Lời thề giữ đảo - Tác phẩm đạt Giải Báo Chí Quốc gia năm 2013

Thứ 3, 04/11/2014 | 15:54:39
1,881 lượt xem

Ngày 14/3/1988, cuộc chiến đấu không cân sức của các chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam bảo vệ các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa với một lực lượng quân đội nước ngoài âm mưu chiếm đảo diễn ra vô cùng khốc liệt. 64 chiến sỹ, trong đó có 8 chiến sỹ quê Thái Bình đã nằm lại trong lòng đại dương để Trường Sa trường tồn trong lòng Tổ quốc. Chiến công và sự hy sinh của họ là một trong những bản anh hùng ca bất tử về người lính biển Việt Nam.

Bất tử những người lính giữ đảo

25 năm sau ngày con trai hy sinh ở Quần đảo Trường Sa, mẹ Nguyễn Thị Gái, 76 tuổi, thôn Hậu, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vẫn mong được một lần ra Trường Sa- nơi con mẹ và đồng đội đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lá thư đã ố vàng là kỷ vật duy nhất của con trai được mẹ Gái giữ gìn cẩn thận. Trong thư anh Phương viết: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ngoài đảo, con sẽ thi vào trường Sỹ quan Lục quân 1. Sau đó cưới vợ để chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già”.

Ngày hy sinh, con trai mẹ Gái mới tròn 22 tuổi. Vậy là bao dự định về tương lai, về hạnh phúc bình dị, đơn sơ cùng ước mơ trở thành Sỹ quan Lục quân mãi theo anh Phương đi vào trầm tích.

Nhớ thương đứa con trai thảo hiền, hiếu nghĩa đã làm cho mái tóc mẹ Gái mỗi ngày một bạc thêm. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà đơn sơ, mẹ Gái đưa tay lau khô 2 dòng lệ chảy trên khuôn mặt đã nhuốm màu thời gian và tuổi tác, bất chợt mẹ nói như thể nói với chính mình: Nếu còn sức khỏe như ngày xưa, tôi sẽ xin Nhà nước cho ra Trường Sa một lần. Nhờ tàu hải quân cho tôi đi qua bãi ngầm Gạc Ma để được gọi tên con trai tại nơi nó hy sinh. Nhưng bây giờ tôi già rồi. Có lẽ nguyện vọng đó không thể thực hiện được. Dù sao thì tôi và gia đình cũng luôn tự hào vì con trai mình đã chiến đấu vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trong 64 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh ngày 14/ 3/ 1988 tại Quần đảo Trường Sa có một người đã ghi tên vào lịch sử hào hùng của Quân chủng Hải quân. Đó là trung tá Trần Đức Thông, quê xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà.

Đến bây giờ, chị Trần Thu Hà - con gái của liệt sỹ Trần Đức Thông, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Đoàn phó Đoàn 146 kiêm Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa không bao giờ quên ngày gia đình chị biết tin bố đã anh dũng hy sinh ngoài đảo. Trần Đức Thông cùng 63 đồng đội của ông đã lấy lòng tự tôn dân tộc, bằng chứng đanh thép về chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối Quần đảo Trường Sa để đấu tranh với đối phương. Họ đã chiến đấu đến người lính cuối cùng để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo.

Chị Hà kể: "Ngày bố vĩnh viễn nằm lại với biển, mẹ chị là bà Nguyễn Thị Seo nén đau thương để nuôi dạy các con nên người. Bà lấy nỗi nhọc nhằn, tần tảo như một lời thề không tiếng nói, được dồn sâu, chôn chặt trong cõi lòng của người ở lại với người đã ngã xuống vì Tổ quốc".

 Bây giờ thì bà cũng đã đi theo ông Thông vào cuộc viễn du bất tận trong cõi hư vô.

Người dân quê chị Trần Thu Hà - thôn Cộng Hòa, xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình tự hào vì mảnh đất này là quê hương người anh hùng với lời thề giữ đảo của những người lính biển Việt Nam: “Thà hy sinh chứ không chịu để mất đảo! Hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thông của Quân chủng Hải quân!

 Dẫn chúng tôi ra nghĩa trang- nơi có ngôi mộ thờ vọng anh hùng Trần Đức Thông, trong khói hương và sự tĩnh lặng ở nơi dành cho những người trở về cõi vĩnh hằng, chúng tôi hiểu một điều: Gia đình liệt sỹ Thông và nhân dân địa phương lập mộ gió tại quê nhà như lời tri ân và nhắn nhủ đến thế hệ hôm nay và mai sau" đừng bao giờ quên những người giữ biển".

Sự hy sinh của anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông cùng 63 chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa. Để hôm nay, mỗi khi nhắc đến Trường Sa, các con ông vẫn đinh ninh: Cha mình không bao giờ chết.

Chị Trần Thu Hà xúc động kể lại: Đơn vị dù biết chính xác bố chị đã anh dũng hy sinh, nhưng khi cử cán bộ chính sách về thăm gia đình, đồng chí cán bộ ấy vẫn thông báo "Trung tá Trần Đức Thông vì bận công tác xa, nên nhờ đơn vị chuyển về gia đình 21 cân gạo, ba lô, quân trang, tem phiếu". Nghe xong, mẹ con chị ôm nhau khóc. Anh cán bộ chỉ còn biết nắm chặt bàn tay của mẹ chị. Tất cả cùng khóc.

 25 năm đã trôi qua, 64 liệt sỹ, trong đó tỉnh Thái Bình có 8 người con ưu tú đã yên nghỉ vĩnh hằng trong lòng đại dương. Máu của các anh đã hòa cùng sóng nước Biển Đông cuồn cuộn vỗ bờ đất Mẹ ngày đêm không ngưng nghỉ. Nghĩa trang nơi họ nằm là thăm thẳm trùng dương. Bia mộ là những ngọn sóng bạc đầu, là đảo nổi, đảo chìm và những cây phong ba, cây bàng vuông hiên ngang trong bão tố. Tượng đài Tổ quốc ghi công là những cột mốc chủ quyền ở Sinh Tồn, An Bang, Nam Yết, Trường Sa Đông.

Tàu buông neo khơi xa. Giữa một vùng biển sóng. Thả vòng hoa bất tử. Nhớ đồng đội hy sinh.

Thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ công sinh thành, dưỡng dục của những người cha, người mẹ tảo tần đã dâng hiến đứa con yêu để Trường Sa trường tồn trong lòng Tổ quốc.

Đền đáp sự hy sinh anh dũng của những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, bên cạnh sự quan tâm, giúp đỡ về tinh thần và vật chất của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân địa phương đối với thân nhân các liệt sỹ, cứ đến ngày giỗ trận 14/3 hàng năm hay dịp lễ, Tết, những nén tâm nhang lại được thắp lên ở mỗi bàn thờ liệt sỹ Trường Sa. Không thể nói được bằng lời. Tất cả đều im lặng như thể trong thinh không có âm thanh của những người hát bè trầm, vang vọng khúc ca bi tráng. Chúng tôi- những người lính bảo vệ Quần đảo Trường Sa đã hoàn thành nhiệm vụ trước Tổ quốc, trước Đảng và nhân dân. Những người còn sống hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn từng hòn đảo và Quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông mà bao thế hệ người Việt Nam đã phải hy sinh xương máu mới có được. Hãy yêu biển, yêu đảo như yêu máu thịt của mình.

Gặp lại nhân chứng sống

Cuộc chiến đấu của những người  lính biển Việt Nam bảo vệ đảo Gạc Ma tưởng chừng không tìm được nhân chứng thì bất ngờ trên báo Tiền Phong có bài viết và đăng ảnh kèm theo chú thích bên dưới “Sau 25 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, quê xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vẫn đau đáu nỗi niềm với đồng đội”.

Thật là thông tin vô giá! Sau khi liên lạc với Chủ tịch UBND xã Hương Thủy, chúng tôi có được thông tin ban đầu về Lê Hữu Thảo và chuyến hành trình vào quê anh Thảo được tiến hành ngay.

Gặp anh Thảo, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước con người có vóc dáng thư sinh lại là một cựu chiến binh hải quân tham gia chiến đấu tại Gạc Ma và sống sót một cách kỳ diệu.

Tâm sự với chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 mà anh Thảo ở nhờ chị gái và anh rể, anh Thảo chậm rãi kể: 25 năm qua, vì phải bươn chải lo cho miếng cơm, manh áo nên anh chưa giám mơ đến một mái ấm gia đình. Nhưng mỗi khi nhớ đến đồng đội đã hy sinh ở Trường Sa, như Lữ đoàn phó 146 Trần Đức Thông, Trung sỹ Nguyễn Văn Phương ( quê Thái Bình) và những đồng đội khác, nỗi niềm người lính trong anh lại trào dâng.

Lê Hữu Thảo trở thành một trong những nhân chứng biết tường tận sự kiện của cuộc chiến đấu giữ đảo. Với người lính này, được may mắn trở về là do đồng đội  đã giành cho anh từng giây sống. Họ ngã xuống để mãi mãi trở thành bất tử.

Nhưng người cựu chiến binh này còn có thêm một vinh dự đặc biệt. Đó là đúng dịp kỷ niệm 25 năm xảy ra sự kiện Gac-Ma, Lê Hữu Thảo bất ngờ nhận được thiếp chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Người Anh Cả của quân đội gửi. Thế mới biết tấm lòng của Đại tướng thật bao la. Người không bao giờ quên những chiến sỹ đảo Gac-Ma, ngay cả đó là anh lính binh nhì. Khi chúng tôi hỏi anh chi tiết về lời thề giữ đảo, giọng nói cựu chiến binh Trường Sa- Lê Hữu Thảo ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hào sảng: Nói về lời thề giữ đảo ở Gạc Ma thì nó thiêng liêng lắm rồi. Với chúng tôi, đó vừa là lời thề của những người lính Hải quân, vừa là lời thề của mỗi quân nhân. Chúng tôi chỉ mong làm sao đất nước mình giữ yên được biển, bảo vệ được từng hòn đảo. Vì nơi đó đồng đội của chúng tôi đã vĩnh viễn gửi lại máu xương của mình, vì chủ quyền của Tổ quốc.

Thắp lửa truyền thống

 Nguyện vọng của mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Phương, con của anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông ( quê Thái Bình), của những cựu chiến binh bảo vệ đảo Gac Ma như Lê Hữu Thảo hay của những người con trên đất nước Việt Nam này đang và sẽ được lớp lớp thanh niên Việt Nam tiếp lửa truyền thống. Trong hàng nghìn, hàng vạn tân binh lên đường nhập ngũ, nhiều người vinh dự, tự hào được mang trên mình bộ quân phục chiến sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nơi gian khổ sẽ là nơi luyện rèn ý chí sắt đá của người chiến sỹ, là khát vọng cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam.

Mỗi năm có 2 đợt tuyển quân. Nhiều thanh niên Thái Bình đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ và xung phong ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Trong đó, có những người vừa thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng hoặc đã tốt nghiệp Đại học nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, họ cũng gác bút nghiên, gửi lại hậu phương bao dự định để hoàn nghĩa vụ công dân của mình.

Trường Sa- quần đảo tiền tiêu, quần đảo bão tố, quần đảo anh hùng. Nơi đây, những người con đến từ mọi miền của Tổ quốc, nguyện noi gương cha anh đi trước đang ngày đêm chắc tay súng, kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo và thềm lục địa để đất Mẹ Việt Nam mãi trường tồn. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song quân và dân Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà luôn đoàn kết, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó". Đồng thời phấn đấu xây dựng huyện đảo trở thành nơi "vững về kinh tế, mạnh về quốc phòng- an ninh, đẹp về cảnh quan môi trường, xứng đáng là chốt tiền tiêu trấn giữ sườn phía Đông của Tổ quốc Việt Nam".

Biển và đảo có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh trên hướng biển của Tổ quốc. Vì vậy, quanh năm phải chống chọi với những cơn cuồng phong của biển cả nhưng dưới bàn tay và nghị lực của những người người lính, cảnh vật nơi đây vẫn tươi nguyên màu xanh sự sống. Quân và dân Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, kiên trì bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm xây dựng Huyện đảo trở thành khu vực phòng thủ vững mạnh của tỉnh Khánh Hoà và cả nước.

Ngoài nhiệm vụ trực, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang trên đảo còn tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chấp hành pháp luật Nhà nước, tham gia cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời, mềm giẻo nhưng kiên quyết xua đuổi tàu lạ cố tình vi phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trường Sa là nơi rèn luyện và thử thách bản lĩnh của người lính. Vì vậy, càng trong gian khó, hiểm nguy, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" càng ngời sáng.

Trường Sa cũng là điểm đến của nhiều đoàn từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Họ đến đây bằng cả trái tim mình! Những tên đảo như: Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn, Phan Vinh…luôn gắn liền với niềm tự hào và chiến công oanh liệt của những người lính biển.

Với tinh thần "Cả nước vì Trường Sa. Trường Sa vì cả nước", quân và dân Huyện đảo hưởng ứng nhiều phong trào thi đua như: “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, dân vận khéo"; "Không để Tổ quốc quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống"; "Quyết tâm bám biển, làm giàu từ biển"; "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Hơn ai hết, quân và dân Trường Sa hiểu rằng: Đất liền luôn bên cạnh họ. Bởi vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, từng hòn đảo, điểm đảo thiêng liêng của Tổ quốc giữa biển khơi điệp trùng sóng vỗ này phải được  giữ gìn cho hôm nay và mai sau. Điều mà cách đây 5 thế kỷ, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từng cảm khái:

        ... “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ,
         
Đất Việt muôn năm vững trị bình.
        
Chí những phù nguy xin gắng sức,
        
Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”.

Bao đời nay, biển Việt Nam và sóng Việt Nam vẫn thế. Vẫn bao dung, độ lượng như chính dân tộc của một đất nước nơi đầu sóng này. Lặng lẽ vùi sâu những đau thương mất mát, để cho từng con sóng vỗ bờ ngày đêm thì thầm khúc ca bi tráng về những người lính biển Việt Nam.

Phía Đông Tổ quốc là Hoàng Sa, Trường Sa- nơi đón ánh bình minh sớm nhất. Nơi triệu triệu trái tim của con dân đất Việt luôn hướng về phía biển. Trong đó có cả dáng hình của những người mẹ tiễn con, người vợ tiễn chồng ra đi mà không hẹn ngày về. Mặc dù, đợi chờ và hy vọng những đứa con yêu đã làm cho mẹ mòn mỏi. Bước chân không còn theo kịp nhịp điệu thời gian. Mắt không còn tinh anh, diệu vợi. Nhưng mẹ vẫn chờ, vẫn đợi. Bởi con mẹ ngã xuống sau lời thề giữ đảo. Cho hôm nay, Tổ quốc gọi Trường Sa. Để mai sau, lớp lớp nối tiếp nhau. Thề quyết giữ chốt tiền tiêu giữa biển. Hoàng Sa gọi Trường Sa lên tiếng. Có Thuyền Chài, Chữ Thập, Gạc Ma.                                                   

Trần Nam

 

 

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...