Châu Á củng cố năng lực quốc phòng trước áp lực từ Trung Quốc

Thứ 4, 11/03/2015 | 08:30:48
920 lượt xem

Nhiều nước láng giềng châu Á của Trung Quốc đang tập trung phát triển quân đội bằng cách đầu tư thêm vũ khí, thiết lập những quân đoàn mới trước những động thái quân sự của quốc gia này.

DFDEDF44-E45B-42A2-9BD2-34493A-7780-5635

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc qua các năm từ 2000 đến 2014. Đồ họa: VOA

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm 2013, Trung Quốc chi tiêu cho quốc phòng nhiều gấp 5 lần 10 nước Đông Nam Á cộng lại, chủ yếu đầu tư vào chiến đấu cơ tàng hình, tàu sân bay và các trang thiết bị tiên tiến. Ngân sách quân sự hàng năm của Bắc Kinh liên tục tăng khoảng 10% trong suốt hai thập kỷ qua.

Dự toán ngân sách quốc phòng Trung Quốc trong năm 2015 sẽ đạt mức 144 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm ngoái. Quốc gia này hiện có mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc thường xuyên dựa vào sức mạnh quân đội có phần vượt trội của mình để gây hấn, thể hiện thái độ hung hăng trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Hoa Đông hay xung đột biên giới với Ấn Độ.

Để không bị tụt hậu, các nước châu Á buộc phải thực hiện những chiến lược nhằm cải thiện năng lực quân sự của mình.

Châu Á nâng cao sức mạnh quân đội

figure1-1024x953-1460-1425970990.png

Biểu đồ so sánh mức chi tiêu quân sự giữa khối ASEAN và Trung Quốc trong giai đoạn từ 1989-2013. Đồ họa: IPR

Theo Wall Street Journal (WSJ), Ấn Độ đang thiết lập một binh đoàn miền núi đóng quân dọc theo đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc trên dãy Himalaya. New Delhi cũng tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo với tầm bắn đạt gần 5.000 km, có thể tấn công thẳng vào lòng Trung Quốc. Hồi tháng một, Ấn Độ lần đầu bắn thử một tên lửa từ bệ phóng di động trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển phía đông bắc nước này.

Phi cơ chống ngầm Boeing P-8I và máy bay vận tải quân sự Lockheed Martin C-130J do Mỹ sản xuất cũng xuất hiện trong lễ diễu binh kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ diễn ra hồi tháng một. Sự kiện này có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Trong khi đó, quân đội Nhật Bản lại đang xây dựng đơn vi tác chiến đổ bộ đầu tiên của mình để bảo vệ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, song song với việc bổ sung 42 chiến đấu cơ tàng hình F-35 Thần Sấm II. Nhật Bản cũng tăng ngân sách quốc phòng thêm 2% lên mức 42 tỷ USD, áp dụng trong năm tài khóa tới đây, bắt đầu từ ngày 1/4.

Hà Nội mới đây nhận chiếc tàu ngầm Kilo thứ 3 trong số 6 chiếc đặt hàng của Moscow. Tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 6 tàu chiến lớp Gepard của Nga, đồng thời mở rộng phi đội máy bay chiến đấu phản lực Sukhoi lên 36 chiếc.

Philippines đã đặt hàng nhiều chiến đấu cơ của Hàn Quốc, trị giá khoảng 410 triệu USD, đồng thời dành ra gần 1,8 tỷ USD để mua sắm, cải tiến các khí tài hạng nặng trong hai năm tới.

Malaysia cũng không kém cạnh khi mua thêm một loạt máy bay chiến đấu mới. Ngoài ra, nước này vừa nhận hai chiếc tàu ngầm đầu tiên trong lô đặt hàng từ Pháp với giá khoảng 2,2 tỷ USD.

Indonesia thì có kế hoạch triển khai một số tàu ngầm mới mua của Hàn Quốc và trực thăng vũ trang Apache tới gần các quần đảo mà họ cho rằng dễ bị Trung Quốc xâm phạm.

Mỹ luôn khuyến khích các đồng minh châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, tiếp tục củng cố năng lực quân đội bởi quá trình này sẽ góp phần làm giảm áp lực đè nặng lên Washington.

Giới chuyên gia nhận định các lực lượng quân đội ngày càng phát triển mạnh mẽ trong khu vực sau cùng sẽ có khả năng thay đổi những toan tính chiến lược của Bắc Kinh, khiến nước này trở nên nhiệt thành hơn trong các thỏa thuận hòa giải.

"Điều Trung Quốc không bao giờ mong muốn là tự cô lập chính mình bằng hàng ngũ quân đội hiện đại", ông Richard Javad Heydarian, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, Manila, Philippines, bình luận. Trong bối cảnh các quốc gia láng giềng ráo riết nâng cao sức mạnh quân đội, "Trung Quốc trong tương lai chắc chắn sẽ phải đối mặt với những mối rủi ro lớn hơn bởi xung đột leo thang hay sự phản kháng không mong muốn từ các nước khác", ông Heydarian nhấn mạnh.

Tín hiệu cảnh báo

nn20130215b1a870x396-142502512-4883-4221

 Quân đội Nhật Bản và Mỹ trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: Kyodo News

Theo WSJ, quá trình củng cố năng lực quân đội này cho thấy các nước châu Á vẫn đề cao cảnh giác, tập trung đầu tư cho kế hoạch phòng bị dài hạn nhằm đối phó với những xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, dù gần đây Bắc Kinh áp dụng chiến lược ngoại giao hòa hoãn và tấn công quyền rũ về kinh tế.

Trung Quốc năm ngoái cam kết chi 40 tỷ USD thành lập quỹ Con đường Tơ lụa để cấp vốn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên nhằm thúc đẩy hợp tác, tạo ra mối liên kết bền chặt hơn giữa các nước Trung Á, đầu tư 8 tỷ USD vào Myanmar hay cho một số nước Đông Nam Á vay 20 tỷ USD.

Nhiều nước thể hiện thái độ đón nhận tích cực trước những chương trình kiến thiết, viện trợ từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, tâm thế cảnh giác, đề phòng vẫn luôn hiện hữu.

Những hàng xóm nhỏ bé của Trung Quốc chắc chắn không mong một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng nổ ra nhưng động thái tăng cường sức mạnh quân đội sẽ như một tín hiệu để Bắc Kinh cân nhắc kỹ lưỡng hơn mỗi khi muốn phô diễn "cơ bắp", cây bút Trefor Moss từ WSJ đánh giá.

"Tối thiểu, chúng ta cần làm suy giảm khả năng hành động mà không bị trừng phạt của Trung Quốc", một quan chức quốc phòng Philippines cho biết, nhắc lại sự kiện năm 2012 khi Bắc Kinh chiếm đóng bãi cạn đang tranh chấp Scarborough.

Quốc gia Các hợp đồng thu mua vũ khí mới nhất
Ấn Độ

126 chiến đấu cơ Rafale (Pháp)

22 trực thăng tấn công AH-64E Apache (Mỹ)

8 máy bay giám sát hàng hải P-8I Poseidon (Mỹ)

Indonesia

3 tàu ngầm lớp Chang Bogo (Hàn Quốc)

24 chiến đấu cơ F-16 (Mỹ)

16 máy bay phản lực Sukhoi Su-27/Su-30 (Nga)

8 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache (Mỹ)

Nhật Bản

4 tàu khu trục chở trực thăng (Nhật Bản)

42 chiến đấu cơ tàng hình F-35 Thần Sấm II (Mỹ)

17 máy bay hai động cơ độc lập V-22 Osprey (Mỹ)

Malaysia

2 tàu ngầm Scorpene (Pháp)

6 tàu khu trục nhỏ Gowind (Pháp)

Philippines

12 chiến đấu cơ/máy bay huấn luyện FA-50 (Hàn Quốc)

2 tàu chiến lớp Hamilton (Mỹ)

Việt Nam

6 tàu ngầm lớp Kilo (Nga)

6 tàu chiến lớp Gepard (Nga)

36 chiến đấu cơ Sukhoi Su-30 (Nga)

Vũ Hoàng (theo Wall Street Journal)/vnexpress.net


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...