tơ lụa hàng hải”. Trung Quốc mong muốn hình thành một mạng lưới phức tạp về giao thông đường sắt, đường bộ, mạng lưới thông tin liên lạc, các hiệp định thương mại, cảng biển, đường ống dẫn dầu nối giữa Đông và Tây Á. Một khi hoàn thành, chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc có một ảnh hưởng mạnh mẽ ở Trung Á và Trung Đông. Tuy nhiên, để thực hiện, Trung Quốc sẽ phải mất rất nhiều năm xây dựng và tiêu tốn nhiều tỷ USD viện trợ và đầu tư.

Hợp tác mạnh về kinh tế nhưng mờ nhạt về chính trị

Chính sách của Trung Quốc hướng đến Trung Đông là tập trung phát triển các mối quan hệ kinh tế hiệu quả, đồng thời tránh những xung đột đang xảy ra ở khu vực. Để làm được điều này, Trung Quốc hợp tác với tất cả các quốc gia trong khu vực, nhưng không “can thiệp” vào các thể chế chính trị, tôn giáo khác biệt. Các quốc gia Arab với đa số theo dòng Hồi giáo Sunni và Iran theo dòng Shiite đều có mối quan hệ tốt với Trung Quốc.

Do vậy, gần như chắc chắn rằng, sau chuyến công du đến Iran, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm tất cả các quốc gia quan trọng trong khu vực để hoàn thành sứ mệnh ngoại giao toàn cầu của mình.

Trung Quốc cũng thể hiện vai trò như một “diễn viên” hạng hai ở Trung Đông khi cố gắng cân bằng địa chính trị một cách thận trọng, duy trì nguyên tắc không can thiệp sâu, nhưng kiềm chế được chương trình nghị sự của Mỹ và liên minh châu Âu trong các vấn đề như hạt nhân Iran, ủng hộ lập trường của Nga trong vấn đề Syria...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một chuyến thăm Tanzania. (Ảnh:
Do sự tăng trưởng nhanh chóng trong nhập khẩu dầu khí, thương mại của Trung Quốc với Trung Đông đã tăng trưởng nhanh chóng. (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, chính sách cân bằng của Trung Quốc tại khu vực đang trở nên khó khăn hơn, khi các quốc gia Arab không tỏ ra hài lòng trước việc Trung Quốc phủ quyết một Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong vấn đề Syria và mối quan hệ chặt chẽ của nước này với Israel.

Hướng đi nào tại khu vực

Tất cả các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông sẽ tiếp tục là đối tác quan trọng của Trung Quốc trong chiến lược “một vành đai, một con đường”. Điều này phản ánh một thực tế quan trọng liên quan chiến lược mới của Bắc Kinh tại Trung Đông, đó là “tăng cường hợp tác, bất kể khác biệt về ý thức hệ”. Mặc dù vậy, thời gian tới Trung Quốc sẽ phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với sự ổn định tại khu vực này, đồng thời chi phí hỗ trợ hoặc góp phần bảo đảm an ninh có lẽ lớn hơn ngoài dự kiến.

Khi nhu cầu nhập khẩu năng lượng ngày càng tăng, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các quốc gia tại Trung Đông, châu Phi. Với chính sách thực dụng về kinh tế sẽ, rất khó để tin rằng Trung Quốc có thể hình thành được một liên minh chính trị, quân sự tại khu vực trong tương lai gần. Ngoài ra, hiện Bắc Kinh chưa có một đồng minh hoặc không quân và hải quân gần đó, nên sẽ khiến Mỹ và phương Tây giảm bớt mối lo ngại đối với các hoạt động mở rộng ảnh hưởng hiện nay của Trung Quốc tại khu vực, đặc biệt là về kinh tế./.
Theo Hồng Quân/VOV- Cairo


  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết và các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết và các dự án Luật

Sáng 9.11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...