Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững: Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp

Thứ 2, 24/06/2019 | 07:34:21
854 lượt xem

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu nước ta, vào cuối thế kỷ XXI, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng từ 10 - 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và GDP có thể tổn thất khoảng 10% do biến đổi khí hậu.

Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách và hành động quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững về ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp.

Giảm phát thải từ phương thức tự nguyện sang bắt buộc

Năm 2015 là dấu mốc quan trọng đối với Trái Đất, ngôi nhà chung của các quốc gia, khi Liên Hợp Quốc thông qua Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững với 17 Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững về ứng phó với biến đổi khí hậu (SDG13). Cũng tại thời điểm này, Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo, nồng độ khí nhà kính trong khí quyển đã vượt qua ngưỡng 400 phần triệu thể tích. Trong khi đó giới hạn an toàn của chỉ số này là 350 phần triệu thể tích.

Tại Việt Nam, khi tham dự Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững tháng 12.2018 ở Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu nước ta, vào cuối thế kỷ XXI, nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng từ 10 - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và GDP có thể tổn thất khoảng 10% do biến đổi khí hậu. Bởi vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức trong quá trình thực hiện SDG13.

Cụ thể, nước ta sẽ phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo cam kết, từ năm 2021, chuyển từ phương thức tự nguyện sang phương thức bắt buộc thực hiện. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của nước ta cần được duy trì ở mức cao, kéo theo nhu cầu lớn về năng lượng. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với nước ta khi mà trình độ công nghệ sản xuất còn thấp, mức tiêu hao năng lượng và tài nguyên còn lớn, nguồn lực còn hạn chế.

 Nước ta cũng phải giải quyết vấn đề gia tăng phát thải khí nhà kính do năng lượng tái tạo chưa phát triển (hiện chỉ chiếm khoảng 5% tổng năng lượng sơ cấp), trong khi các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí… vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn, ước tính, đến năm 2030, điện từ than vẫn chiếm khoảng 50% trong cơ cấu điện năng…

Bảo đảm tính liên ngành, liên vùng, liên khu vực

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách và hành động quan trọng về ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện SDG13, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. QH ban hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2014, trong đó có một chương riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu. Mới đây là Luật Khí tượng thuỷ văn quy định chi tiết về vấn đề biến đổi khí hậu. UBTVQH cũng đã ban hành Nghị quyết 853/NQ-UBTVQH13 về kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; các Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh; Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Kế hoạch triển khai Thoả thuận Paris tại Việt Nam.

 Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã sớm gia nhập Công ước Khí hậu, Nghị định thư Kyoto; sớm tham gia và phê duyệt Thỏa thuận Paris và là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực sớm đề ra lộ trình, giải pháp thực hiện Thỏa thuận Paris phù hợp với bối cảnh, tình hình trong nước, nỗ lực cùng cộng đồng thế giới giải quyết một trong những thách thức to lớn, đe dọa đến sự tồn vong của nhân loại. Việt Nam cam kết đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước, sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thể đạt 25% nếu nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Trong thời gian tới, để đóng góp nhiều hơn vào việc thực hiện SDG13, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khuyến nghị, cần tăng cường vai trò lập pháp của QH trong rà soát, ban hành và ban hành bổ sung chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu bảo đảm một hệ thống chính sách và pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, nhất quán, hài hoà với quy định quốc tế và phù hợp với điều kiện quốc gia. Trong quá trình xem xét, phê chuẩn các chương trình, kế hoạch phát triển KT - XH đất nước, các quy hoạch chuyên ngành, QH, Chính phủ, các bộ, ngành phải tính toán đặt trong bối cảnh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có SDG13, bảo đảm tính liên ngành, liên vùng, liên lĩnh vực, thậm chí liên khu vực về thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tăng cường hợp tác với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cũng như QH, nghị viện các nước trong việc giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm trong thực thi chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các trách nhiệm, nghĩa vụ đã nêu tại Công ước Khí hậu, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris, trong đó dành ưu tiên quan tâm đến các nhóm nước đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động do biến đổi khí hậu như Việt Nam.

Trong phân bổ nguồn lực quốc gia, cần chủ động hơn về nguồn lực để thực hiện những đóng góp do Việt Nam đã cam kết theo Thỏa thuận Paris. Đồng thời, ban hành cơ chế huy động nguồn lực bao gồm cả nguồn tài chính từ khu vực nhà nước và doanh nghiệp ở cả cấp quốc gia và quốc tế; tập trung khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, của khối doanh nghiệp để thực hiện thành công SDG13.

Theo daibieunhandan.vn 

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...