|
Hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh quản lý công chức nhằm hướng tới một nền công vụ năng động, hiệu quả. Ảnh: Bảo Kha |
Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng được mở rộng so với Quyết định số 82/QĐ-BNV ngày 17-11-2004 về tiêu chuẩn giám đốc sở và các chức vụ tương đương thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ và Quyết định số 83/QĐ-BNV ngày 17-11-2004 về tiêu chuẩn vụ trưởng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Cụ thể, đối với bộ, cơ quan ngang bộ, bổ sung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cho 8 đối tượng gồm: Thứ trưởng, tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng, phó vụ trưởng cấp bộ, vụ trưởng và phó vụ trưởng cấp tổng cục, trưởng phòng và phó trưởng phòng của tổ chức thuộc bộ. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, bổ sung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo cho 5 đối tượng là: Phó giám đốc sở, trưởng phòng và phó trưởng phòng thuộc sở, trưởng phòng và phó trưởng phòng cấp huyện. Ngoài các tiêu chuẩn chung, mỗi chức danh quản lý nêu trên có 4 tiêu chuẩn về: Vị trí và chức trách; năng lực và kinh nghiệm công tác; hiểu biết; trình độ.
Nhận xét về dự thảo nghị định, nhiều chuyên gia cho rằng, nghị định đã đề cập rộng hơn về đối tượng và chi tiết hơn về các tiêu chuẩn. Điều này giúp các cơ quan bổ nhiệm có sự lựa chọn rộng hơn cho quá trình bổ nhiệm. Cụ thể như cấp vụ trưởng, trước đây trong Quyết định 83/2004/QĐ-BNV chỉ nêu chung chung là "thành thạo một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ C" thì dự thảo nghị định đã nêu chi tiết: "Sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ trung cấp bậc 4 trở lên. Đối với một số ngành, lĩnh vực có thể thay thế ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số". Bên cạnh đó, quy định trong dự thảo cũng có điểm "mở" hơn so với trước đây, như trong tiêu chuẩn chức danh giám đốc sở và phó giám đốc sở yêu cầu trình độ "Tốt nghiệp đại học trở lên", còn trước đây là "Tốt nghiệp đại học phù hợp với chuyên ngành công tác". Tùy vị trí đòi hỏi thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc sự nghiệp công lập từ 3 đến 5 năm trở lên và đảm nhiệm chức vụ phù hợp với tiêu chuẩn chức danh. Một điểm mới nữa của dự thảo nghị định lần này là không quy định về tuổi bổ nhiệm lần đầu đối với các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước (trong khi tại Quyết định số 82/QĐ-BNV và Quyết định số 83/QĐ-BNV đều thống nhất quy định "tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với nữ").
Thực tế thời gian qua đã có một số bộ, ngành, địa phương bổ nhiệm cán bộ sai như: Chưa bảo đảm đủ điều kiện về thời gian công tác, chứng chỉ nghiệp vụ, năng lực trình độ... Vì vậy, dự thảo nghị định mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhưng cụ thể hơn về các yêu cầu là điều cần thiết. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều bộ, ngành, địa phương áp dụng hình thức thi tuyển chức danh lãnh đạo, do đó, việc quy định rõ ràng về tiêu chuẩn chức danh sẽ có thêm căn cứ lựa chọn người có đức, có tài. Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" đã nêu rất nhiều việc phải làm và Bộ Nội vụ đang tập trung vào các nội dung như xác định vị trí việc làm, xây dựng tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức và các chức danh lãnh đạo, quản lý… nhằm phục vụ tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Cùng với các quy định, tiêu chuẩn đối với mỗi chức danh thì sự minh bạch, khách quan trong từng quy trình bổ nhiệm hay thi tuyển là điều quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ.
Dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước sẽ được lấy ý kiến góp ý đến hết ngày 3-8-2014 để nghiên cứu, chỉnh sửa trước khi trình Chính phủ. Nghị định được Chính phủ thông qua thì Quyết định số 82/QĐ-BNV ngày 17-11-2004 và Quyết định số 83/QĐ-BNV ngày 17-11-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ bị bãi bỏ. Đây là lúc để mỗi tổ chức, cá nhân thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp ý kiến xây dựng nghị định, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp.