Trang SecurityDaily cho rằng, 1937cN chính là nhóm hacker Trung Quốc tấn công hàng trăm website của Việt Nam. Nhóm này đã lập ra 1 trang web nhằm kêu gọi và kích động hacker Trung Quốc tấn công website Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng tại biển Đông.
Theo ông Nguyễn Minh Đức - một chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng tại Việt Nam, việc hacker Trung Quốc tấn công website Việt Nam đã diễn ra nhiều lần trong vài năm trở lại đây. Để phòng tránh, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cần trang bị, cài đặt các hệ thống và giải pháp chống mã độc, rà soát lại hệ thống máy tính; đối với cá nhân thì nên trang bị phần mềm diệt virus và an ninh mạng. Bởi việc phát tán mã độc của hacker Trung Quốc chủ yếu thông qua con đường gửi các file .doc, .pdf, vì thế theo ông Đức, người dùng không nên mở các thư lạ và file văn bản khi có nghi ngờ, trong trường hợp phải mở thì có thể dùng Google Docs, SkyDrive để tận dụng khả năng bảo mật của các tập đoàn công nghệ hàng đầu chống lại sự xâm nhập và tấn công.
Các cuộc tấn công mạng từ hacker Trung Quốc gần đây thường diễn ra cùng với sự căng thẳng về ngoại giao hay xâm phạm lãnh thổ do quốc gia này gây ra. Tuy nhiên theo các chuyên gia bảo mật Việt Nam, qua những lần các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng máy tính, hệ thống mạng và website bị tấn công như vậy, sẽ giúp cho nhận thức về bảo mật được nâng cao và có sự trang bị bảo vệ cần thiết. Việc bảo vệ các tài liệu và dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam trong lúc này cũng rất quan trọng và cần sự cảnh giác cao độ để tránh để tài liệu rơi vào hacker Trung Quốc.
Vì thế, theo khuyến cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), các cơ quan Nhà nước không nên gửi văn bản “bằng các hòm thư công cộng mà phải dùng hòm thư điện tử của đơn vị mình”. Đối với cá nhân khi nhận được email từ các địa chỉ Gmail, Yahoo... cần cảnh giác, trong trường hợp nghi ngờ thì nên liên lạc với quản trị mạng hay người gửi để xác thực.
Theo: Laodong.com.vn