Tiêm vắc xin - tăng lá chắn bảo vệ trẻ trước Covid - 19

Thứ 3, 23/08/2022 | 00:00:00
882 lượt xem

Chỉ còn ít ngày nữa công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi phải hoàn thành. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn còn nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 1 dưới 70%, mũi 2 dưới 50%, thậm chí có nơi chưa đạt 40%. Trong khi đó, các biến thể mới của Omicron liên tục xâm nhập khiến số ca mắc gia tăng nhanh chóng.

Trạm y tế xã Văn Lang, huyện Hưng Hà. Rất nhiều cuộc gọi được thực hiện, thậm chí là những buổi “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động người dân cho con cháu đi tiêm. Song cũng có vô số lý do được các bậc phụ huynh đưa ra để từ chối. Tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của xã được tiêm mũi thứ 2 hiện đạt gần 44%.



Y sĩ Đào Thị Nhinh - trạm trưởng trạm y tế xã Văn Lang, huyện Hưng Hà: 

"Một số ông bà vẫn còn cổ hủ nên sợ cháu bị sốt, bị phản ứng sau tiêm, gia đình không xử lý được. Bên cạnh đó từ sau khi dịch đã tạm ổn, người dân người ta chủ quan hết dịch rồi thôi không tiêm nữa."


Tâm lý chủ quan là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều phụ huynh không muốn tiêm cho trẻ. Thực tế, nhiều lớp học chỉ có khoảng 10-15 học sinh đăng ký tiêm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ cho trẻ và thậm chí là cho cả gia đình, nhất là trong bối cảnh biến thể phụ của Omicron đã xâm nhập với khả năng lây lan nhanh chóng.



Bác sĩ Vũ Hoàng Phương - trạm trưởng trạm y tế xã Song Lãng, huyện Vũ Thư: 

"Một phần tư tưởng người dân cứ nghĩ rằng đã bị Covid rồi thì không cần tiêm vaccine nữa vì đã có miễn dịch trong cơ thể. Nhiều người theo tư duy họ nghĩ rằng tiêm vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nên không có nhu cầu tiêm."


Nhìn nhận rõ lý do dẫn đến tỷ lệ tiêm thấp, ngành y tế phối hợp với các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Ngoài việc phổ biến rõ tới từng gia đình về lợi ích khi tiêm chủng, một số xã đã cùng với nhà trường vận động theo nhóm phụ huynh, tập trung vào những phụ huynh có uy tín, sức ảnh hưởng cao. Cùng với đó là tăng khả năng tiếp cận với vaccine bằng cách tổ chức thêm nhiều điểm tiêm vào nhiều khung giờ, tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa con em đi tiêm chủng.


Bác sĩ Phạm Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hưng Hà: 

"Chúng tôi tiếp tục phối hợp với phòng giáo dục huyện tổ chức ký cam kết với cha mẹ các cháu trong độ tuổi đến các điểm tiêm, có thể là trạm y tế hoặc nhà trường để tiêm vaccine cho các cháu. Cố gắng hoàn thành mục tiêu phủ 100% mũi 1 cho trẻ em và mũi 2 cứ có vaccine là chúng tôi tổ chức tiêm cho các cháu đầy đủ." 




Ông Phạm Nam Thái - Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Bình: 

"Chúng tôi đã thiết lập hệ thống tiêm chủng từ tỉnh đến xã, các đơn vị hồi sức tích cực luôn trong trạng thái sẵn sàng, các đội cấp cứu tại chỗ, cấp cứu lưu động cũng luôn sẵn sàng xử lý những phản ứng không mong muốn ở trẻ khi tiêm. Khuyến cáo các bậc phụ huynh là với trẻ, việc tiêm vaccine rất quan trọng để tạo ra miễn dịch cộng đồng, để các cháu được tham gia sinh hoạt, học tập bình thường."


Thông tin thêm về nguy cơ nhiễm Covid-19 ở trẻ em, các chuyên gia y tế cho biết, Covid-19 có khả năng khiến trẻ mắc bệnh nặng, nhập viện và có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, sau khi mắc bệnh, trẻ cũng có thể gặp phải những triệu chứng hậu Covid kéo dài, đây mới là vấn đề ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ. Hiệu quả của vaccine đã được chứng minh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trên thế giới trong suốt thời gian qua. Trẻ em cần được tiêm đầy đủ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. 

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...