Chúc các doanh nghiệp năm mới gặt hái nhiều thành công, vững bước hội nhập và phát triển bền vững

Chủ nhật, 07/02/2016 | 16:10:48
2,853 lượt xem

Việt Nam chính thức bước vào sân chơi TPP với 12 nước đối tác xuyên Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Thái Bình đang đứng trước rất nhiều cơ hội mới, thách thức mới. Đầu xuân Thaibinhtv.vn có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Hội nhập Kinh tế Quốc tế tỉnh Thái Bình về nội dung " Doanh nghiệp Thái Bình trước những thách thức mới ".

         

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Bình 

Thaibinhtv.vn : Thưa ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh! Ngày đầu xuân xin chúc ông sức khỏe, may mắn, an khang, luôn đồng hành và góp phần cho doanh nghiệp Thái Bình phát triển. Xin ông cho biết tình hình chung của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

   Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh :Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Thái Bình vẫn duy trì, tiếp tục phát triển ổn định, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp; tổng mức l­ưu chuyển hàng hoá bán lẻ; kim ngạch xuất khẩu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước 

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 tăng 14,92% so với năm 2014, cao nhất so các năm giai đoạn 2011-2015; kim ngạch xuất khẩu tăng gần 2 lần so với Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp, phần lớn là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa; nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường, lúng túng và chưa có bước chuẩn bị khi nước ta hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Một số doanh nghiệp còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình hoạt động: Sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm môi trường; tạm ngừng hoạt động không đăng ký với cơ quan chức năng, nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội…

Thaibinhtv.vn : Xin ông nhận xét những điểm yếu cũng như thế mạnh của phần lớn doanh nghiệp Thái Bình?

 Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh :  Về những điểm yếu: Doanh nghiệp Thái Bình thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, khó có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất dẫn đến sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường (kể cả trong nước và nước ngoài) còn hạn chế. Sản xuất chủ yếu gia công nên còn lệ thuộc nhiều vào thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu, thiếu bền vững. Trình độ quản lý của doanh nghiệp còn yếu, thiếu kiến thức về pháp luật,  thông tin thị trường, kiến thức hội nhập, về sản phẩm mới, công nghệ mới trong ngành. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được hình ảnh, uy tín, thương hiệu của mình trên thị trường; thiếu chiến lược trong kinh doanh, chưa chuẩn bị, chưa xây dựng được lộ trình khi hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.

Về những thế mạnh: Doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên năng động, linh hoạt, dễ thích nghi với những thay đổi, biến động của thị trường. Có lợi thế khi sản xuất gia công vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn, sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Thái Bình có lợi thế về nông nghiệp, có biển, khí mỏ nên các doanh nghiệp có nhiều thế mạnh đối với ngành chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản, sản xuất vật liệu xây dựng ... Bước đầu đã hình thành thành được một số doanh nghiệp lớn, chủ động trong kinh tế hội nhập. Tỉnh có nguồn nhân lực khá dồi dào nên các doanh nghiệp có nhiều lợi thế cạnh tranh về sử dụng lao động.

 Thaibinhtv.vn. Như chúng ta đã biết, hiệp định TPP đã được ký kết giữa 12 nước thành viên. Gia nhập TPP, doanh nghiệp Thái Bình có những lợi thế gì? Và những điều bất lợi gì?

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình :  Trước hết, xin được khái lược về TPP. TPP là mô hình mới về hợp tác kinh tế, vừa có tính toàn diện, vừa có mức độ cam kết sâu và rộng. Hiệp định gồm 12 thành viên: Brunay, Chi lê, New Zealand, Singapore, Mỹ, Úc, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản. TPP được xem là mô hình mới, kỳ vọng về hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi tối ưu cho đầu tư, thương mại và cơ sở làm hạt nhân xây dựng một Hiệp định thương mại tự do chung cho toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Một số nét khái quát cơ bản về tiềm lực của 12 thành viên TPP: 12 thành viên TPP chiếm 24,9% diện tích thế giới; 11,1% dân số; 37,7% GDP toàn cầu; 19,3% xuất khẩu và 21,1% nhập khẩu. Trong 12 thành viên TPP, Việt Nam đang đứng thứ 8 về diện tích và xuất - nhập khẩu; đứng thứ 11 về GDP. Hiện nay, Việt Nam chiếm 0,5% về GDP, 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của TPP. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào TPP năm 2013 chiếm 39%; nhập khẩu của Việt Nam năm 2013 từ TPP chiếm 22,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; xuất khẩu của Việt Nam vào TPP chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước thành viên TPP, điều này cho thấy TPP là thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Các vấn đề TPP đề cập gồm: Thuế quan, dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ tính mạng và sức khỏe, cạnh tranh và mua sắm công, mở rộng quyền và quyền lợi người lao động... TPP hướng tới một sân chơi nhằm tạo ra các tiêu chuẩn mới cho thương mại, đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế nên mục tiêu đặt ra rất cao. Khác với các vòng đàm phán trong khuôn khổ WTO, đàm phán TPP có phạm vi rộng hơn nhiều. Ngoài các vấn đề về thị trường hàng hóa, dịch vụ, sở hữu trí tuệ ... như ở WTO, TPP còn đề cập vấn đề mua sắm của chính phủ, vấn đề lao động, môi trường, cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Như đã nêu ở trên, đặc điểm của kinh tế - xã hội Thái Bình nói chung và của các doanh nghiệp trong tỉnh : Kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phần lớn còn lại là các hộ kinh doanh (trang trại, gia trại, hộ gia đình). Trong kim ngạch xuất nhập khẩu thì ngành dệt và may mặc vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh có thể đánh giá là rất hạn chế. Các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao ít. Do vậy thị trường chủ yếu của các sản phẩm là thị trường nội địa và nội tỉnh.

Về những cơ hội và lợi thế đối với doanh nghiệp trong tỉnh : Cơ hội cho các doanh nghiệp dệt và may trên địa bàn tỉnh: TPP sẽ tạo điều kiện tốt nhất hiện nay cho xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt và may mặc. Vì TPP là một thị trường bao gồm các thị trường lớn, với các mặt hàng được hưởng lợi nhiều như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản. Mỹ được xem là thị trường lớn nhất của ngành dệt may. Khi TPP được thông qua, thuế suất với ngành nghề may bằng 0% thì doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu.

Với cơ cấu xuất khẩu hiện nay, cơ hội cho Thái Bình trở thành một trong những trung tâm của ngành dệt, may khu vực phía Bắc. Cơ hội cho một số sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới của tỉnh: Hàng nông sản là rau quả chế biến... Vì đặc điểm các sản phẩm của các thành viên trong TPP không trùng với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Do vậy có sự tác động tương hỗ, không đối kháng. Ngoài ra, còn có một số sản phẩm đặc trưng thế mạnh khác của Thái Bình: Vật liệu xây dựng, gốm, sứ ở của các doanh nghiệp sử dụng khí mỏ tự nhiên ở khu vực Tiền Hải.

Cơ hội trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp lớn của các nước TPP, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Các ngành kinh tế mũi nhọn như dệt may, giày dép, thủy sản... sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang những thị trường này. Từ đó sẽ giúp cho kinh tế Thái Bình phân bố lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn với các cam kết sâu, rộng hơn WTO, góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và điều chỉnh đổi mới mô hình tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. 

Thông qua TPP, các doanh nghiệp của Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng sẽ tiến tới chuyển hướng các quan hệ thương mại với các thị trường trọng điểm, tránh quá lệ thuộc vào một thị trường khu vực nhất định như Đông Nam Á mà Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu, thường xuyên ở mức trên 60%, trong đó phải kể đến là sự lệ thuộc quá lớn vào nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc (luôn nhập siêu khoảng 20 tỷ USD/năm), sẽ tiềm ẩn rủi ro khi kinh tế khu vực biến động bất lợi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thái Bình sẽ có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada… trong khi doanh nghiệp của các nước cạnh tranh với Việt Nam, do chưa có quan hệ FTA với Hoa Kỳ, sẽ không được tham gia. Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan công quyền nước này hàng năm vào khoảng 10 - 12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình kiểm tra tình hình bình ổn giá của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình dịp Tết nguyên đán Bình Thân.

Về những thách thức đối với doanh nghiệp Thái Bình. Thách thức lớn nhất đối với tỉnh kinh tế nông nghiệp như Thái Bình là nông nghiệp và các vấn đề liên quan đến nông nghiệp: Người nông dân sản xuất nông nghiệp bị thách thức về công ăn, việc làm khi các sản phẩm nông nghiệp giá rẻ (của Mỹ, Canada, …) tràn vào thị trường. Đặc biệt ngành chăn nuôi của tỉnh hầu hết chăn nuôi có quy mô nhỏ, phân tán, năng suất thấp, chi phí cao khiến giá thành sản phẩm kém cạnh tranh so với nhiều nước trong khối TPP (mặc dù hiện nay đã nâng quy mô tầm trang trại và gia trại, nhưng chi phí và giá thành vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong nội khối TPP); các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm dễ bị phá sản do công nghệ, chất lượng, năng suất thấp. Các doanh nghiệp nhỏ sản xuất các hàng hóa tiêu dùng nội địa, nội tỉnh bị cạnh tranh gay gắt.

 Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu: Những bất cập, hạn chế nội tại (như cơ cấu hàng xuất khẩu chưa hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất..., xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công, quy mô doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ...) nếu không được khắc phục kịp thời sẽ rất khó cạnh tranh với hàng hóa của các nước nội khối về giá cả cũng như chất lượng. Việc giảm thuế có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn.

 Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP yêu cầu các sản phẩm xuất khẩu từ một thành viên của TPP sang các thành viên khác được hưởng ưu đãi thuế suất 0% phải có xuất xứ từ các nước TPP, không sử dụng các nguyên liệu của nước thứ ba ngoài TPP. Đây là khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhất là ngành hàng may mặc và da giày. Các nước tham gia TPP có xu hướng đàm phán nhằm giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Khi đó, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến với yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, trong khi đây là điểm yếu của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Hàng nhập khẩu tăng, xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước sẽ khiến nông nghiệp đứng trước những khó khăn, thách thức. Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc kém, các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp.

 Thaibinhtv.vn: Vậy muốn gia nhập TPP một cách đầy đủ, chủ động, tận dụng cho hết những lợi ích mà TPP đem lại, doanh nghiệp Thái Bình phải làm những gì?

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh :  Trước hết phải khẳng định: Để thích nghi và chuyển đổi, doanh nghiệp cần một quá trình nhất định (ngắn hay dài tùy thuộc vào từng doanh nghiệp); chuyển đổi và thích nghi còn phụ thuộc vào môi trường của doanh nghiệp (môi trường pháp lý doanh nghiệp đang tồn tại và môi trường kinh doanh doanh nghiệp đang hoạt động); chắc chắn sẽ có sự chọn lọc, thải loại đối với doanh nghiệp, ngành nghề (sẽ có những doanh nghiệp, ngành nghề mất đi, không thể tồn tại khi hội nhập sâu rộng - đây là quy luật của khách quan của thị trường).

Các vấn đề mà doanh nghiệp Thái Bình cần quan tâm và thực hiện: Phòng bị trên thị trường nội địa sẽ nghiên cứu kỹ những vấn đề của TPP liên quan đến doanh nghiệp: Ngành hàng, thuế suất. Sau đó có thể nghiên cứu các lợi thế chính, cơ bản của sản phẩm của các nước trong TPP. Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp: Tái cơ cấu doanh nghiệp bằng cách tập trung chuyên sâu hóa vào các ngành, sản phẩm có lợi thế của doanh nghiệp; Củng cố sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; Xây dựng chiến lược thị trường sản phẩm.

* Chinh phục thị trường TPP: Khi TPP chính thức có hiệu lực, thuế suất các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được giảm rất nhiều hoặc về 0%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng chỉ tận dụng được khi các doanh nghiệp tận dụng được rất tốt các quy tắc xuất xứ để hưởng thuế quan ưu đãi. Tìm hiểu, tập hợp thông tin về các xu hướng, cam kết trong TPP có liên quan tới hoạt động của ngành và doanh nghiệp mình; phân tích, đánh giá tác động của các cam kết trong TPP đối với triển vọng kinh doanh của ngành và của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch kinh doanh của từng doanh nghiệp trong thế liên kết với các doanh nghiệp khác (theo chuỗi giá trị tính đến tác động cả tiêu cực và tích cực từ TPP); bắt tay vào các hành động chuẩn bị cụ thể để đón đầu các cơ hội, vượt qua thách thức ngay khi TPP bắt đầu có hiệu lực; Nghiên cứu, chuyển hướng nhập khẩu các nguyên, phụ liệu từ các nước trong khối để phục vụ sản xuất, kinh doanh; vừa giảm giá thành (vì đa số các nước có trình độ sản xuất cao hơn nên giá thành có xu hướng rẻ hơn), vừa phù hợp tiêu chuẩn xuất xứ để xuất khẩu.

Thaibinhtv.vn :  Về góc độ quản lý nhà nước, tỉnh sẽ tạo điệu kiện gì cho doanh nghiệp để hội nhập tốt hơn?

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh:  Tỉnh Thái Bình sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau: Tăng cường tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp, hiệp hội. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại, nắm bắt thông tin, tìm kiếm thị trường. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư. Tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành tìm mọi giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong thời gian đầu tư tại Thái Bình. Đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung ưu tiên những lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí, chế biến, năng lượng, hóa chất, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thương mại điện tử cho doanh nghiệp. Tiếp tục và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TPP tới các doanh nghiệp, nhân dân trong tỉnh bằng các hình thức đa dạng, phong phú để doanh nghiệp, nhân dân dễ tiếp nhận. Chỉ đạo các cơ quan trong tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực: Hỗ trợ chuyển giao công nghệ; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp về thông tin TPP; hỗ trợ, tư vấn nghiệp vụ xuất nhập khẩu; hỗ trợ thông tin thị trường, đặc biệt thị trường các nước TPP; hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực…

Đặc biệt tỉnh sẽ tiến hành cải cách hành chính quyết liệt. Cải thiện môi trường kinh doanh trong tỉnh một cách sâu sắc, thực chất, sát với các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, nhân dân. Tiếp tục thực hiện Chương trình nông thôn mới, tích tụ ruộng đất hợp lý, cơ giới hóa nông nghiệp để tạo vùng nguyên liệu, sản phẩm hàng hóa tập trung, giá thành rẻ và tiếp tục tạo thuận lợi cho các trang trại, gia trại phát triển. Tổ chức tốt hoạt động của Ban Hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh, chỉ đạo các ngành thực hiện tốt công tác hội nhập kinh tế quốc tế của ngành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như chỉ đạo ngành thực hiện tốt công tác này. Tiến tới triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế ở các địa phương huyện.

Thaibinhtv.vn   Lời chúc đầu năm của ông tới các doanh nghiệp trong tỉnh?

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Nhân dịp năm mới Bính Thân 2016, thay mặt lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, xin chúc các doanh nghiệp năm mới gặt hái nhiều thành công, vững bước hội nhập và phát triển bền vững. Chúc cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và gia đình An khang – Thịnh vượng- Hạnh phúc.

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...