Ba nguyên nhân khiến ngoại thành Hà Nội ngập 10 ngày nay

Thứ 4, 01/08/2018 | 15:35:44
472 lượt xem

Mưa to trên lưu vực sông Bùi khiến nước dồn về, ứ đọng ở huyện Chương Mỹ mà không thể thoát ra các sông khác.

Cách trung tâm thủ đô khoảng 30 km, từ ngày 22/7 đến nay, huyện Chương Mỹ có hơn 3.600 hộ dân bị ngập 0,5-2 m, tập trung ở các xã Tốt Động, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến và thị trấn Xuân Mai. Khoảng 5.000 người dân ở khu vực ngập sâu đã phải sơ tán đến nơi an toàn.

11h ngày 30/7, mực nước sông Bùi trên mức báo động 3 (mức nguy hiểm nhất), uy hiếp nhiều tuyến đê. Đê sông Bùi, sông Đáy đi qua Chương Mỹ đã xảy ra nhiều sự cố sạt lở, rò rỉ, bục thân khiến nước tràn vào làng xã. Nhiều ngày nay, hàng nghìn công an, bộ đội được huy động 24/24h để bảo vệ các tuyến đê này. 

Nhiều người dân không hiểu vì sao trong khi phần lớn dân cư thủ đô không chịu ngập quá nửa ngày thì Chương Mỹ lại kéo dài như vậy?

Hàng nghìn người chịu ảnh hưởng do ngập úng

Mưa lớn trên lưu vực sông Bùi

Sông Bùi dài 91 km, bắt nguồn từ xã Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình), chảy qua Chương Mỹ (Hà Nội), cùng với sông Tích hợp lưu vào sông Đáy tại xã Phúc Lâm, huyện Chương Mỹ. Diện tích lưu vực sông Bùi hơn 1.240 m2. 

Cơ quan khí tượng cho biết, do tác động của dải hội tụ nhiệt đới, ngày 18-21/7 lưu vực sông Bùi mưa rất to, tới 300-400 mm. Ngày 27-29/7, khu vực này tiếp tục hứng lượng mưa gần 400 mm. 

Mưa to trong thời gian ngắn khiến nước từ thượng nguồn sông Bùi từ Hòa Bình đổ về vùng thấp hơn là Chương Mỹ, kết hợp với mưa tại chỗ khiến các xã vùng trũng như Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến ngập sâu. 

Đê tả Bùi được hàng nghìn người ngày đêm gia cố

Chương Mỹ chịu tác động của nhiều sông  

Trong điều kiện không còn mưa to như ba hôm nay, huyện Chương Mỹ sẽ giảm ngập nếu lũ sông Bùi rút nhanh. Tuy nhiên, nước rút rất chậm. Đỉnh lũ sông Bùi tại xã Tốt Động đạt 7,44 m vào sáng 30/7, sau hai ngày mới rút 15 cm, vẫn vượt báo động 3.

Theo nhiều chuyên gia thủy văn, khả năng thoát lũ của sông Bùi phụ thuộc vào sông Đáy và Hoàng Long (Ninh Bình). Do nước sông Bùi đổ ra sông Tích và từ đây dẫn ra sông Đáy. Nước sông Đáy đổ ra sông Hồng và Hoàng Long.

Tuy nhiên, lưu vực hai sông Đáy và Hoàng Long mấy ngày qua cũng mưa lớn, nước lũ lên rất cao. Đến sáng nay, ghi nhận của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lũ sông Hoàng Long vẫn trên báo động 1. Vì thế lũ sông Bùi không thể giảm nhanh và Chương Mỹ vẫn ngập sâu. 

Vùng trũng thấp 

Với diện tích hơn 232 km2, địa hình Chương Mỹ chia làm ba vùng: bãi ven sông Đáy, đồng bằng và vùng bán sơn địa. Trừ vùng bán sơn địa, hai vùng còn lại có cốt nền thấp.

Theo Nghị định 62/1999, khu vực hữu Bùi được xác định là vùng ngập lụt khi phân lũ sông Hồng vào sông Đáy để bảo vệ nội thành Hà Nội. Vì là vùng phân lũ, Chương Mỹ từng nhiều năm bị ngập, gần nhất là tháng 10/2017 và năm 2008.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, giải thích dù là vùng thoát lũ và chứa lũ, trong quá trình phát triển, người dân cứ đến ở. Chính quyền đã tuyên truyền nhưng có thể người dân chưa nắm rõ. 

Nhiều công trình vẫn đang ngập sâu trong nước

Thừa nhận di dân khỏi vùng chứa lũ sẽ khó khăn, ông Thịnh cho biết lãnh đạo TP Hà Nội đã nhìn nhận được chuyện này. “Trong chừng mực nào đó phải di dân khỏi vùng trũng thấp, nhưng việc này không đơn giản nên không thể làm trong một sớm một chiều. Nhìn tổng quan thì vùng lũ thấp chỉ phát triển sản xuất theo mùa vụ chứ để dân sinh sống thì sẽ nguy hiểm, vất vả”, ông Thịnh nói. 

Một trong những giải pháp căn cơ ông Thịnh đưa ra là nâng cao đê tả, hữu sông Bùi để đảm bảo an toàn cho Hà Nội và các xã còn lại của Chương Mỹ. “Đây là điều chắc chắn phải làm, hiện chúng tôi đã có quy hoạch. Vấn đề chỉ là thời gian thực hiện và nguồn lực”, ông Thịnh nói. 

Nhà chức trách dự tính, nếu thời tiết không mưa, phải mất khoảng 15 ngày nữa nước lũ mới rút hết khỏi Chương Mỹ. 

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...