Chị Phương Kim Hoa, người dân tại phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Tôi mua đường kính trắng xuất khẩu trong siêu thị với giá 21.000 đồng/kg. Nói chung giá đường vẫn cao từ đầu tháng 4 đến bây giờ, chưa giảm được tí nào”.
Còn anh Bùi Quang Cáp, chủ một cửa hàng tạp hóa tại Hà Nội cho biết: Giá đường hiện nay rất cao so với đầu năm. Đầu năm tầm 17.000 đồng/kg, bây giờ đã lên tới 19.000 - 21.000 đồng/kg. Giá năm ngoái chỉ khoảng 13.000 đồng/kg. “Chúng tôi không biết giá cả thực tế ở nhà máy thế nào bởi chúng tôi không bao giờ lấy được với giá tại nhà máy mà phải lấy qua những kênh phân phối nhỏ, cho nên giá đường đến tay người tiêu dùng rất đắt”, anh Cáp nói.
Đường giữ giá cao trong khi nguồn cung không thiếu là một nghịch lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất cần sử dụng tới đường.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty Tư vấn mía đường Lộc Hằng lý giải, giá đường tăng trước hết là do sản lượng mía giảm nhiều do hạn, mặn. Đầu niên vụ 2015 - 2016, để khuyến khích nông dân trồng mía, nhiều nhà máy đường đã tăng giá thu mua mía lên khá nhiều. Vì thế, các nhà máy đang buộc phải điều chỉnh giá đường bán ra theo hướng tăng lên để bù chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh giá đường trên thế giới tăng do ảnh hưởng của El Nino.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan như trên thì việc một số doanh nghiệp, nhà buôn trung gian tranh thủ găm hàng, đầu cơ cũng khiến giá đường bị đẩy lên cao.
Theo ông Đỗ Thành Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tồn kho đường tại các nhà máy còn cao nhưng có hiện tượng găm hàng tạo khan hiếm giả. Một số công ty sản xuất sữa, bánh kẹo và nước giải khát đã phản ánh lên Bộ Công Thương việc không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra một số nhà máy đường và nhận thấy một số công ty tích trữ đường, găm hàng chờ giá lên, gây khan hiếm giả tạo. Đây là lý do vì sao đầu năm nay giá đường trắng mới chỉ ở mức 12.000 - 13.000 đồng/kg nhưng đến tháng 5 đã tăng lên mức 15.000 - 17.000 đồng/kg và hiện nay là 19.000 -21.000 đồng/kg”, ông Liêm cho biết.
Tránh đầu cơ, rà soát lại vùng nguyên liệu
Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường găm hàng đợi giá đường tăng đã gián tiếp khiến giá đường sốt ảo, gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra để phát hiện các doanh nghiệp cố tình đầu cơ trục lợi.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng giá đường hiện nay cao là do các đại lý gom hàng, chưa chịu hạ giá bán. “Đây chính là điều khiến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đề nghị nhập khẩu đường từ nước ngoài vì không thể mua đủ số lượng cần thiết cho sản xuất. Đây không phải lần đầu xảy ra chuyện này, gây tác động bất lợi với sản xuất mía đường trong nước”, vị đại diện cho hay.
Hiện nay, dù đã được Chính phủ cho phép nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa cấp phép nhập khẩu 100.000 tấn đường theo hạn ngạch bổ sung. Ngoài ra, Bộ cũng chưa cho nhập 85.000 tấn đường theo hạn ngạch cam kết với WTO. Nếu nguồn cung đường được bổ sung nhờ nhập khẩu thì có thể hạn chế tình trạng đầu cơ.
Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả trên thị trường phụ thuộc vào quan hệ cung - cầu. Khi cầu tăng mà cung không đáp ứng được thì chắc chắn giá sẽ biến động. Nguồn cung hiện nay dư thừa nhưng lại đang bị “gom” lại thay vì tung ra thị trường. Do đó, để kéo giá đường xuống, cân đối cung cầu thì phải loại bỏ tình trạng đầu cơ.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá cho biết: Nhu cầu về đường của các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu rất cao. Việc nhập khẩu sẽ góp phần đáp ứng đầy đủ quan hệ cung - cầu. Bộ Công Thương cần nhanh chóng áp dụng biện pháp nhập khẩu đường.
Còn chuyên gia trong lĩnh vực thương mại Vũ Vinh Phú thì nhận định, quá nhiều khâu trung gian phân phối đã tạo điều kiện cho các tư thương gom hàng trục lợi bất chính. Muốn hạ giá đường, phải tổ chức lại khâu phân phối, cắt bớt các khâu trung gian không cần thiết để đường từ nhà máy có thể đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Nếu không làm được điều này thì dù hạn ngạch nhập khẩu đường có tăng lên nữa thì giá đường vẫn khó giảm.
Liên quan đến tình hình thiếu nguyên liệu cho sản xuất đường, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Kết thúc vụ sản xuất mía đường 2015 - 2016, diện tích mía cả nước đạt khoảng hơn 284.000 ha, sản lượng hơn 18 triệu tấn, giảm 8% so với niên vụ trước. Hầu hết mía ở các vùng nguyên liệu đều đã được các nhà máy thu mua, đưa vào chế biến, với giá thu mua tại ruộng tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn. Dự đoán trong niên vụ mới, tình hình thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường sẽ căng thẳng hơn.
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trồng mía giảm dẫn đến tình trạng cạnh tranh thu mua mía nguyên liệu. Diện tích và năng suất mía của vùng liên tục giảm từ 20 - 30% do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn. Nếu tình hình này tiếp diễn thì các doanh nghiệp sản xuất, chế biến đường khó hạ giá thành.
Do đó, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần tổ chức lại vùng nguyên liệu. “Để đảm bảo được nguồn nguyên liệu đầy đủ, các doanh nghiệp cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng để đáp ứng nhu cầu đường trong nước, giảm tổn thất sau thu hoạch”, ông Nam cho biết.