Trung Quốc dùng mưu đồ mới: Thả robot lặn ở Trường Sa

Thứ 4, 25/05/2016 | 07:46:53
777 lượt xem

Trung Quốc dự định bố trí tàu cứu hộ cao cấp ở Trường Sa (Việt Nam) mang theo máy bay không người lái và robot lặn, áp dụng mưu đồ mới.

South China Morning Post ngày 23/5 dẫn nguồn tờ China Daily cùng ngày cho biết, chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch bố trí một cách bất hợp pháp một tàu cứu hộ cao cấp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Một đảo nhân tạo sẽ được Trung Quốc lựa chọn làm căn cứ neo đậu của tàu cứu hộ cao cấp. Con tàu này sử dụng máy bay không người lái cũng như robot lặn và sẽ được triển khai ở Trường Sa trong nửa cuối năm 2016, Chen Xingguang, một quan chức của Cục Cứu hộ cứu nạn trên Biển Đông thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết.

Robot lặn Càn Long 2 được Trung Quốc thử nghiệm. Ảnh: subseaworldnews.com.

Cục Cứu hộ cứu nạn Biển Đông được biên chế 31 tàu và 4 máy bay trực thăng, có nhiệm vụ "phối hợp với quân đội Trung Quốc" hoạt động trên Biển Đông.

Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ đặt con tàu này ở vị trí nào trong số 7 thực thể nước này chiếm đóng và xây đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Tờ South China Morning Post cho biết thêm, Bắc Kinh cũng đã xây xong hai ngọn hải đăng và xây bốn trạm thông tin liên lạc cũng như mạng lưới điện thoại trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo mô tả, mạng lưới trên có thể phủ sóng hoàn toàn trong khu vực.

Tài khoản mạng xã hội của tờ Quân Giải phóng Trung Quốc cho biết hôm Thứ Bảy 21/5, Hạm đội Nam Hải tổ chức một cuộc tập trận để nâng cao khả năng tác chiến ở Tây Thái Bình Dương, tuy nhiên vị trí và thông tin khác về cuộc tập trận không được tiết lộ.

"Chiếc tàu này sẽ được sử dụng để tìm kiếm và cứu nạn thuyền viên khi tàu ngầm gặp sự cố, giúp cho tàu biển bị hư hỏng, cũng như cho ngư dân và tàu dân sự bị nạn. Tàu cứu hộ còn có một mục đích khác- tìm kiếm máy bay bị rơi. Trong thời bình nó sẽ cung cấp hỗ trợ cho tất cả, và trong thời chiến- cho Hải quân Trung Quốc và các nước đồng minh", Sputnik dẫn lời ông Konstantin Sivkov, Phó Viện trưởng Học viện nghiên cứu các vấn đề chính trị của Nga nói.

Trong khi đó, tờ báo Mỹ USA Today cho biết rằng, tướng Herbert Carlisle, chỉ huy Bộ Tư lệnh tác chiến của Không quân Mỹ, tỏ sự lo ngại với "hành vi cực kỳ hiếu chiến" của Không quân Trung Quốc ở vùng Biển Đông. Theo lời tướng Carlisle, ông rất lo ngại vì "Bắc Kinh đang áp dụng nỗ lực để thiết lập sự kiểm soát ở khu vực này".

Tướng Herbert Carlisle nói: "Họ ra sức cố gắng để chúng tôi không còn hiện diện ở khu vực đó. Nếu như vậy thì họ sẽ kiểm soát bộ phận này của không gian quốc tế. Theo tôi, chúng ta không thể cho phép điều này xảy ra". Ông nói thêm rằng: "Chúng ta sẽ đáp trả nếu họ có những hành động hiếu chiến và nguy hiểm".

Những tuyên bố và các động thái mới cho thấy Trung Quốc rõ ràng đang dùng các thủ đoạn mới ở Biển Đông. Hôm 20/5, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố hơn 40 quốc gia ủng hộ lập trường của nước này đối với vụ kiện của Philippines tại Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu tên một số nước cam kết ủng hộ Trung Quốc như Burundi, Slovenia, Niger và Mozambique. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có trung thực trong tuyên bố trên hay chỉ là đòn nghi binh ngoại giao?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.

Một trong những bằng chứng về mức độ không trung thực của Trung Quốc là tại hội nghị về việc thực thi Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) tại Singapore cuối tháng 4/2016, nhiều chuyên gia, nhà ngoại giao lên án việc Bắc Kinh tuyên bố ba nước thành viên ASEAN là Campuchia, Lào và Brunei, ủng hộ lập trường củaBắc Kinh về tranh chấp Biển Đông.

Ngay lập tức, Quốc vụ khanh Nhà nước, người phát ngôn Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, ông Phay Siphan đã khẳng định không có thỏa thuận mới nào giữa Campuchia với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Ngoài chiến thuật “chia rẽ” ASEAN, Bắc Kinh cũng tìm lôi kéo Nga và Ấn Độ về phía mình và thể hiện chúng bằng cách "lèo lái câu chữ".

Hội nghị ngoại trưởng Ấn Độ-Nga-Trung Quốc tại Moscow tháng 4/2016, ra một tuyên bố chung, kêu gọi giải quyết vấn đề Biển Đông bằng “đồng thuận” giữa các nước liên quan. Tuy nhiên, Trung Quốc đã “lèo lái” tuyên bố này bằng cách đánh đồng “đồng thuận” với nguyên tắc “đàm phán song phương”.

Thực tế, Ngoại trưởng Nga kêu gọi đối thoại trực tiếp chứ không nói “đàm phán song phương” cũng như khuyến cáo rõ ràng không sử dụng vũ lực, điều mà Trung Quốc đã và đang tiến hành dưới nhiều hình thức.

Trung Quốc chỉ “bám” lấy một ý rất nhỏ là không “quốc tế hóa” và cũng chỉ theo cách hiểu của Trung Quốc mà phớt lờ đi Công ước LHQ về luật biển hay những thỏa thuận mười mươi mà nước này đã ký kết với ASEAN.

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...