Phát biểu tại Nhà Trắng vào sáng nay, 29/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Mỹ sẽ ngừng xuất khẩu sang Nga một số sản phẩm và công nghệ năng lượng, đồng thời, đóng băng các khoản tín dụng khuyến khích xuất khẩu sang Nga cũng như cung cấp tài chính cho các dự án phát triển kinh tế tại Nga.
Theo các biện pháp trừng phạt mà ông Obama vừa công bố, các công ty và công dân Mỹ không được phép cung cấp tài chính cho 3 ngân hàng lớn của Nga là Ngân hàng Moscow, Ngân hàng Nông nghiệp Nga và Ngân hàng VTB, đồng nghĩa với việc cánh cửa thị trường tài chính Mỹ sẽ khép lại đối với 3 ngân hàng này. Các biện pháp trừng phạt cũng nhằm vào Tổng Công ty đóng tàu United, một công ty công nghệ quốc phòng của Nga.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhất trí trừng phạt 8 nhân vật thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và hạn chế 3 tổ chức tài chính của Nga tiếp cận thị trường vốn EU. Lệnh trừng phạt của EU cũng sẽ phong toả các hợp đồng vũ khí mới giữa Nga và châu Âu, cấm xuất khẩu các loại hàng hoá có thể được sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự và hạn chế xuất khẩu các thiết bị năng lượng sang Nga. Nếu được thực thi cùng một lúc, đây sẽ là các biện pháp trừng phạt mạnh nhất của Mỹ và châu Âu đối với Nga kể từ thời Chiến tranh lạnh.
Tổng thống Obama nói: "Mỹ đang phối hợp hành động chặt chẽ với châu Âu và do vậy, các biện pháp trừng phạt công bố hôm nay sẽ có tác động lớn hơn. Những biện pháp trừng phạt mà chúng ta áp dụng đã khiến kinh tế Nga ngày một suy yếu".
Tổng thống Obama cảnh báo, nếu tiếp tục đi theo con đường hiện nay, Nga sẽ phải trả giá nhiều hơn nữa. Ông Obama cho biết các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khoảng 100 tỷ USD ra khỏi Nga trong thời gian tới, trong khi các dự án phát triển kinh tế tại Nga đang giảm xuống gần bằng 0.
Tổng thống Mỹ nêu rõ: “Nga đang một lần nữa tự cô lập mình trong cộng đồng quốc tế, kéo lùi hàng thập kỷ tiến bộ mà nước này đã đạt được. Đây là điều Nga, mà cụ thể là Tổng thống Putin đã lựa chọn”.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama khẳng định các biện pháp trừng phạt mới nhất không phải là dấu hiệu của một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa phương Tây và Nga, mà là một vấn đề rất cụ thể liên quan đến việc Nga không muốn thừa nhận rằng Ukraine có thể đi con đường riêng của mình.
Ông Obama cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi giải pháp ngoại giao trong vấn đề Ukraine, nhưng điều quan trọng là Nga phải hiểu rằng con đường đi đến giải pháp này là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine./.