Bất an với nhà thầu Trung Quốc

Thứ 3, 30/12/2014 | 08:35:01
1,295 lượt xem

Sự cố sập giàn giáo công trình thi công đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông báo động tình trạng yếu kém trong quản lý công trình xây dựng, đặc biệt là những dự án có mặt nhà thầu Trung Quốc.

Chiều 29/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng ký 3 quyết định kỷ luật các cán bộ phụ trách liên quan đến sự cố sập giàn giáo và bê tông khi thi công hạng mục xà mũ trụ H7 của nhà ga Bến xe Hà Đông thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông hôm 28/12.

Đội vốn, chậm trễ

Theo đó, quyền Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt Nguyễn Mạnh Hùng bị giáng chức xuống làm phó tổng giám đốc kể từ ngày 10/1/2015. Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt; ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Bộ GTVT cũng quyết định lập tổ công tác điều tra sự cố gồm các cơ quan trực thuộc và các chuyên gia đầu ngành. Các tổ chức, cá nhân liên quan phải làm báo cáo, kiểm điểm trách nhiệm gửi về Bộ GTVT trước ngày 3/1/2015.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13,05 km mang tính chất đặc thù bởi kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông với kinh doanh vận tải - một cơ chế tài chính chưa có tiền lệ và công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Theo dự toán ban đầu, dự án này có tổng mức đầu tư 552 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 419 triệu USD. Gói thầu chính của dự án gồm thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư, xây lắp do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.

Trong quá trình thi công từ tháng 10/2011 đến nay, đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA (PMU) Đường sắt - Bộ GTVT đã nhiều lần đề xuất nâng tổng mức đầu tư. Phương án trình mới nhất vào tháng 11/2014 là tăng lên mức 868,04 triệu USD, gồm: tăng 250,62 triệu USD vốn vay ODA Trung Quốc và 64,56 triệu USD vốn đối ứng của Việt Nam. Hiện nay, PMU Đường sắt lại kiến nghị Bộ GTVT phê duyệt tăng vốn đầu tư hạng mục đầu máy toa xe từ 56,51 triệu USD lên 73,19 triệu USD vì phải chuyển đổi vật liệu vỏ tàu từ thép sang inox cho phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Bất an với nhà thầu Trung Quốc
Hiện trường vụ sập giàn giáo công trình thi công đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ngày 28-12 Ảnh: Nguyễn Hưởng

Tiến độ công trình cũng đang là vấn đề nhức nhối khi thời điểm dự kiến khai thác là tháng 6-2015 đã không thể thành hiện thực. Sự cố tai nạn sắt rơi gây chết người vào ngày 6-11 càng kéo lùi tiến độ khi dự kiến sẽ chạy thử đoàn tàu vào tháng 10-2015 và vận hành thương mại vào ngày 31-12-2015.

Vì sao Trung Quốc thắng thầu?

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), từ năm 2003-2011, ngoài dự án này, nhà thầu Trung Quốc đã làm tổng thầu EPC 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án xi măng, 16/27 dự án nhiệt điện...

Nhiều dự án giao thông khác, như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có một phần do Công ty Cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện. Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tập đoàn Cầu đường tỉnh Sơn Đông đảm nhiệm gói thầu EX 8-9; Liên danh Công ty TNHH Đường cao tốc Trường Đại Quảng Đông - Công ty Hợp tác kỹ thuật và kinh tế quốc tế Quảng Châu phụ trách gói thầu EX-5. Tổ hợp Bauxite Tây Nguyên do nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) là đơn vị tổng thầu thi công, đội vốn khoảng 3.800 tỉ đồng với dự án Tân Rai và 4.300 tỉ đồng với dự án Nhân Cơ...

Theo ông Thụ, đặc điểm của các dự án này là chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều. Một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp. Do đó, giá hợp đồng đội lên khá nhiều.

Ông Thụ chỉ ra nguyên nhân tồn tại tình trạng này là do Luật Đấu thầu ưu tiên các nhà thầu có giá trị bỏ thầu thấp mà chưa quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng thiết bị. Bên cạnh đó, luật này cũng thiếu hướng dẫn về hệ số quy đổi liên quan đến xuất xứ vật tư, phụ kiện hàng hóa, khi xét đánh giá gây nhiều khó khăn trong công tác xét thầu nên chỉ chọn được nhà thầu giá thấp.

“Cả thế giới phải thua Trung Quốc nếu chỉ xét về giá. Do đó, Trung Quốc thắng thầu hầu hết các dự án lớn tại Việt Nam” - ông Thụ nhận xét. Ngoài ra, do nhà thầu Trung Quốc thu xếp tài chính từ nguồn vay ở nước này với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản… cũng là lợi thế để họ thắng thế.

Trước thực trạng này, ông Bùi Trung Dung, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng - Bộ Xây dựng, cho biết sắp tới, có thể giao cho các hiệp hội tiến hành phân loại năng lực nhà thầu. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, sẽ chịu trách nhiệm chung về quản lý các công trình và tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện cho công tác phân loại nhà thầu.

 

 “Cháy nhà” mới lo: Rất đáng ngại!

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), chúng ta bây giờ bị động đi lo sự cố khi đang làm một việc vượt tầm khả năng chuyên môn

Sự cố tại công trình đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông một lần nữa lại liên quan đến nhà thầu Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về vấn đề chọn nhà thầu?

VACC đang triển khai đánh giá, xếp hạng năng lực nhà thầu xây dựng như nhiều nước đã làm. Việc này cần thống nhất quan điểm với Bộ Xây dựng. Trước đây, Bộ Xây dựng từng muốn làm vì đã có những cảnh báo về các nhà thầu không đủ năng lực. VACC đã trao đổi với Bộ Xây dựng và sẽ tiến hành làm trong thời gian tới. Từ đó, chủ đầu tư có thể tham chiếu, tham khảo, đánh giá năng lực nhà thầu tương xứng ở mức độ nào khi giao thầu, ký kết hợp đồng.

Căn cứ nào để đánh giá, xếp hạng nhà thầu, thưa ông?

- Dự kiến sẽ xếp hạng nhà thầu các mức A, B, C. Căn cứ để xếp hạng được xác định dựa vào năng lực quản trị doanh nghiệp, kinh nghiệm, doanh thu, thiết bị thi công, đội ngũ kỹ sư, công nhân... Nếu làm được, trong năm 2015, các nhà thầu nước ngoài khi vào nhận thầu công trình ở Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí và được xếp hạng để có tham khảo, đối chiếu.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) từng có văn bản đề xuất Chính phủ thống kê các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm bị chậm tiến độ hoặc đội vốn, không có khả năng hoàn thành để đánh giá lại và giao nhà thầu Việt Nam tiếp nhận. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Mặc dù gần đây, nhà thầu Trung Quốc vào nhiều nhưng không nên đặt vấn đề đối xử riêng với họ vì nhiều lý do. Chúng tôi đề xuất xem xét tất cả các nhà thầu châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia... thì hợp lý hơn.

Ông có nhận định thế nào khi Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông phải bảo đảm an toàn mới được khai thác nhưng trong quá trình thi công đã liên tục để xảy ra các vụ tại nạn nghiêm trọng và đội vốn?

- Điều này tôi nói ở góc độ suy nghĩ cá nhân. Đây là lĩnh vực mới hoàn toàn, chúng ta chưa từng có kinh nghiệm làm nên dự toán đội vốn tới 1,6 lần. Thông thường thì mức đội vốn như vậy là rất kỳ quặc vì phát sinh thường chỉ khoảng 10%. Ở đây, quản lý, thi công và thiết kế đều có vấn đề. Chính vì vậy mới xảy ra trục trặc như vừa qua. Cho nên cần rút kinh nghiệm, lựa chọn nhà thầu thi công phải thận trọng hơn.

Tôi cho là cứ làm theo kiểu cháy nhà rồi mới lo là rất đáng ngại. Lẽ ra, khi triển khai một công trình lớn và công nghệ mới như thế thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Rõ ràng là chúng ta bây giờ bị động đi lo sự cố khi đang làm một việc vượt tầm khả năng chuyên môn. 

Tô Hà

Theo Tô Hà - Phương Nhung

Người Lao động


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...