Nga “xoay” sang châu Á bằng chính sách năng lượng

Thứ 7, 26/07/2014 | 14:08:24
1,874 lượt xem

Để thực hiện chính sách xoay trục, bước đi đầu tiên của Nga là tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia châu Á.

 "Đây thực sự là một sự kiện lịch sử đối với ngành khí đốt của Nga. Hợp đồng này đã trở thành thỏa thuận thương mại lớn nhất trong các thời kỳ của Liên Xô trước đây cũng như của nước Nga ngày nay”. Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin  sau khi Nga - Trung ký thỏa thuận khí đốt lịch sử với giá trị lên tới 400 tỷ USD thời hạn 30 năm. 

Như vậy, sau hơn một thập kỷ bị trì hoãn, thỏa thuận lịch sử đã được ký kết, một nhà sản xuất khồng lồ đang rất cần tiền trong bối cảnh các đối tác châu Âu đang quay lưng lại với họ cuối cùng cũng đã gặp một người tiêu dùng với hầu bao khổng lồ và bạo chi.

Nga - Trung ký thỏa thuận khí đốt lịch sử với giá trị lên tới 400 tỷ USD thời hạn 30 năm (Ảnh: ibTimes)

Trung Quốc, ưu tiên số một trong chính sách “xoay trục” của Nga

Cuộc đàm phán khí đốt giữa Moscow và Bắc Kinh tưởng như đã một lần nữa rơi vào bế tắc trong ngày đầu tiên của chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, hai bên đã đạt thỏa thuận vào phút chót, ngay trước khi ông Putin kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Nhận định về thỏa thuận này, tạp chíForeign Policy cho rằng, sự kiện này có thể tạo ảnh hưởng lớn đối với Nga, Trung Quốc, châu Á, và đối với cả châu Âu - khu vực đến nay vẫn là khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn nhất của Nga.

Hợp đồng khí đốt lịch sử được cho là làm hài lòng cả Nga và Trung Quốc bởi về phía Nga, nó giúp Moscow bán được nhiều năng lượng hơn cho thị trường châu Á sau nhiều thập niên chủ yếu cung cấp dầu thô và khí đốt cho châu Âu. Đối với Trung Quốc, thỏa thuận giúp đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu năng lượng đang ngày càng lớn ở nước này.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận năng lượng mới giữa Trung Quốc và Nga không chỉ là chiến thắng của ông Putin trên bình diện kinh tế mà thực sự là một lời khẳng định với Mỹ và phương Tây rằng, Nga vẫn đang đứng vững trước những đòn trừng phạt liên tiếp.

Trong thời gian ngắn ngủi ở Bắc Kinh, ông Putin có trong tay một hợp đồng mới ký trong thời hạn 30 năm với một đối tác là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Trong khi trước đó, Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến công du tới Nhật Bản hồi tháng 4/2014 cũng nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại quan trọng, đàm phán hiệp Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phải trở về tay trắng.

Khi đề cập đến thỏa thuận năng lượng Nga - Trung, dựa vào những phân tích về Nga và Cộng đồng các quốc gia độc lập, chuyên gia phân tích Andrew Kuchin thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng thỏa thuận đạt được là biểu hiện cao nhất cho mối quan hệ về lợi ích tương đồng Nga - Trung. Trong khi đó, ông Dmitri Tren, chuyên gia phân tích thuộc Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie thì xem thỏa thuận nói trên là sự “củng cố cho việc xoay trục châu Á của Nga”.

Nga chủ trương dùng thế mạnh là xuất khẩu năng lượng để thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á (Ảnh: RIA)

Trên thực tế, ông Putin đã nhận được tín hiệu đáng khích lệ từ phía Trung Quốc trong vấn đề Syria và cũng chính Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là không hợp lệ.

Động thái này của Trung Quốc thực sự có ý nghĩa với mối quan hệ giữa hai nước bởi Bắc Kinh cũng đang nơm nớp với nỗi lo về vấn đề đòi ly khai như ở Tân Cương hay Tây Tạng. Nếu muốn tạo sức nặng trong việc giải quyết các vấn đề tương tự có thể nảy sinh trong tương lai, Trung Quốc cần phải lên tiếng nhưng rốt cuộc lại chọn cách từ chối chỉ trích Nga.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nhậm chức vào tháng 3/2013, ông đã lựa chọn Nga là nơi thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên. Kể từ đó, ông Tập đã luôn thể hiện mong muốn tăng cường quan hệ với Nga trong các vấn đề quốc tế.

Vùng Viễn Đông – nhân tố quan trọng trong chiến lược xoay trục của Nga

“Một cánh én không thể làm nên mùa xuân” và đương nhiên, toàn bộ chính sách xoay trục của Nga không thể chỉ được gói gọn trong mối quan hệ với đối tác Trung Quốc. Theo chuyên gia phân tích Andrew Kuchin, toàn bộ việc xoay trục châu Á của Nga đã được tính toán từ lâu và có chăng, nó đang được đẩy mạnh khi giới lãnh đạo Nga ý thức được việc phương Tây đang chĩa mũi dùi công kích về phía họ.

Nhận định của ông Kuchin hoàn toàn có cơ sở khi vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu thành lập một đặc khu kinh tế ở vùng Viễn Đông, đây được xem như một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường hội nhập kinh tế của Moscow trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Vladivostok là một thành phố lớn ở vùng Viễn Đông của Nga, gần với biên giới Trung Quốc và Triều Tiên, đây được xem là cầu nối quan trọng của Nga với châu Á. Nơi đây cũng là nơi lưu trú của Hạm đội Hải quân Nga tại Thái Bình Dương.

Quang cảnh đặc khu Vladivostok nhìn từ trên cao (Ảnh: RIA)

Điểm nhấn của đặc khu Vladivostok sẽ là ngành công nghiệp ô tô. Theo ý tưởng của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, trong tương lai gần Vladivostok sẽ có thể kết nối với thị trường ô tô thế giới, thu hút công nghệ của các hãng ô tô toàn cầu. Theo ước tính của Bộ này, nếu đặc khu ở Vladivostok bắt đầu làm việc trong năm nay, thì tới năm 2023 sẽ đạt doanh thu 32 tỷ ruble (khoảng 1 tỷ USD).

Trước đó, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã chỉ thị các bộ ngành liên quan như Bộ Phát triển Viễn Đông, Bộ Phát triển Kinh tế, Bộ Tài chính, Bộ Phát triển khu vực và Bộ Giao thông Vận tải... có nghĩa vụ phải bổ sung và hoàn thiện Chương trình liên bang về phát triển kinh tế-xã hội khu vực Viễn Đông và Baikal) đến năm 2018.

Chính phủ Nga cũng cho biết đang xem xét phương án đưa Viễn Đông thành lãnh thổ phát triển tiên tiến và coi đây là mục tiêu dài hạn. Theo đánh giá của giới phân tích, trong thời gian dài nước Nga chủ yếu dựa vào một chân là vùng phía Tây. Bây giờ đã đến lúc mở mang về phía Đông và đứng vững trên đôi chân cân bằng mạnh mẽ.

Tích cực mở rộng quan hệ với các quốc gia châu Á.

Ngoài Trung Quốc, một thế lực đang lên khác ở châu Á mà Nga có thể dễ dàng “lấy lòng” nhất đó chính là Ấn Độ - nước hiện đang sở hữu kho vũ khí với khoảng 60% nhập từ Nga.

Đứng trước nguy cơ hiện hữu bị châu Âu và Mỹ cô lập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho ông Igor Sechin, người đứng đầu tập đoàn dầu khí Rosneft, dẫn đầu một phái đoàn tới làm việc với các quan chức Ấn Độ nhằm tìm cách mở rộng quan hệ với New Delhi. 

Phát biểu sau cuộc gặp với Thứ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Saurabh Chandra tại New Delhi ngày 24/3, ông Igor Sechin nói "Ấn Độ là nước rất quan trọng đối với Nga. Chúng tôi đã có một dự án rất hiệu quả với Công ty Dầu khí (ONGC) của Ấn Độ. Hiện chúng tôi muốn mở rộng quan hệ”.

Ông Igor Sechin cho biết tập đoàn dầu khí quốc doanh Rosneft đã cho ONGC tham gia cổ phần tại 9 lô dầu và khí ngoài khơi biển Barents và một lô ở Biển Đen. Rosneft khai thác 200 triệu tấn dầu thô/năm và đang xem xét cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ.

Ấn Độ là đối tác truyền thống của Nga ở châu Á (Ảnh: navhindtimes)

Những gì ông Sechin làm ở Ấn Độ cũng tương tự như những hoạt động trước đó của ông tại Tokyo. Trong một chuyến thăm mang tính biểu tượng tới Nhật Bản, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft Igor Sechin đã không giấu diếm ý đồ kêu gọi các đối tác châu Á mở rộng hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu khi tham dự Diễn đàn đầu tư Nga-Nhật lần thứ sáu ở Tokyo, ông Sechin đã tìm cách thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản bằng cách đưa ra những viễn cảnh về các giao dịch kinh tế tiềm năng trị giá hàng tỷ USD giữa nhà đầu tư Nhật Bản và Rosneft.

Ông Sechin nói: "Viễn cảnh mở rộng hợp tác song phương là rất lớn. Theo ước tính của chúng tôi, đó có thể là các giao dịch trị giá hàng chục và thậm chí hàng trăm tỷ USD với Rosneft".

Ông Sechin cũng không quên hứa hẹn: "Chúng tôi không chỉ quan tâm tới việc thu hút đối tác ở một số dự án nhất định. Chúng tôi còn sẵn sàng xem xét đầu tư vào tất cả các dây chuyền công nghệ: đầu ra, cơ sở hạ tầng, lọc dầu và chuyên chở năng lượng".

Điều đáng nói ở đây là ông Sechin đã đưa ra những tuyên bố này tại Tokyo ngay sau khi Nhật Bản – một thành viên trong nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 thông báo rằng sẽ áp đặt một số biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì căng thẳng ở Ukraine.

Không giống như Ấn Độ, Nga vốn từ lâu đã có mối quan hệ năng lượng khá bền chặt với Nhật Bản và gần như chắc chắn mối quan hệ này sẽ phát triển trong những năm tới do nhu cầu năng lượng ngày càng lớn của Tokyo. Theo RT, năm 2013, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Nga với kim ngạch thương mại song phương đạt gần 33 tỷ USD, trong đó, năng lượng chiếm một phần đáng kể.

Theo tạp chí The Diplomat, Hàn Quốc và Việt Nam cũng sẽ là hai đối tác Nga quan tâm tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Hàn Quốc, cũng như Nhật Bản, là một quốc gia Đông Bắc Á khát năng lượng và có vị trí đủ gần với vùng Viễn Đông của Nga để thiết lập một mối quan hệ năng lượng bền vững. Điều này càng khả thi nếu Moscow có thể nhận được sự chấp thuận của cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên để lắp đặt đường ống vận chuyển dầu và khí tự nhiên sang Hàn Quốc thông qua CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, Việt Nam, cũng được đánh giá là thị trường hấp dẫn với Nga bởi mối quan hệ bang giao tốt đẹp lâu đời. Hơn nữa, bờ biển của Việt Nam có thể dễ dàng kết nối với các cảng ở vùng Viễn Đông của Nga.

Chính vì vậy, Nga xem Việt Nam không chỉ là một đối tác năng lượng hấp dẫn mà còn là cửa ngõ cho hàng xuất khẩu của Nga sang các quốc gia Đông Nam Á khác. Khi Việt Nam đóng vai trò cầu nối giúp Nga bước vào thị trường Đông Nam Á, điều đó sẽ giúp xuất khẩu năng lượng của Moscow không phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Khi được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách ngoại giao năng lượng, ông Sechin đã không giấu giếm khi nói rằng nhiệm vụ của ông tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã được thúc đẩy một phần bởi những căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây, Ukraine nói chung và Crimea nói riêng. Về mặt kinh tế, Nga dường như đã đi đúng hướng trong việc tìm kiếm đối trọng với phương Tây nhưng liệu chính sách xoay trục của Nga đã dừng lại ở đó?./.

Hùng Cường/VOV.VN

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...