Các quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 6/2019

Thứ 6, 31/05/2019 | 15:57:39
1,537 lượt xem

Giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã; cấm nhập khẩu máy móc lạc hậu, gây ô nhiễm; không khóa chân tay của tội phạm vào máy bay khi áp giải… là những quy định đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 6/2019.

1. Giảm số cán bộ, công chức cấp xã

Từ 25/6, Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố sẽ chính thức có hiệu lực.

Theo Nghị định mới, số lượng cán bộ, công chức cấp xã sẽ được giảm xuống. Cụ thể, xã loại 1 có tối đa 23 người (trước đây là 25 người), xã loại 2 tối đa 21 người (trước đây là 23 người) và xã loại 3 có tối đa 19 người (trước đây là 21 người).

Đối với xã, thị trấn bố trí Trưởng công an xã là công an chính quy, số lượng cán bộ, công chức nêu trên giảm 01 người. Theo tìm hiểu, phân loại đơn vị hành chính cấp xã được quy định tại Nghị định số 159/2005/NĐ-CP.

Giảm số cán bộ, công chức cấp xã từ ngày 25/6/2019. Ảnh: Internet

2. Không được khóa chân, tay của tội phạm vào máy bay

Tại Thông tư 13/2019/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/6/2019, Bộ Giao thông Vận tải cho phép các hãng hàng không có thể từ chối chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác. Tiếp đến, hành khách được mang tối đa 01 lít chất lỏng lên các chuyến bay quốc tế; dung tích mỗi bình chứa 100ml và phải được đóng kín hoàn toàn (không áp dụng với sữa dành cho trẻ em trên chuyến bay).

Với người bị bệnh tâm thần, đại diện hãng hàng không quyết định có chuyên chở hay không. Nếu đồng ý, hành khách này phải đáp ứng các yêu cầu như có bác sĩ hoặc thân nhân đi kèm …

Cũng theo Thông tư này, 1 chuyến bay không được chở quá 5 khách thuộc trường hợp là người bị bắt, phạm nhân, dẫn độ… Họ phải bị kiểm soát kể cả trong phòng vệ sinh bởi người dẫn giải; chỉ được ăn uống khi người dẫn giải cho phép. Ngược lại, không được khóa tay chân của đối tượng vào bất kỳ bộ phận nào trên tàu bay;  đối tượng và người áp giải được lên tàu bay trước tiên và xuống sau cùng.

Từ ngày 1/6/2019, Bộ Giao thông Vận tải cho phép các hãng hàng không có thể từ chối chở hành khách mất khả năng làm chủ hành vi do sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích khác. Ảnh: Interrnet

3. Nhiều ưu đãi cho vận động viên có thành tích tốt

Đây là nội dung được tại Nghị định 36/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 14/6 quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Cụ thể, vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ đào tạo nghề.

Riêng vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng tại các cơ sở thể thao; được hưởng 100% lương trong thời gian tập sự…

Nhiều ưu đãi cho vận động viên có thành tích tốt từ ngày 14/6

4. Kiểm tra đột xuất chất lượng nước sạch khi có phản ánh

Từ 15/6, Thông tư 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt chính thức có hiệu lực. Thông tư mới quy định giới hạn cho phép của một số chất vô cơ có trong nước sạch như Clo dưới 1mg/lit; chì 0,01mg/lit; thủy ngân 0,001 mg/lit…

Thông tư cũng nêu rõ phải kiểm tra chất lượng nước định kỳ 1 lần/năm; kiểm tra đột xuất khi xảy ra sự cố môi trường, có phản ánh của người dùng, có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước…

Kiểm tra đột xuất chất lượng nước sạch khi có phản ánh từ ngày 15/6. Ảnh Internet

5. Phạt tối đa 400 triệu đồng về hành vi săn bắn động vật rừng trái phép

Từ 10/6, Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp sẽ có hiệu lực. Theo Nghị định, hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định bị phạt tiền từ 05 - 400 triệu đồng và có thể bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung.

Hành vi đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh có thể bị phạt từ 1,5 - 03 triệu đồng. Các hành vi trái phép chặt, đốt, phát cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc… gây thiệt hại đến rừng sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng.

Phạt tối đa 400 triệu đồng về hành vi săn bắn động vật rừng trái phép từ ngày 10/6. ảnh internet

6. Không nhập khẩu máy móc, thiết bị gây ô nhiễm

Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ được áp dụng từ ngày 15/6/2019. Quyết định này đặt ra một số tiêu chí nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị đã qua sử dụng như tuổi thiết bị không quá 10 năm; một số loại máy móc, thiết bị lĩnh vực cơ khí, sản xuất, chế biến gỗ, sản xuất giấy và bột giấy cho phép có tuổi không quá 15 - 20 năm.

Quy định mới không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong các trường hợp các nước xuất khẩu đã loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường…

Không nhập khẩu máy móc, thiết bị gây ô nhiễm từ ngày 15/6. Ảnh internet

Nguồn Tienphong.vn


  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...