Ô nhiễm môi trường ở nông thôn

Thứ 3, 14/10/2014 | 08:23:40
2,777 lượt xem

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay đã và đang trở thành một xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tại nhiều khu vực nông thôn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.

Ống khói của nhà máy ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến  môi trường. Ảnh: ÐỨC ANH
Ống khói của nhà máy ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh)
gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Ảnh: ÐỨC ANH


Bộ mặt nhiều vùng nông thôn ở Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Tại các vùng nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng, các làng ghề thủ công, làng nghề truyền thống phát triển một cách nhanh chóng, qua đó góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, cũng như giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực này. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng nhanh; sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với nguồn tài nguyên nước trong vùng lãnh thổ. Môi trường nước ở nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề ngày càng bị ô nhiễm bởi khí thải, chất rắn do không có công trình và thiết bị xử lý chất thải đồng bộ...

Trong sản xuất nông nghiệp, do việc lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, các nguồn nước ở sông, hồ, kênh mương bị ô nhiễm đã ảnh hưởng lớn đến môi trường nước và sức khỏe người dân. Việc nuôi trồng thủy sản ồ ạt, thiếu quy hoạch, không tuân theo quy trình kỹ thuật cho nên đã gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường nước. Cùng với việc sử dụng nhiều và không đúng cách các loại hóa chất trong nuôi trồng thủy sản khiến các thức ăn lắng xuống đáy ao, hồ, lòng sông làm cho môi trường nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, dẫn đến phát triển một số loài sinh vật gây bệnh và xuất hiện một số tảo độ, thậm chí đã xuất hiện thủy triều đỏ ở một số vùng ven biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng đang làm việc, sinh sống tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao, người dân ở nông thôn chưa có ý thức bảo vệ môi trường (BVMT). Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, việc xả nước, xả rác thải; sử dụng nước không hợp vệ sinh, việc đầu tư các công trình phục vụ đời sống và sức khỏe (bể nước, cống rãnh thoát nước, nhà vệ sinh...); việc tham gia công tác BVMT cộng đồng còn rất nhiều hạn chế, nhất là trong hoạt động quản lý, BVMT còn bất cập. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ BVMT chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân như thế nào. Ðội ngũ cán bộ quản lý môi trường vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở pháp lý, nguồn ngân sách đầu tư cho BVMT chưa đáp ứng được yêu cầu, còn đầu tư dàn trải và thiếu hiệu quả; cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm một cách rõ ràng.

Kết quả "Nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm a-sen trong nguồn nước ăn uống, sinh hoạt tới sức khỏe, bệnh tật của cộng đồng dân cư vùng đồng bằng sông Hồng và biện pháp khắc phục", do Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường thực hiện cho thấy: Trong số hơn bốn nghìn đối tượng (nam, nữ) đã sử dụng nước giếng khoan trong hơn ba năm (có nhiễm chất a-sen) để ăn, uống và tắm giặt đã phát hiện được 60 trường hợp nhiễm độc a-sen mạn tính (chiếm tỷ lệ 1,62%), trong tổng số người sử dụng nước ô nhiễm a-sen và chủ yếu phân bố ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội (7,25%), Vĩnh Phúc (4,98%), Nam Ðịnh (4,5%)... Một số bệnh có tính chất di truyền, tại các khu vực nông thôn hiện nay ở nước ta đã và đang xuất hiện nhiều loại bệnh tật có tính chất lây lan, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người dân như dịch tả, uốn ván, bệnh ngoài da, ung thư...

Ðể giảm những tác động từ ô nhiễm môi trường đến sức khỏe người dân đang sinh sống ở các vùng nông thôn hiện nay, thiết nghĩ chúng ta cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương khác nhau, cho nên mức độ ô nhiễm môi trường cũng khác nhau, do vậy việc cấp bách hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại khu vực này, để qua đó xác định được các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm nhằm có các biện pháp khắc phục phù hợp và kịp thời.

Cần chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, bảo đảm tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp, nhất là tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở một số địa phương thời gian qua. Ðối với các khu công nghiệp đóng trên địa bàn các vùng nông thôn hiện nay, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được cấp phép hoạt động; đồng thời bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường...

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT, trong đó cần chú trọng việc xây dựng các chế tài xử phạt phải thật sự đủ mạnh để đủ sức răn đe các đối tượng vị phạm. Tiếp tục ban hành và thể chế hóa các luật có liên quan đến công tác BVMT tại các khu vực nông thôn, đồng thời tiến tới xây dựng luật riêng về lĩnh vực này. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội, nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật BVMT, trách nhiệm xã hội của người dân và doanh nghiệp đối với công tác này...

PGS,TS PHẠM CÔNG NHẤT

Nhandan.com.vn

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...