Hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thứ 6, 15/03/2019 | 16:56:19
545 lượt xem

Tỉnh Thái Bình có quy mô đàn lợn lớn, gần 1 triệu con. Cho đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã lan tới 6/8 huyện, thành phố. Ngoài đẩy mạnh mọi biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng, lúc này cần những tiếng nói chung từ các cấp ngành để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, không quay lưng lại với thịt lợn.

Những hộ có lợn dịch bệnh phải tiêu hủy hoàn toàn bị ảnh hưởng là điều hiển nhiên rõ ràng. Nhưng khóc dở mếu dở là tình cảnh của nhiều hộ chăn nuôi có lợn khỏe mạnh đến thời điểm phải tiêu thụ thì lại không thể tiêu thụ được. Bởi với ông Ngô Văn Duẩn và ông Phan Văn Quang, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải như ngồi trên đống lửa. Mỗi ngày phải tốn từ 4-5 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn lợn nhưng hàng trăm con lợn trọng lượng từ 90 kg -1,2 tạ không thể tiêu thụ được. 



Ông Ngô Văn Duẩn, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải cho biết: "Người dân không hiểu nên quay lưng với thịt lợn. Chưa kể nhiều hộ giết mổ lại không bắt lợn ở Tiền Hải mà bắt từ nơi khác về tiêu thụ".








Ông Phan Văn Quang, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải chua xót: "Chúng tôi bòn gio đãi sạn trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhưng dịch bệnh này thực sự rất khó khăn."






Tình cảnh của ông Duẩn và ông Quang là hiện trạng chung của rất nhiều chủ trang trại, gia trại và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Bình có lợn khỏe mạnh đến kỳ xuất bán nhưng không thể bán được. Một phần cũng là bởi lý do người tiêu dùng do tâm lý lo lắng mà quay lưng lại với thịt lợn. Chưa kể giá thị trường xuống thấp và những quy định trong kiểm dịch để được phép xuất bán. 




Ông Vũ Minh Tuyến, xã Đông Minh, huyện Tiền Hải chia sẻ: "Rất cần những giải pháp để bình ổn giá cả thị trường để người dân hiểu không quay lưng với thịt lợn."




Thịt lợn là món ăn thường xuyên trong các bữa ăn hàng ngày của người dân. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong tỉnh chiếm 40% tổng sản lượng thịt lợn sản xuất còn lại xuất bán ra các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh khác. Nhưng nay những tỉnh xuất bán này cũng đang có dịch nên việc vận chuyển để tiêu thụ thịt lợn của người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. 

Trước tình hình này, Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sáng ngày 12/3, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng nghiên cứu, có biện pháp hỗ trợ đối với những trang trại, hộ chăn nuôi có lợn không mắc bệnh dịch đã đến kỳ xuất bán tiêu thụ sản phẩm.


Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: "Những đàn lợn không mắc bệnh đã đến kỳ xuất bán thì chúng ta cũng cần phải nghiên cứu để đề xuất xem cơ chế nào, biện pháp nào, phương cách nào để những hộ này có thể xuất bán được lợn đến kỳ xuất bán. Ví dụ là, nên chăng phải có chứng nhận cái đàn lợn này là an toàn không dịch bệnh, mà đã là lợn an toàn không dịch bệnh thì chúng ta tiêu thụ bình thường."

Cũng trong sáng ngày 13/3, tháo gỡ cho những khó khăn này, huyện Tiền Hải đã họp các hộ chăn nuôi với các hộ giết mổ thống nhất phương án tiêu thụ trong huyện. Theo đó, các địa phương thống kê số hộ chăn nuôi có lợn đến kỳ xuất bán, trên cơ sở đó, các hộ thu mua giết mổ của huyện thay vì thu mua ở huyện khác sẽ thu mua trực tiếp tại địa phương. Giá cả dựa trên sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán, tránh trường hợp ép giá. Đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu phi để không quay lưng lại với thịt lợn. 

Các ngành chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt để có những giải pháp tháo gỡ cho người chăn nuôi trong việc tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Nhưng bên cạnh đó người tiêu dùng cũng cần phải hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn Châu phi để chia sẻ với người chăn nuôi trong tình cảnh khó khăn hiện nay. Bởi thực tế căn bệnh này không lây sang người. Theo đại diện của Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc, bệnh dịch tả lợn Châu phi là bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ chết lên tới 100%, gây thiệt hại thương mại và thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, không giống như cúm lợn, dịch tả lợn Châu Phi không lây truyền và gây bệnh cho người. 


Ông Xiaoxu Fan, chuyên gia về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc cho biết: "Thông điệp chúng tôi nhấn mạnh với cộng đồng cho người dân bệnh này chỉ lây ở loài lợn, không lây sang người, nên việc tiêu thụ thịt lợn an toàn. Và chúng tôi không có vấn đề gì về việc người dân tẩy chay thịt lợn cả".






Cũng theo các chuyên gia y tế, Virus gây ra bệnh dịch tả lợn Châu phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C. Nhiều người dân hiểu rõ bệnh dịch tả lợn Châu phi không lây cho người nên vẫn yên tâm sử dụng sản phẩm thịt lợn bình thường. 




Ông Phạm Hồng Thủy, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình chia sẻ: "không lây sang người nên chúng tôi vẫn tiêu dùng bình thường".






Không hiểu đúng về dịch tả lợn châu Phi để rồi quay lưng lại với thịt lợn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi và nguy hiểm hơn, có thể dồn người nông dân vào bế tắc, phá sản. Và như vậy chính những người tiêu dùng sẽ thiệt đơn thiệt kép vì tình trạng thiếu lợn sẽ đẩy giá lợn lên cao. Người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. 

Hoài Thu

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...