Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển

Thứ 7, 24/11/2018 | 16:02:23
1,326 lượt xem

Tại Tọa đàm trực tuyến “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng ngày 22/11, các đại biểu cho rằng, doanh nghiệp tư nhân có nhiều cơ hội để lớn mạnh. Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp; song, tự thân doanh nghiệp cũng cần nỗ lực đổi mới, đặc biệt “có dám đột phá không?” như lời Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương.

Các đại biểu dự tọa đàm

Không thể phát triển nếu thiếu doanh nghiệp tư nhân

“Ở Thái Nguyên quê tôi, nếu không có lực lượng doanh nghiệp tư nhân thì chắc chắn bây giờ vẫn là vùng đồi núi”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng bộc bạch. Rõ ràng, khối doanh nghiệp tư nhân đã làm thay đổi diện mạo cho các địa phương. Song, từng là ĐBQH qua hai khóa, ông Hùng còn nhận thấy vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân không đơn thuần về mặt kinh tế - xã hội. “Chính hoạt động của những doanh nghiệp này đã tác động trở lại vào sự hoàn thiện pháp luật. Như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực tế ĐBQH thảo luận, thông qua Luật từ sự chuẩn bị của Chính phủ nhưng nguồn sống chính của Luật lại là thực tiễn hoạt động của khối kinh tế tư nhân. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân còn đóng góp vào hội nhập và quan hệ ngoại giao của đất nước. Bởi hiện, đa phần các nước thiết lập mối quan hệ ngoại giao dựa trên tiêu chí có tự do hóa kinh tế một cách thật sự cởi mở, thông thoáng không”, ông Hùng phân tích.

Còn theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, “khu vực kinh tế tư nhân đã thể hiện ngày một rõ hơn là động lực của nền kinh tế”. Minh chứng cho điều này, ông trích dẫn: Năm 2017, số doanh nghiệp mới đăng ký là 137.000, tăng 15,2% và tăng 45,5% vốn đăng ký mới so với năm 2016. Từ năm 2015 - 2017, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mỗi năm là 15,5%, vốn đăng ký mới tăng 46,5%. Về vốn đầu tư, năm 2017 vốn của khu vực tư nhân chiếm 40,5% trong tổng nguồn vốn của xã hội và tăng đến 16,8% so với năm trước. Trong khi khu vực kinh tế nhà nước chỉ chiếm 35,7% tổng vốn và tăng 6,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 23,8% tổng vốn và tăng 12,8% so với năm trước… “Đại bộ phận mới đăng ký là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi năm, vốn bình quân để đăng ký thêm đã tích dần lên. Trước đây số vốn đăng ký chỉ dưới 10 tỷ đồng/doanh nghiệp, bây giờ đã lên trên 10 tỷ đồng. Rõ ràng, doanh nghiệp tư nhân không phải càng ngày càng nhỏ đi, mà ngày càng lớn”, ông Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, khối doanh nghiệp tư nhân vẫn còn rất nhiều rào cản. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Carmax Nguyễn Hữu Dung chia sẻ, nguồn vốn tự có của doanh nghiệp nhỏ rất hạn chế. Song, khi đi vay, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vì phải chứng minh năng lực, tài sản thế chấp… Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng bị hạn chế về kê khai tài sản, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực. Chưa kể, doanh nghiệp còn bị cán bộ công chức nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính…

“Lãnh đạo phát triển tới đâu, doanh nghiệp phát triển tới đó”

Theo đánh giá của các đại biểu dự Tọa đàm, hệ thống thể chế, chính sách cho doanh nghiệp tư nhân đã có bước tiến rất lớn. Tuy vậy, số lượng đăng ký doanh nghiệp và doanh nghiệp thực chất hoạt động chỉ khoảng 54%. Mặc dù điều này “không nói lên rằng thể chế không được cải thiện, nhưng rõ ràng bối cảnh bên ngoài có sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam nói.

Từ thực tế này, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách theo hướng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. “Nhà nước dứt khoát phải giữ cho được ổn định vĩ mô. Chính sách phải hướng theo thị trường và không thay đổi; bộ máy phải gọn chứ không thể “trên nóng dưới lạnh” hay “trên nóng, dưới nóng nhưng giữa rất lạnh”. Muốn vậy, Quốc hội cần phải trách nhiệm, xoay chuyển để thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cuộc cách mạng này chính là cách mạng ở bản thân thì mới làm được”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nêu ý kiến.

Cho rằng “lãnh đạo phát triển tới đâu, doanh nghiệp phát triển tới đó”, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương nhấn mạnh vai trò của người chủ, dám đột phá là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển. “Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ đặt mục tiêu nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… Mỗi lần nhất như vậy đòi hỏi một năng lực mới. Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi phải phá vỡ cái cũ. Vậy lãnh đạo doanh nghiệp có dám đột phá hay không?”, bà Phương nói.

Đồng tình với ý kiến trên, Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, “nếu người chủ doanh nghiệp là một người lãnh đạo chứ không phải chỉ là một ông chủ có tiền thì doanh nghiệp sẽ lớn nhanh. Nếu doanh nghiệp sợ, không dám chiến đấu với “người khổng lồ” thì có nghĩa là tự đẩy mình vào chân tường, bị đào thải rất nhanh”. Ông Nhưỡng cũng từng có kinh nghiệm trong việc tư vấn cho các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, theo ông, “quản lý lao động là mấu chốt nhất để hình thành nên những doanh nghiệp lớn, chứ không phải là vốn. Nếu quản lý được lao động, chắc chắn sẽ hút được vốn về, kéo được công nghệ về tạo được niềm tin”.

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân bổ sung, doanh nghiệp tư nhân muốn phát triển phải tự chuẩn bị cho mình nội lực về nguồn lực lao động, trình độ lao động, khoa học kỹ thuật. Tức là doanh nghiệp phải đặt ra các các kế hoạch, chiến lược ngắn hạn đến dài hạn để có những bước phát triển bám sát định hướng của Chính phủ. Chỉ khi đó, mỗi bước đi của doanh nghiệp mới bảo đảm chắc chắn, bền vững.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát TRẦN UYÊN PHƯƠNG: Thuê chuyên gia xây dựng sơ đồ tổ chức


Đối với Tân Hiệp Phát, để chuẩn bị cho quá trình thay đổi, chúng tôi đã phải làm rất nhiều. Trong vòng 5 - 7 năm qua, chúng tôi phải kìm hãm sự tăng trưởng. Lý do bởi chúng tôi nhìn thấy bộ máy sắp sửa đến lúc phải được tăng cường năng lực thì mới lên được vị trí cao hơn. Từ năm 2012, Tân Hiệp Phát đã phải mời chuyên gia nước ngoài và những tổ chức thế giới để xây dựng một sơ đồ tổ chức. Ví dụ muốn lên doanh thu 1 tỷ USD thì sơ đồ tổ chức phải như thế nào? Để làm được điều này mất khá nhiều thời gian. Nhưng bù lại, chúng tôi có thể hiểu, nắm bắt, vận hành để làm sao có thể tăng trưởng và xây dựng con người cho phù hợp với sơ đồ tổ chức đó; chứ không phải cứ người trong gia đình là sẽ vào được vị trí đó.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: Doanh nghiệp thành công nhờ hành lang pháp lý


Thực tế, đã có chuyển biến trong nhận thức của Đảng về vai trò của kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng, từ chỗ thừa nhận một cách khách quan sự tồn tại của khối kinh tế này đến việc coi đó là động lực quan trọng, đặc biệt quan trọng đối với nước nhà. Chính sách pháp luật vì thế cũng có nhiều thay đổi. Nhờ hành lang pháp lý, nhiều doanh nghiệp đã có thành công nhất định trong thương trường như Tân Hiệp Phát, Vingroup…


Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều cải tiến hơn nữa trong xây dựng pháp luật, và động viên các doanh nghiệp dẫn đầu hãy cứ tin tưởng, cố gắng để bước tiếp, cũng như tiếp tục dẫn dắt các doanh nghiệp đi sau được lớn mạnh như mình.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng NGUYỄN QUỐC HƯNG: Muốn phát triển phải có hiểu biết, kinh nghiệm


Chúng ta đã nói rất nhiều về việc doanh nghiệp muốn lớn nhưng không thể. Hiện chỉ có 54% doanh nghiệp hoạt động thực chất, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản vẫn cao. Ngoài ra, trong tổng số khoảng hơn 40% GDP đóng góp của khối kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân chỉ đóng góp khoảng 8%. Vậy đã cơ quan nào phân tích nguyên nhân? Chúng ta mong muốn có một số lượng doanh nghiệp đông đảo mà chưa chú trọng vấn đề doanh nghiệp phải có chất lượng, làm sao có hiệu quả, làm sao tạo đà cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Ngoài mong muốn, chúng ta phải có hiểu biết, kinh nghiệm, kiến thức thì mới thành công.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội BÙI NGỌC CHƯƠNG: Nói “chỉ giải quyết việc làm” là không khách quan


Ngoài đóng góp về GDP, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Có ý kiến nói rằng, khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu giải quyết vấn đề việc làm. Nhưng đây cũng chỉ là một khía cạnh bởi ngoài giải quyết việc làm, khu vực này còn đóng góp về tăng trưởng, vốn đầu tư và ngân sách. Do đó, nếu nói khu vực này “chỉ giải quyết việc làm” sẽ không toàn diện, khách quan.


Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam TÔ HOÀI NAM: Chuỗi hiệu quả hơn khi doanh nghiệp Việt Nam “đầu đàn”


Trong một chuỗi liên kết, vai trò của doanh nghiệp “đầu đàn” rất quan trọng. Doanh nghiệp này phải có nhiệm vụ chính là dẫn dắt và đột phá. Chúng tôi so sánh các chuỗi do một doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu với các chuỗi do doanh nghiệp nước ngoài đứng đầu cho thấy, khi doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu thì các doanh nghiệp khác trong chuỗi được lợi nhiều hơn. Do vậy, cần nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam đứng đầu chuỗi và nhiệm vụ đầu chuỗi đột phá có sự mạo hiểm rất lớn, rất cần sự ủng hộ lớn về mặt chính sách và xã hội.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...