Thổi bùng phong trào toàn cầu chống biến đổi khí hậu

Thứ 5, 12/12/2019 | 21:34:03
466 lượt xem

Thức tỉnh bởi những lời cảnh báo đanh thép từ giới khoa học và tận mắt chứng kiến những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, năm 2019, người dân trên toàn thế giới, ở mọi độ tuổi và tầng lớp, đã thổi bùng nhiều chiến dịch tuần hành, biểu tình chống biến đổi khí hậu.

Làn sóng biểu tình này, cộng với việc năm 2019 được coi là năm nóng thứ hai trong lịch sử nhân loại, đã nâng cao nhận thức toàn cầu về cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày một nghiêm trọng mà chưa có những biện pháp toàn diện.

Các công dân tương lai của thế giới, những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, đã có một chiến dịch riêng mang tên "Thứ Sáu vì tương lai". Chiến dịch này do Greta Thunberg, cô nữ sinh 16 tuổi người Thụy Điển khởi xướng, với kế hoạch nghỉ học mỗi thứ Sáu hàng tuần để đến ngồi trước Quốc hội nước này kêu gọi các nhà lập pháp chú trọng hơn tới cuộc khủng hoảng môi trường đang ngày càng hiện hữu. 

Từ bước khởi đầu là những ngày nghỉ học một mình, giờ đây Thunberg đã có sự đồng hành của hàng triệu người bạn trên toàn thế giới, với hàng trăm cuộc tuần hành hàng tuần ở khắp nơi yêu cầu chính phủ các nước có hành động và kế hoạch khí hậu cụ thể.


Em Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường: “Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng về sinh thái và môi trường. Chúng ta cần phải hành động như trong một cuộc khủng hoảng thực sự và đưa ra thông điệp để lãnh đạo các nước phải có trách nhiệm bảo vệ thế hệ hiện tại cũng như tương lai”. 


Năm qua, còn chứng kiến sự lan rộng của phong trào "Extinction Rebellion" được khởi phát tại Anh từ tháng 10/2018. Với khẩu hiệu "Hy vọng đi, hành động đến”, phong trào là sự cảnh báo về một ngày không xa khi người dân sẽ tự đứng lên hành động để bảo vệ môi sinh của chính mình khi không còn hy vọng. 

Trước những bằng chứng không thể chối cãi và áp lực từ các phong trào tuần hành vì môi trường, nhiều chính phủ đã bắt đầu vào cuộc nhằm giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 66 quốc gia đã lên kế hoạch đưa lượng phát thải ròng CO2 về mức 0 trước năm 2050. Tuy nhiên, vẫn còn đó những quan ngại khi các nước đang phát triển vẫn cần tới nhiên liệu hóa thạch để tăng trưởng, trong khi Mỹ, quốc gia từng phát thải CO2 nhiều nhất trong lịch sử, lại đang trong tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Nguồn TTXVN



  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...