Tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng; Hỗ trợ đào tạo nghề luật sư; Công chức quản lý thị trường phải có thẻ; Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; Sửa đổi lương đối với sĩ quan quân đội... là những quy định sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 9-2016.
Tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng
Hình minh họa.
Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn điều chỉnh lương hưu và trợ cấp sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-9.
Theo đó, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ xã, phường, thị trấn bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trong thời gian từ ngày 1-1-2015 đến trước ngày 1-5-2016 được tăng thêm 8%.
Đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1-1-1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 1-1-2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh thêm 8% mà vẫn thấp hơn 1,15 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,15 triệu đồng/tháng (áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1-1-2016 đến 30-4-2016); thấp hơn 1,21 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,21 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1-5-2016 trở đi.
Hỗ trợ đào tạo nghề luật sư cho xã nghèo
Viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý tại địa phương ít nhất 2 năm kể từ khi đi đào tạo về sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề luật sư.
Mức hỗ trợ là 80 triệu đồng/lớp/trung tâm/năm; hỗ trợ thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý: 20 triệu đồng/trung tâm; chi phí tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở (chi cho báo cáo viên, chi công tác phí, chi hành chính và các chi phí khác theo quy định) là 2 triệu đồng/xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn/lần/năm…
Quyết định 32/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo… có hiệu lực từ ngày 22-9.
Công chức quản lý thị trường đi kiểm tra kinh doanh phải có thẻ
Công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường. Thẻ có thời hạn sử dụng năm năm kể từ ngày được cấp.
Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ mà chưa có quyết định xử lý; tham mưu, ban hành quyết định trái pháp luật; đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo; bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam…, công chức sẽ bị tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường.
Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 8-3-2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9 quy định.
Thời hạn của Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có thời hạn 5 năm. Khi hết thời hạn, cá nhân có nhu cầu hoạt động xây dựng phải làm thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Đối với chứng chỉ hành nghề đã được cấp trước ngày 1/9/2016, được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn; trường hợp không ghi thời hạn hiệu lực, được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 30/6/2018.
Riêng với người nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam dưới 6 tháng, được sử dụng chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, nhưng phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và được công chứng, chứng thực theo quy định.
Thông tư 17/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9 quy định.
Sửa đổi quy định về xếp lương đối với sĩ quan quân đội
Hình minh họa ( Nguồn: internet).
Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan công an nhân dân đã giữ cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ hiện đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe thì được xét nâng lương.
Thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp tướng, cấp tá và đại úy là 4 năm; đối với thượng úy là 3 năm.
Ngoài ra,giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư, nếu chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì giảng viên đó được xếp lên 1 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ.
Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 3 năm để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Nghị định 117/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, có hiệu lực từ ngày 15/9 quy định.
Thaibinhtv.vn sẽ còn tiếp tục cập nhật thông tin đến độc giả.