Văn hóa doanh nghiệp

Thứ 2, 25/11/2019 | 21:23:07
875 lượt xem

Yếu tố cốt lõi và cũng là lý do tồn tại của doanh nghiệp, đó chính là văn hóa doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp đã sớm hình thành nét đẹp văn hóa riêng để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp. Tuy nhiên làm thế nào để những giá trị văn hóa doanh nghiệp được lan tỏa, cởi mở và để người lao động luôn lĩnh hội, trau dồi không chỉ riêng trong các doanh nghiệp lớn, mà còn ngay từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó chính là vấn đề quan tâm của nhiều người.

Trước đây, chị Trần Thị Vân xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình là lao động tự do; ý thức và thói quen lao động chỉ giản đơn là không làm thì nghỉ, lúc nào có thời gian thì làm và làm việc gì hiệu suất công việc cũng chưa cao. Chỉ khi trở thành một công nhân lao động thực thụ tại nhà máy MXP, chị Vân mới được làm quen với tác phong công nghiệp hiện đại và những giá trị văn hóa trong doanh nghiệp đã làm thay đổi không chỉ phương pháp, ý thức thái độ làm việc, mà còn trong các mối quan hệ giao tiếp, ứng xử ngay tại môi trường làm việc của mình.

Chị Trần Thị Vân xã Phú Xuân, Thành phố Thái Bình: Tác phong công nghiệp rất là nhanh nhẹn, thực hiện nghiêm túc nội quy, quy định của công ty.


Trường hợp của chị Vân không phải là ngoại lệ. Đã có không ít người lao động, vì thói quen làm việc tự do, chưa được thường xuyên tiếp cận với phương pháp làm việc khoa học, kỷ cương, kỷ luật, tác phong công nghiệp hiện đại... nên bỡ ngỡ, lúng túng là điều khó tránh khỏi, khi mới bước vào làm việc tại các nhà máy, công ty, doanh nghiệp lớn.Thế nhưng khi những giá trị văn hóa doanh nghiệp được lan tỏa, thì họ đã cởi mở, lĩnh hội và trau dồi thường xuyên để thay đổi chính mình và đáp ứng yêu cầu công việc. 

Chị Vũ Thị Trang - công nhân công ty TNHH TAV khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình: Từ tác phong chậm các bạn đã trở thành tác phong công nghiệp hóa, để phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 hiện nay....


Văn hóa doanh nghiệp đơn cử chỉ là những hành động, việc làm nhỏ như ý thức trong việc để xe, quẹt thẻ trước khi vào làm việc, vệ sinh nơi làm việc,giao tiếp ứng xử hay chỉ là một cái bắt tay, cúi chào trong doanh nghiệp, cũng tạo cho cán bộ công nhân viên và người lao động những thiện cảm, sự hứng khởi cho một ngày làm việc mới bắt đầu để mang lại chất lượng và hiệu suất công việc cao nhất.  

Đối với chị Phạm Thị Hòa, công nhân lao động tại Công ty TNHH may xuất khẩu VINAP, xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy, tuy không phải là công nhân mới vào làm việc, nhưng đến nay chị Hòa nhận thấy vẫn chưa thay đổi được tác phong làm việc. Không tránh khỏi tình trạng đôi lúc còn luộm thuộm, thiếu khoa học; hoặc ý thức chấp hành trong công việc chưa cao. Trong khi các doanh nghiệp lớn làm việc đảm bảo đúng quy định, kể cả tăng ca thêm giờ, thì nhiều doanh nghiệp nhỏ ở vùng thôn thôn vẫn còn tình trạng nghỉ việc làm ở công ty vào thời điểm mùa vụ. 

Chị Phạm Thị Hòa - công ty TNHH may xuất khẩu VINAP huyện Thái Thụy: Chưa nhận thức được văn hóa nên chúng tôi còn bỡ ngỡ, nhiều nhất là các bạn trẻ mới lớn nên chưa quen và bỡ ngỡ nhiều hơn...


Một trong những bất cập trong văn hóa doanh nghiệp đó là trong khi có những doanh nghiệp, vai trò của người đứng đầu đã được phát huy và thấy rõ được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, để xây dựng các quy chế thực hiện, tiêu chí văn hóa doanh nghiệp, thì vẫn còn những doanh nghiệp còn nhầm lẫn, cho rằng văn hóa doanh nghiệp chỉ được cụ thể hóa thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoặc đó chỉ là văn hóa tuân thủ, thiếu sự sáng tạo. Chưa ngăn nắp, gọn gàng nơi làm việc, đi lại nói chuyện tự do, hoặc chưa chấp hành tốt quy định của công ty... 

Chị Nguyễn Thị Chiền - xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy: Văn hóa ứng xử của người công nhân mới, họ xuất phát từ đồng ruộng nên họ chưa có thời gian nhiều để thích nghi...


Để khắc phục những bất cập trong văn hóa doanh nghiệp, nhiều công ty đã xây dựng được quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa trong doanh nghiệp, thành lập bộ phận truyền thông không chỉ cập nhật các tin tức, sự kiện, nâng cao nhận thức cho người lao động, mà còn thường xuyên nhắc nhở về nề nếp, ý thức của công nhân khi bắt đầu một ngày làm việc mới, cùng với những giao tiếp ứng xử ngay tại môi trường làm việc. 

Ông Hoàng Văn Thụ - Trưởng phòng Tổ chức hành chính, công ty cổ phần Đại Dương, Thái Thụy :Đối với những trường hợp chấp hành không tốt thì doanh nghiệp có hình thức xếp loại A, B, C, khi xếp loại A, B, C như vậy sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động..


Một số doanh nghiệp hoạt động tuy ở địa bàn nông thôn, nhưng cũng đã sớm nhận thức rõ vai trò cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp, nên đã thực hiện văn hóa doanh nghiệp từ những cái cụ thể nhất, từ những việc rất nhỏ để có thể dần tiếp cận với tác phong công nghiệp hiện đại.  

Ông Nguyễn Duy Tùng - Giám đốc công ty NICOTEX Đông Thái, Tiền Hải :Ngay thời gian đầu chúng tôi đã tuyển dụng người lao động vào công ty và tập huấn hướng dẫn cho họ thực hiện tốt các quy định của công ty, kể cả văn hóa trong công ty...


Ông Nguyễn Doãn Chung - Trưởng phòng Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình: Thông qua việc tổ chức đối thoại định kỳ chúng tôi đã kiến nghị các doanh nghiệp trong việc xây dựng cho đơn vị mình nét văn hóa riêng...


Văn hóa doanh nghiệp, tổng hòa nhiều yếu tố tạo sự tương tác, hỗ trợ tăng hiệu quả kinh doanh để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trước hết những người đứng đầu doanh nghiệp phải là người tiên phong nghiêm túc thực hiện, để cán bộ nhân viên và người lao động học tập làm theo./.

Phương Duyên

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...