Doanh nghiệp gốm sứ tiếp tục gặp khó khăn những tháng cuối năm

Thứ 7, 02/11/2019 | 10:56:06
1,905 lượt xem

Chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa là kết thúc năm 2019 nhưng tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh vẫn hết sức khó khăn, khi sản lượng tiêu thụ liên tục giảm trong thời gian gần đây.

Cùng ở thời điểm này những năm trước là không khí nhộn nhịp khẩn trương trong sản xuất của các doanh nghiệp gốm sứ thì năm nay lại khá ảm đạm. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo công ty TNHH Sứ Đông Lâm, Khu công nghiệp Tiền Hải cho biết: Nếu như những năm trước thời điểm này, mỗi ngày doanh nghiệp sản xuất hàng chục nghìn sản phẩm thì nay chỉ sản xuất cầm chừng khoảng 1.500 sản phẩm. Nguyên nhân chính là do thị trường giảm sút đến 30% sản lượng tiêu thụ. 

Ông Trần Văn Thụy - Phó giám đốc Công ty TNHH Sứ Đông Lâm, Khu công nghiệp Tiền Hải: Hiện nay doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đã hạ giá thành sản phẩm rồi mà vẫn không bán được. Hiện doanh nghiệp đang cố gắng duy trì công suất sản xuất khoảng 70% để đảm bảo đời sống và lương cho anh em công nhân.



Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều doanh nghiệp gốm sứ trong tỉnh. Các doanh nghiệp cho biết: Nguyên nhân chính là do thị trường hiện nay, cung vượt quá cầu nên dẫn đến giảm sản lượng tiêu thụ từ 30 – 50%. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong tỉnh đang phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài vốn có sản phẩm chất lượng tốt hơn và giá thành rẻ hơn. 

Ông Tô Xuân Cảnh -Tổng giám đốcCông ty TNHH sứ Hảo Cảnh, Khu công nghiệp Tiền Hải: Hiện nhiều mặt hàng gốm sứ của Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam với giá thành rất rẻ nên công ty chúng tôi thực sự rất khó cạnh tranh. Hiện doanh nghiệp mới xuất xưởng được khoảng 40%, còn lại tồn kho đến 60% sản lượng.



Không khó để thấy rằng, chi phí sản xuất đầu vào của nhiều doanh nghiệp gốm sứ vẫn còn ở mức cao kéo theo giá thành tăng nên khó cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường. 

Ông Trần Văn Thụy - Phó giám đốc Công ty TNHH Sứ Đông Lâm, Khu công nghiệp Tiền Hải: Chúng tôi kiến nghị Nhà nước nghiên cứu để có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí sản xuất đầu vào ví dụ như: khí, điện để doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm thì mới mong tăng sức cạnh tranh trên thị trường.



Từ thực tế hiện nay có thể thấy, thị trường gốm sứ đang dần bão hòa nên buộc các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải tìm kiếm các giải pháp khác để ổn định đầu ra cho sản phẩm. Nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp gốm sứ và sự phát triển mạnh mẽ của các loại vật liệu mới như: nhựa, polyme, inox, nhôm… đang  làm  cho  các  sản phẩm gốm truyền thống bị thu hẹp thị trường.

Bởi vậy, bên cạnh những giải pháp trên thì yếu tố cốt lõi nhất là các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh ứng dụng Khoa học công nghệ vào sản xuất, có như thế mới tiết giảm chi phí để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Phạm Ngọc

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...