Bộ trưởng Nguyễn Quân: Máy móc cũ không thể tạo ra sản phẩm tốt

Thứ 3, 08/09/2015 | 08:20:06
1,226 lượt xem

Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 23/8, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng đừng nghĩ thiết bị có tuổi 15-20 năm thì vẫn còn tốt. Những máy móc, thiết bị đó tốt thật, nhưng sẽ không thể sản xuất ra được những sản phẩm cạnh tranh được với những sản phẩm của các nước tiên tiến.

Xin gửi tới Bộ trưởng một câu hỏi mà có lẽ là băn khoăn chung của khá nhiều doanh nghiệp (DN) trước tình trạng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thời gian gần đây trở nên khó kiểm soát hơn. Đặc biệt, thậm chí có những DN còn lách luật, vi phạm luật để nhập về những lô hàng đã qua sử dụng, không hợp pháp. Với góc độ là Bộ trưởng Bộ KH&CN, Bộ trưởng cho biết chúng ta có thể có giải pháp gì để góp phần ngăn chặn tình trạng này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như thực hiện Luật Thương mại, chúng tôi cùng các bộ, ngành đã xây dựng một thông tư để hạn chế, quản lý việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, gọi chung là thiết bị cũ.
Điều này rất cần thiết vì nếu chúng ta không quản lý thì sẽ dẫn đến DN nhập khẩu về, sau đó đưa vào sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng và có thể là mất an toàn cho nền kinh tế.
Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng là chúng ta chuẩn bị ký kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do với châu Âu. Khi không còn hàng rào thuế quan và chúng ta phải tuân thủ luật lệ của các hiệp định này, việc hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh với nước ngoài là rất quan trọng. Nếu chúng ta dùng thiết bị cũ, dây chuyền cũ thì không thể có được sản phẩm chất lượng tốt, giá thành hạ để có thể cạnh tranh với nước ngoài.
Như Bộ trưởng nói thì Thông tư 20 có thể là giải pháp ngăn chặn nguy cơ biến Việt Nam trở thành một bãi tập kết những rác thải nguy hại, rác thải công nghiệp. Tuy nhiên, năm ngoái, chính Bộ cũng đã khai tử thông tư này bằng một văn bản khác dừng hiệu lực thông tư này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đúng là năm 2014, thông tư đã được ban hành. Khi ban hành rồi, có phản ứng của DN, đặc biệt là DN FDI. Bởi vì khi xây dựng thông tư, xây dựng Luật Thương mại thì căn cứ tình hình của nước ta ở thời điểm đó. Những tiêu chuẩn của Thông tư ban hành khá cao nên nhiều DN cảm thấy không thể đáp ứng được.
Tất nhiên, khi đó chúng ta chưa tham gia quá nhiều vào sân chơi chung thiết lập bởi các hiệp định thương mại tự do. Do vậy, các DN rất muốn được tự do nhập khẩu thiết bị cũ. Đồng thời, có những quy định làm cho DN cảm thấy không yên tâm bởi thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài, hoặc có những vấn đề không khả thi.
Thực ra, quá trình làm ra một văn bản quy phạm pháp luật cũng rất công phu. Thông tư 20 được xây dựng trong hơn một năm kể từ có Nghị định 187 của Chính phủ triển khai Luật Thương mại.
Chúng tôi đã lấy ý kiến rất nhiều bộ, ngành, DN, kể cả tham vấn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Tuy nhiên, mong muốn của bộ, ngành ở thời điểm đó là phải kiểm soát chặt việc nhập khẩu thiết bị cũ vì ở giai đoạn đó có rất nhiều tình trạng DN vi phạm dẫn đến ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng.
Vì thế, chúng ta đặt ra vấn đề là thiết bị không được quá 5 năm sử dụng, chất lượng còn lại trên 80%. Phải đáp ứng đồng thời cả 2 tiêu chuẩn đó thì mới được nhập khẩu. Chưa kể chúng ta còn quy định việc giám định nhập khẩu phải do các cơ quan có thẩm quyền chỉ định các tổ chức giám định. Hơn nữa, khâu giám định đánh giá chất lượng còn lại là rất khó khả thi.
Với thông tư mới, tất cả vấn đề đó đã được tháo gỡ.
Đầu tiên, tuổi của thiết bị đã được nới ra, không phải 5 năm mà tới 10 năm. Trong những trường hợp đặc biệt, các bộ quản lý lĩnh vực đó có thể quyết định thời gian còn cao hơn cho phù hợp.
Việc giám định chất lượng còn lại thì chuyển sang quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Không phải đánh giá chất lượng còn lại mà đánh giá thiết bị đó dù được sản xuất ở đâu thì cũng phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Nếu Việt Nam chưa có quy chuẩn đó thì phải tuân thủ tiêu chuẩn của các nước G7.
Chúng tôi cũng đơn giản hóa tối đa thủ tục thông quan. Đó là nếu như chưa đầy đủ giấy tờ chứng minh tuổi thiết bị cũng như tiêu chuẩn sản xuất thì vẫn có thể đưa về kho bảo quản. Trong thời hạn quy định tại Luật Hải quan, sẽ nộp lại toàn bộ giấy tờ, sau đó mới được thông quan. Chứng thư giám định đó cũng rất đơn giản, bất kể tổ chức giám định nào của Việt Nam đều có thể làm được bởi vì chỉ xác định thiết bị được sản xuất năm nào, theo tiêu chuẩn nào chứ không phải như trước đây phải giám định chất lượng còn lại.
Và như thế sẽ căn cứ hoàn toàn trên hồ sơ DN tự khai, tự chịu trách nhiệm, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: DN tự khai mới chỉ là cam kết thôi. Còn khi họ muốn được thông quan thì phải có xác định của cơ quan giám định, những tổ chức giám định của chúng ta hoàn toàn đủ khả năng giám định 2 chỉ tiêu quan trọng nhất của thông tư này là tuổi thiết bị và tiêu chuẩn sản xuất.
Chúng ta có quy định rất cụ thể là các cơ quan giám định phải chịu trách nhiệm. DN có thể cam kết, cơ quan giám định có thể cấp giấy chứng nhận, chứng thư giám định. Nhưng sau này, các cơ quan chức năng phát hiện có sự gian dối khi khai báo hoặc là có việc “chạy” chứng thư giám định, đã có điều khoản yêu cầu DN tái xuất thiết bị và chịu mọi tổn thất, chi phí. Đồng thời, DN có thể phải chịu thêm xử phạt vi phạm hành chính.
Có một thực tế là nhiều DN nhỏ và vừa của Việt Nam không đủ năng lực tài chính để mua máy móc mới, thậm chí không đủ tiền để mua máy móc cũ đã qua sử dụng của các nước tiên tiến vốn dĩ cũng có mức giá rất cao. Họ đã phải chọn giải pháp là mua máy móc mới nhưng giá rẻ của các nước lân cận. Điều này khiến cho DN đặt câu hỏi, liệu việc siết nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng vô hình trung sẽ giúp cho DN của nước ngoài lân cận với nước ta chiếm lĩnh thị trường kinh doanh máy móc này?
Về câu hỏi này, tôi thấy là DN phải tự trả lời. Nhưng tôi có thể nói thế này, trong dự thảo thông tư mới chúng tôi đã quy định các máy móc dù sản xuất ở bất cứ quốc gia nào nếu như phù hợp quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của G7 thì mới đủ điều kiện nhập khẩu thiết bị đó vào Việt Nam. Cho nên, dù sản xuất ở các nước lân cận chúng ta, nhưng đã sản xuất theo tiêu chuẩn của G7, thì tôi tin là có chất lượng rất tốt.
Chúng tôi cũng khuyến cáo DN Việt Nam, trong thời gian tới hãy cân nhắc trước khi nhập thiết bị đã qua sử dụng. Nếu như chúng ta dùng máy cũ, không thể tạo ra sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Khi đó nhập thiết bị cũ là chúng ta tự hại mình. Chúng ta nên nhập thiết bị mới, tiên tiến, hiện đại của các nước phát triển.
Còn trong trường hợp nhập thiết bị cũ thì cũng đừng quá lạc hậu, đừng nghĩ rằng thiết bị có tuổi 15-20 năm thì vẫn còn tốt. Những máy móc, thiết bị đó tốt thật, nhưng sẽ không thể sản xuất ra được những sản phẩm cạnh tranh được với những sản phẩm của các nước tiên tiến. Vì vậy, chúng tôi cho rằng thông tư này là hợp lý, sẽ hỗ trợ được cho DN.
Công Minh
(http://baochinhphu.vn/)


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...