'Nguyên trạng' Biển Đông bị thay đổi, hậu quả là lòng tin bị suy giảm

Thứ 3, 18/11/2014 | 08:11:32
1,082 lượt xem

Theo ông Đặng Đình Quý, "nguyên trạng" của Biển Đông bị thay đổi nên đã khiến lòng tin của các bên liên quan ngày càng suy giảm.

"Nguyên trạng ở Biển Đông đang dần bị thay đổi, cần thiết phải tăng cường hợp tác duy trì hòa bình cũng như đề xuất các giải pháp giải quyết tranh chấp ngày càng diễn biến phức tạp.” – đây là nhận định chung của các đại biểu tham gia Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” diễn ra trong hai ngày 17 và 18/11, tại TP Đà Nẵng. 

Hội thảo do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các học giả, đại diện ngoại giao đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhận định: “Năm qua là một trong những năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp nhất trong nhiều thập kỷ qua”. Tuy nhiên, đánh giá về tình hình Biển Đông có nhiều quan điểm khác nhau. Mô thức giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông cũng có những quan điểm khác nhau. Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, các kiến nghị, chính sách tâm huyết cơ bản vẫn còn nằm trên giấy. 


Ông Đặng Đình Quý phát biểu tại Hội thảo

“Trên Biển Đông, “nguyên trạng” đang dần bị thay đổi. Nếu so sánh các bức ảnh chụp “nguyên trạng” trên biển Đông trong những năm qua, ai cũng thấy rõ xu hướng “nguyên trạng” đang dần bị thay đổi. Riêng trong năm nay, đã có sự thay đổi mang tính đột biến và nguyên trạng đã không còn nguyên nữa. Hậu quả là lòng tin của các bên liên quan ngày càng suy giảm”, ông Đặng Đình Quý cho hay.

Các học giả thống nhất cho rằng, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp hiện nay trên Biển Đông là các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình.

Ông Anup Singh, Trung tướng Hải quân, nguyên Tư lệnh Hải quân miền Đông Ấn Độ, chuyên gia về Biển Đông cho rằng: Tôi muốn nhấn mạnh là các nước lớn cũng cần có cam kết là không sử dụng vũ lực. Bởi vì chúng ta thấy  nếu sử dụng vũ lực thì tranh chấp sẽ leo thang, quan hệ sẽ bị phá vỡ và tổn hại đến kinh tế”. 


Nguyên Tư lệnh Hải quân miền Đông Ân Độ, ông Anup Singh

Ông Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm khẳng định, trong năm chủ tịch của Myanmar, vấn đề Biển Đông luôn là một trong những ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).

Ông Myint Thu nhắc lại yêu cầu của các Ngoại trưởng ASEAN về việc các bên liên quan cần kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp: “Hội thảo quốc tế về Biển Đông đây là cách thức để chúng ta có thể tìm ra giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông. Đây đều là các chuyên gia về hợp tác trên biển, an ninh hàng hải và giảng viên tại các trường đại học trên thế giới. Những đại biểu này sẽ chia sẻ cách thức để chúng ta có thể hợp tác trên Biển Đông để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần này mong muốn các đại biểu  tiếp tục trao đổi sâu về những diễn biến gần đây; về lợi ích và chính sách của các bên liên quan và đưa ra những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ngoài ra, các vấn đề về biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế biển; duy trì môi trường đầu tư và quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch trong bối cảnh có các khác biệt, tranh chấp hay va chạm trên biển; các biện pháp đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu bè đi biển; về vai trò và các khả năng đóng góp của các địa phương ven biển và các nước liên quan trong việc duy trì hoà bình và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông cũng được các đại biểu thảo luận./.

Thanh Hà/VOV - Miền Trung
vov.vn
  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...