Tọa đàm sự chuyển dịch năng lượng xanh

Thứ 3, 20/11/2018 | 10:35:55
722 lượt xem

Khi đặt sự hài hòa giữa nhu cầu năng lượng với bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân là mục tiêu rõ ràng, chúng ta cần xem xét phát triển các nguồn năng lượng một cách cân bằng hơn; xem xét tỷ trọng phù hợp của nhiệt điện than với năng lượng tái tạo… Đây cũng chính là ý kiến nhiều đại biểu dự Tọa đàm “Nhiệt điện than và vấn đề an ninh năng lượng, môi trường và sức khỏe con người”.

Toàn cảnh tọa đàm: “Nhiệt điện than và vấn đề an ninh năng lượng, môi trường và sức khỏe con người”.

An ninh năng lượng là vấn đề quan trọng hàng đầu với mỗi quốc gia. Theo chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, an ninh năng lượng trước hết phải đủ, tin cậy, ổn định. Thứ hai là giá năng lượng có khả năng chấp nhận được. Thứ ba, an ninh ngắn hạn không đặt vấn đề môi trường cao, nhưng an ninh dài hạn buộc phải nghiên cứu về vấn đề môi trường. Vậy, theo những tiêu chí ấy, thì Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh), đến năm 2030, công suất của nhiệt điện than là 55.252MW, với tổng sản lượng điện sản xuất 304.478 triệu kWh, bảo đảm tỷ trọng trong tổng sản lượng điện sản xuất là 53,2%. Như vậy, nhiệt điện than là vô cùng quan trọng đóng góp cho an ninh năng lượng quốc gia.

Đặt vấn đề phát triển nhiệt điện than bên cạnh yêu cầu về an ninh năng lượng, môi trường, sức khỏe người dân là cách tiếp cận khách quan. Tuy nhiên, bất kể an ninh gì thì cũng luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) Nguyễn Trọng An, các chính sách của chúng ta rõ ràng, nhất quán không đánh đổi vấn đề môi trường, sức khỏe với các vấn đề kinh tế. Trong an ninh năng lượng vấn đề đầu tiên vẫn là an toàn sức khỏe. Đây là điều các nhà hoạch định chính sách phải đặt lên bàn cân và tính toán kỹ.

Thách thức nào cho nhiệt điện than ?.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam Trương Duy Nghĩa có 2 thách thức. Một là, để cho người dân hiểu đúng về nhiệt điện than (về công nghệ, lộ trình phát triển, tác động môi trường…) cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Đây là thách thức lớn. Hai là, vấn đề kinh phí. Mỗi một năm đầu tư nhiệt điện than ít cũng phải 8 -12 tỷ USD. Nhìn nhận về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, vấn đề môi trường do nhiệt điện than gây ra tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân, do vậy họ phản ứng là có lý do. Vì vậy, chúng ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào cho ổn thỏa. Tại diễn đàn QH kỳ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về xử lý chất thải nói chung. Nhu cầu hiện mới chỉ bằng 1/3 thực tế giải quyết được nên rất khó khăn trong xử lý.

Trả lời câu hỏi đặt ra tại sao các nước phát triển họ giảm dần nhiệt điện than, ông Nguyễn Trọng An cho rằng, một nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than gây ra tại Đông Nam Á cho biết số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca năm 2011 lên đến 15.700 ca năm 2030. Đây là một tài liệu có uy tín được công bố vào tháng 1.2017, là một nghiên cứu có giá trị tham khảo rất lớn.

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Đa dạng các loại hình năng lượng ở Việt Nam không chỉ than, mà còn là nguyên liệu hóa lỏng, sinh học… - PGS.TS. Bùi Thị An, ĐBQH Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng đề nghị. Bà nhấn mạnh trong phát triển nguồn năng lượng cần cạnh tranh bình đẳng, không nên độc quyền. Trong quá trình làm chính sách, phải dự báo kết quả hệ lụy trung thực, minh bạch. Cần đa dạng hóa các loại hình năng lượng, hỗ trợ các năng lượng mới thậm chí có thể đắt nhưng có lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước vẫn phải làm.

Chia sẻ về năng lượng tái tạo, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, ĐBQH, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết: Năm 2004, tham dự Hội nghị thế giới về năng lượng tái tạo ở CHLB Đức. Họ đưa ra khẩu hiệu 20 - 20 nghĩa là năm 2020 giảm 20% khí thải nhà kính và nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo lên 20% trên tổng sơ đồ điện. Đến năm 2018, CHLB Đức đã đạt trên 20% năng lượng tái tạo. Tương lai con người sẽ phụ thuộc vào năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, sóng biển, thủy triều…

Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tuy nhiên, việc phát triển đó còn chuyển biến chậm. EVN hay PVN chưa có quyết tâm phát triển năng lượng tái tạo. Trong khi đó, phát triển năng lượng tái tạo cần vốn lớn, đầu tư lâu dài vì nếu không nắm được công nghệ, không tham gia vào chuỗi công nghệ toàn cầu thì giá thành sẽ cao. 

Theo: daibieunhandan.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết
Quốc hội thảo luận về các dự thảo Nghị quyết

Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...