Mô hình xử lý rác thải bằng lò đốt tại Thái Thụy

Thứ 5, 20/08/2015 | 08:36:07
2,756 lượt xem

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay, trung bình mỗi ngày có hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt phát sinh tại khu vực nông thôn. Làm thế nào để xử lý lượng rác này một cách khoa học nhưng không quá tốn kém và phức tạp. Đây là bài toán khó với các địa phương. Thời gian qua, huyện Thái Thụy đưa công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt vào triển khai tại một số xã trên địa bàn. Các lò đốt rác đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết vấn đề môi trường tại các địa phương.

* Lò đốt rác công nghệ nước ngoài

  

Lò đốt rác tại xã Thụy Phúc

Hiện nay, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình mới có xã Thụy Phúc sử dụng lò đốt rác theo công nghệ Hàn Quốc. Lò đốt rác đã đi vào hoạt động đến đến nay đã được gần 2 năm. Với công suất 550 kg rác/giờ, mỗi tuần lò chỉ cần hoạt động 2 ngày, mỗi ngày 8 tiếng là có thể xử lý triệt để lượng rác thải sinh hoạt của người dân. Ưu điểm của loại lò đốt này là sử dụng khí tự nhiên làm nguyên liệu, địa phương không phải tốn nhiều chi phí cho xăng dầu hoặc tiền điện để phục vụ hoạt động của lò. Lò có hệ thống lọc bụi theo công nghệ tiên tiến, giảm bớt lượng khói ô nhiễm thải ra môi trường.

Dù có nhiều ưu điểm, nhưng hiện nay, các địa phương còn lại  trong huyện Thái Thụy chưa triển khai là do kinh phí đầu tư quá cao. Chỉ tính riêng giá tiền lò và số tiền để nhập khẩu lò đốt từ Hàn Quốc về đến xã đã lên tới 2,7 tỷ đồng. Khi bắt tay vào xây dựng lò đốt năm 2013, dù đã được tỉnh hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, nhưng Thụy Phúc vẫn phải bỏ ra hơn 3 tỷ vừa bù thêm để mua lò, vừa hoàn thành các công trình phụ trợ như tường bao, nhà giám sát,...  Ông Đàm Xuân Lượng - Chủ tịch UBND xã Thụy Phúc chia sẻ: “Chúng tôi trước hết huy động bằng nhận thức, tiếp theo, bằng nguồn lực của các con em ở địa phương. Có thể mỗi con em đi công tác ở xa đóng góp một phần cho địa phương, cùng ngân sách địa phương, cùng ngân sách  Nhà nước chúng tôi đã hoàn thành việc xây dựng lò đốt.”

“Lò đốt rác nội” - Lời giải cho bài toán về kinh phí

Không phải xã nào cũng có khả năng huy động sự đóng góp của người dân và đầu tư ngân sách lên tới hàng tỷ đồng để xây dựng lò đốt rác như Thụy Phúc. Việc tìm ra loại lò đốt phù hợp điều kiện kinh tế nhưng vẫn giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường từng là bài toán khó đối với các địa phương. Gần đây, bài toán này đã có lời giải khi Sở TN&MT và Sở KH&CN tỉnh Thái Bình phối hợp với Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình nghiên cứu, chế tạo loại lò đốt sử dụng công nghệ hiện đại nhưng giá thành thấp hơn rất nhiều so với các loại lò ngoại nhập.

Đây là mô hình xử lý rác liên xã đầu tiên được triển khai ở Thái Thụy. Tổng kinh phí đầu tư cho khu xử lý với diện tích gần 9.000 m2 khoảng 4,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua lò đốt là 1,3 tỷ đồng. Số tiền còn lại để xây dựng tường bao, nhà giám sát, đào 3 ao xử lý rác dễ phân hủy và 1 bể chôn lấp tro sau khi đốt. Với công suất lên tới 700 – 1.000 kg rác/giờ, lò đốt mỗi ngày xử lý 15 khối rác thải của cả 3 xã: Thái Xuyên, Mỹ Lộc và Thái Tân. Các xã này chọn ra 6 thành viên tổ xử lý rác làm việc tất cả các ngày trong tuần. Trong đó, một thành viên đảm nhận việc quản lý, vận hành lò. Các thành viên còn lại làm nhiệm vụ phân loại rác. Từ ngày lò đi vào hoạt động, việc đảm bảo vệ sinh môi trường của các xã có nhiều đổi thay đáng kể. Ông Vũ Văn Dưỡng - Tổ trưởng tổ xử lý rác thải xã Thái Xuyên cho biết: “ Nếu để trước kia chôn lấp một năm có thể tương đương 500 m2. Trong một ngày, một xe chôn lấp xuống dưới ao tương đương 5 khối thì bây giờ đốt và chôn xuống ao chỉ 1 tạ thôi.”

 

Phân loại xử lý rác đưa vào dây chuyền

Bên cạnh mô hình lò xử lý rác thải liên xã, Thái Thụy còn 4 xã đang áp dụng công nghệ lò đốt của Công ty Cổ phần Cơ khí và Xây lắp Thái Bình. Trong đó, một xã đã đưa lò đốt vào vận hành và 3 xã dự kiến sẽ xây xong và hoạt động trong tháng 11 năm nay. Các xã này sử dụng loại lò có công suất nhỏ, mỗi lò khoảng 300 – 500 kg rác/giờ, phù hợp xử lý rác cho một địa phương. Với loại lò này, tổng đầu tư của 1 xã vào khoảng 1,5 tỷ đồng. Tính riêng kinh phí mua lò đốt chỉ 500 triệu đồng. So với lò công nghệ nước ngoài, con số này nhỏ hơn tới 5 lần. Về hiệu quả hoạt động, lò đốt cũng cơ bản sử dụng khí tự nhiên, không tốn quá nhiều chi phí xăng dầu. Đây là loại lò đốt đang được huyện Thái Thụy khuyến khích triển khai tại các địa phương.

 Lò đốt do Công ty cổ phần Cơ khí xây lắp của Thái Bình sản xuất và lắp đặt thì phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ưu điểm nữa là lò đốt này tiết kiệm được quỹ đất của các địa phương. Nó xử lý tương đối triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường.” Ông Phạm Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy cho biết.

Thực tế hiện nay, huyện Thái Thụy vẫn còn 7 xã có khu xử lý rác tập trung nhưng đang áp dụng hình thức chôn lấp. Dù nhiều xã đã có những biện pháp sáng tạo như sử dụng quy trình “ Phơi rác – đốt rác – chôn lấp tro”  để giảm thiểu tối đa diện tích chôn lấp hàng năm. Nhưng các công đoạn này hoàn toàn làm thủ công, không đảm bảo tính ổn định về công suất nên đây vẫn chỉ được xem như phương án tạm thời. Các xã còn lại trên địa bàn huyện hầu hết đều đã quy hoạch khu xử lý rác nhưng lại chưa xây dựng hoàn chỉnh, chủ yếu chỉ coi đó là địa điểm để người dân đổ rác tập trung, chứ chưa áp dụng công nghệ hoặc biện pháp nào xử lý triệt để. Đây là nguyên nhân khiến môi trường đất, nước, không khí ở những xã này có nguy cơ ô nhiễm cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cảnh quan môi trường nông thôn. Bởi vậy, việc tiếp tục nhân rộng công nghệ lò đốt rác đang là mục tiêu được huyện Thái Thụy tập trung thực hiện.  Xã Thái Thủy là một trong số địa phương đang áp dụng hình thức chôn lấp rác tại các khu tập trung, ông Hoàng Hữu Khu - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết dự định tương lai trong vấn đề xử lý rác thải như sau: “ Hiện nay, địa phương đã có quy hoạch điểm thu gom rác thải là 1,2ha. Nhưng phương pháp chôn lấp không phải tối ưu. Phương pháp tối ưu của địa phương là tiếp tục phát động bà con nhân dân tổ chức biện pháp lò đốt. Địa phương sẽ dành một nguồn kinh phí để tiếp thu mô hình này để nó thuận lợi hơn cũng như giảm bớt những ô nhiễm môi trường.

Hiệu quả mà công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt mang lại đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn của huyện Thái Thụy. Đảm bảo cho việc xử lý rác thải mang tính ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường xung quanh, ông Phạm Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Thái Thụy cho biết:Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh và của các cơ quan có thẩm quyền, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND huyện có những cơ chế của huyện đầu tư và hỗ trợ cho các xã tập trung vào xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ lò đốt. Đặc biệt, những xã do điều kiện về quỹ đất không thể bố trí đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải đảm bảo khoảng cách cự ly đến khu dân cư gần nhất, sẽ hướng cho các xã liên kết với nhau đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ lò đốt.”

Giải quyết vấn đề môi trường không phải là "chuyện nhỏ". Do vậy,  bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt, sự quan tâm của các địa phương cùng ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.

  Hà My

 

 

 

 

 

 

 

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...