Nếu trận đấu giữa Man City và West Ham là quyền Anh, trọng tài hẳn phải quyết định sớm dừng trận đấu, khi một trong hai võ sĩ cứ liên tục tung đòn trong khi võ sĩ còn lại tỏ ra không có khả năng chống đỡ.
Một đội nào đấy ít được biết đến của Romania còn thắng West Ham (ở vòng loại Europa League), thì ai có thể hoài nghi chiến thắng cho chủ nhà Man City, trước một West Ham không có Dimitri Payet, Andy Carroll, Andre Ayew, Diafra Sakho. Vậy nên, điều đáng xem chỉ là Man City của Pep Guardiola thắng như thế nào mà thôi. Chẳng phải có thắng hay không, mà là cách thắng ra sao.
Có bình luận vui vào giữa hiệp 1: nếu đây là trận quyền Anh, trọng tài hẳn phải quyết định sớm dừng trận đấu, khi một trong hai võ sĩ cứ liên tục tung đòn trong khi võ sĩ còn lại tỏ ra không có khả năng chống đỡ.
Đội bóng của Pep kiểm soát thế trận hoàn toàn, giữ và chuyền bóng theo đúng “nhãn hiệu” của họ, mở tỷ số ngay phút thứ 7, và gần như đạt đến giới hạn an toàn khi đồng hồ còn chưa chỉ sang phút thứ 20. Đáng lẽ hiệp 1 đã phải kết thúc với tỷ số 3-0 hoặc 4-0. Và đáng lẽ bàn thắng của Sergio Aguero phải được công nhận ở phút 56. Lạ thay, đến phút 57 thì tỷ số “bỗng nhiên là” 2-1. Trận đấu tưởng như đã khép lại ở phút 18 lại bất ngờ trở nên gay cấn từ phút 57. Câu chuyện nói lên điều gì, ngoài câu nói muôn thuở “bóng đá là vậy”?
Trước tiên, đấy là gáo nước lạnh dội vào triết lý “thủ môn phải biết chơi bóng” của Pep. Willy Caballero đứng như trời trồng trong khi Gael Clichy hầu như không hề phản ứng trước sự đe dọa của Michail Antonio - người ghi bàn gỡ cho West Ham. Hậu vệ trước tiên phải giỏi phòng ngự, còn thủ môn trước tiên phải giỏi bắt bóng. Triết lý cao sang đến đâu đi nữa, cũng sẽ trở nên rỗng tuếch nếu không có được những điều cơ bản như thế. Pep tung chân đá... không khí, tỏ ra cáu gắt cực độ bên ngoài đường biên. Ông mắng ai thế?
Diễn tiến kỳ lạ của hiệp 2 còn cho thấy bóng đá dĩ nhiên không phải quyền Anh - không giống, cũng chẳng có chỗ tương đồng rõ rệt nào. Bóng đá giống... cuộc sống hơn. Trong cuộc sống, người ta luôn có khả năng gượng dậy trở lại, nếu đối thủ không thể “kết liễu họ”. Tất nhiên, đấy là bài học cho Man City nhiều hơn là cho West Ham. Dù Man City rút cuộc đã thắng 3-1 đi nữa, đấy vẫn cứ là bài học.
Ở Premier League, vấn đề của các ứng viên vô địch như Man City, Chelsea, M.U chẳng phải là họ làm sao để thắng lẫn nhau (mấy khi mới trực tiếp đụng độ). Trong thể thức “marathon”, với đặc điểm cố hữu của quê hương bóng đá là bất ngờ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, đội vô địch Premier League thường là đội lấy điểm nhiều nhất trong các trận đấu thuộc diện “phải thắng”. Với Man City thì West Ham đêm qua chính xác là một đối thủ như vậy.
Chắc chắn Pep không thể vui. Vì sao không vui, thì câu trả lời lại còn tùy thuộc vào cái nhìn riêng của mỗi người. Và Pep không thể nào vui còn vì ông chẳng bao giờ có quyền chỉ vào những pha dứt điểm dội cột để đổ lỗi cho sự may rủi. Không may rủi thì đâu còn là bóng đá!
Dù sao đi nữa, tất cả vẫn đang là khúc dạo đầu. Vẫn khó có thể bác bỏ rằng Man City, Chelsea và M.U sẽ cùng nhau tranh ngôi vô địch Premier League mùa này. Họ đã cùng nhau thắng trọn 9 trận trong 3 vòng đấu - đấy là khác biệt rõ ràng so với Liverpool, Arsenal, Leicester và Tottenham. Quy luật vẫn không thay đổi: trận thắng “vẫn còn trục trặc” của Man City nhắc Pep về cái yêu cầu phải bảo đảm chiến thắng trước phần còn lại - các đội không có mục tiêu tranh chấp ngôi cao ở Premier League.