Khi công dân sử dụng thẻ căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Quy định này sẽ khắc phục tình trạng công dân phải tự chứng minh về nhân thân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Công dân có quyền được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 là hành lang pháp lý cao nhất, tạo bước đột phá quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về dân cư, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, đẩy nhanh lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Luật điều chỉnh, bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý CSDL quốc gia về dân cư bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các quy định pháp luật khác có liên quan, như bảo đảm quyền con người và quyền công dân; công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho công dân; thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, an toàn; duy trì, khai thác, sử dụng hiệu quả và lưu trữ lâu dài.
Cá nhân được bảo đảm bí mật thông tin
Theo Luật, công dân có quyền được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong CSDL quốc gia về dân cư, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định.
Công dân cũng có thể yêu cầu cơ quan quản lý căn cước công dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, công dân cũng phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào CSDL quốc gia về dân cư.
Đồng thời, trách nhiệm của cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư cũng có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc quản lý CSDL quốc gia về dân cư được quy định trong Luật Căn cước công dân như việc thu thập, cập nhật chính xác thông tin về công dân; chỉnh sửa kịp thời khi có căn cứ xác định thông tin chưa chính xác hoặc có sự thay đổi, niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính về CSDL quốc gia về dân cư; bảo đảm an toàn bí mật thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu về công dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các hành vi như sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục, làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân; lạm dụng thông tin về công dân gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm lộ bí mật những thông tin thuộc CSDL quốc gia về dân cư; thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định; truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư… là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật.
Thu thập 15 thông tin về công dân
Để phù hợp với các quy định của Luật Hộ tịch, Luật Cư trú, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin và các quy định pháp luật có liên quan, Luật Căn cước công dân đã điều chỉnh, bổ sung yêu cầu xây dựng CSDL quốc gia về dân cư như: CSDL quốc gia về dân cư được quản lý tập trung, thống nhất và xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật; bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc thu thập, cập nhật, khai thác, sử dụng; bảo đảm kết nối với các CSDL chuyên ngành và bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Các thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào CSDL quốc gia về dân cư theo hướng chỉ thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản, mang tính ổn định, sử dụng thường xuyên trong các thủ tục hành chính, được ghi trong các loại giấy tờ của công dân và dùng chung trong các CSDL có liên quan đến dân cư.
Do vậy, tại Khoản 1, Điều 9 Luật Căn cước công dân đã quy định thông tin về công dân được thu thập, cập nhật trong CSDL quốc gia về dân cư gồm 15 thông tin, giảm 7 thông tin so với quy định tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP. Trong đó, không thu thập, cập nhật 9 thông tin về công dân vào CSDL quốc gia về dân cư là Số định danh cá nhân, ảnh chân dung; CMND; hộ chiếu; thẻ BHYT; mã số thuế cá nhân; trình độ học vấn; trình độ chuyên môn, kỹ thuật và thông tin về nghề nghiệp, nơi làm việc.
Các thông tin về công dân nêu trên được xác định là các thông tin không cơ bản, sẽ được thu thập, cập nhật trong các CSDL chuyên ngành.
Đồng thời, Luật điều chỉnh 4 thông tin về công dân được thu thập, cập nhật, cụ thể:
- Họ và tên điều chỉnh thành họ, chữ đệm và tên khai sinh.
- Nơi sinh điều chỉnh thành nơi đăng ký khai sinh.
- Họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng điều chỉnh thành họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp.
- Họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ, số sổ hộ khẩu điều chỉnh thành thông tin họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ.
Ngoài ra, Luật bổ sung 2 thông tin về công dân được thu thập, cập nhật trong CSDL quốc gia về dân cư, bao gồm: Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật, xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó và thông tin ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích của công dân.
Luật còn điều chỉnh, bổ sung quy định về các hình thức thu thập, cập nhật thông tin vào CSDL quốc gia về dân cư thay cho các hình thức thu thập, cập nhật thông tin không còn phù hợp và thiếu khả thi đã được quy định tại Nghị định số 90/2010/NĐ-CP.
Theo đó, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật vào CSDL quốc gia về dân cư từ tàng thư và CSDL căn cước công dân, CSDL về cư trú, CSDL hộ tịch và CSDL chuyên ngành khác qua việc xử lý chuẩn hóa dữ liệu sẵn có về dân cư.
Trường hợp thông tin, tài liệu quy định tại các hình thức trên chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được thu thập, cập nhật từ công dân.
Tổ chức, cá nhân được khai thác thông tin trong quyền hạn
Các quy định về khai thác thông tin CSDL quốc gia về dân cư được điều chỉnh theo hướng minh bạch, phù hợp với từng đối tượng.
Cụ thể, cơ quan quản lý CSDL chuyên ngành, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Công dân được khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư; tổ chức và cá nhân không thuộc quy định nêu trên có nhu cầu khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý CSDL quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.
Thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư được coi là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Khi công dân đã sử dụng thẻ căn cước công dân của mình, cơ quan, tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong CSDL quốc gia về dân cư.
Việc bổ sung quy định trên sẽ khắc phục tình trạng công dân phải tự chứng minh về nhân thân khi thực hiện các thủ tục hành chính thông qua việc xuất trình, nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các loại giấy tờ.
Kết nối CSDL chuyên ngành với CSDL quốc gia về dân cư
Để khắc phục các tồn tại, bất cập trong việc xây dựng các CSDL chuyên ngành hiện nay, Luật Căn cước công dân đã bổ sung quy định về mối quan hệ giữa CSDL quốc gia về dân cư với các CSDL chuyên ngành.
Theo đó, các CSDL chuyên ngành được kết nối với CSDL quốc gia về dân cư để cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin về công dân quy định tại Khoản 1, Điều 9 của Luật Căn cước công dân.
Thông tin về công dân quy định tại khoản này có trong CSDL chuyên ngành phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác vào CSDL quốc gia về dân cư.
Trường hợp thông tin về công dân trong các CSDL chuyên ngành hoặc giấy tờ đã cấp không phù hợp với thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư thì phải theo CSDL quốc gia về dân cư.
Việc kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin giữa CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL chuyên ngành của các cơ quan, tổ chức phải bảo đảm hiệu quả, an toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Ngoài ra, Luật còn điều chỉnh, bổ sung quy định về số định danh cá nhân nhằm xác định rõ vị trí, vai trò và nguyên tắc quản lý số định danh cá nhân, tránh tình trạng mỗi công dân được cấp hàng chục loại giấy tờ với rất nhiều loại số như hiện nay.
Luật Căn cước công dân ra đời là hành lang pháp lý cao nhất, tạo bước đột phá quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật CSDL quốc gia về dân cư, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, đẩy nhanh lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 về việc phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...