Nam Bộ hứng đợt triều cường lịch sử

Thứ 3, 01/10/2019 | 21:19:46
857 lượt xem

Trong những ngày qua, nhiều tỉnh, thành khu vực Nam Bộ đã bị ảnh hưởng nặng nề của đợt triều cường cuối tháng 9 – đầu tháng 10. Tại TP.HCM, triều cường đã đạt mức kỷ lục mới, trong khi với nhiều địa phương ĐBSCL, đây là đợt triều cường lớn nhất trong hơn 40 năm qua.

Nhà cửa ngập… ngõ hẻm ngập… đường phố ngập… là tình cảnh tại TP.HCM trong những ngày qua khi triều cường dâng cao kỷ lục đạt mức 1m75, vượt kỷ lục cũ 1m71.

Từ trung tâm quận 1, đến khu đô thị mới – đẳng cấp quận 2, và vùng ven, ngoại thành… triều cường dâng cao đã khiến việc sinh hoạt, đi lại, mua bán của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa kể nguy cơ mắc bệnh do nước ô nhiễm.

Bà Lê Thị Mậu, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM:

 "Nước nó tấn vô trong nhà ngập hết đồ đạc, nhà cửa."






Ngập từ đường làng ngõ xóm ra tới đường phố, quốc lộ cũng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành Nam Bộ như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang… Tại Cần Thơ, triều cường lên mức lịch sử 2m25 khiến nhiều tuyến đường nội đô ngập nặng, nước cũng tràn qua đê bao gây ngập nhà cửa, vườn cây nhiều khu vực đất cồn, ven sông. Cuộc sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân bị xáo trộn.

Ông Thạch Sol, cồn Khương, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ: 

"Triều cường lên đột ngột quá nên cây cối, nhà cửa bị ảnh hưởng rất nhiều, Tôi trồng rau cải ở đây coi như hư hết 100%."




Ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng dự báo – Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ: "Năm 2018 thì cũng đợt đầu tháng 9 âm lịch như vậy triều cường đã đạt vượt mức lịch sử 40 năm, tức giai đoạn 1977 – 2017. Và tới đợt triều cường này thì đã vượt mức lịch sử của năm 2018, tức là triều cường rất cao."

Càng ngày triều cường càng gây ngập nặng hơn. Theo các chuyên gia, đợt này do lũ thượng nguồn sông Hậu và sông Tiền đang trong giai đoạn đạt đỉnh, kết hợp với triều cường cao nên gây ngập tại Tây Nam Bộ. Trong khi đó, triều cường tại TP.HCM gây ngập nặng một phần là do tình trạng sụt lún của thành phố trong thời gian qua, cùng với diện tích kênh rạch ngày càng bị thu hẹp. Chưa kể còn do tác động từ việc quy hoạch, xây dựng, chống ngập chưa bài bản.

Ông Chu Chí Cẩm, phường 16, quận 8, TP.HCM: "Công trình này mong thành phố đốc thúc, xúc tiến xong sớm để cho bà con đỡ bị ngập."

Triều cường vốn dĩ là chuyện “đến hẹn lại lên” với khu vực Nam Bộ. Việc nhiều địa phương và người dân trở tay không kịp với đợt triều cường này cho thấy công tác dự báo và thông tin dự báo chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng dự báo – Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ: 

"Năm nào các tháng cuối năm thì triều cường cũng lên cao, nên chúng tôi luôn chủ động theo dõi để cảnh báo cho bà con trong thời gian từ 5-6 ngày trước khi triều cường để có tính chính xác cao nhất để cho các địa phương và bà con phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng bởi triều cường."

Triều cường liên tiếp lập kỷ lục mới cũng đồng thời cho thấy ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng rõ rệt với Nam Bộ. Để ứng phó với các đợt triều cường sắp tới đây, còn rất nhiều việc mà người dân và các địa phương Nam Bộ sẽ phải khẩn trương ngay từ bây giờ.

Theo TTXVN

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...