“Người điều khiển môtô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng (tăng gấp 10 lần hiện nay); người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước; phạt tiền gấp đôi mức cũ nếu xe chở quá tải trên 150%, chủ phương tiện cá nhân vi phạm phạt từ 28-32 triệu đồng...”.
Đó là một số nội dung của Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông do Bộ GTVT chủ trì soạn thảo để trình Chính phủ. Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG - việc tăng mức xử phạt như trên được tính toán trên yêu cầu thực tế của VN và theo mức độ nguy hiểm của từng hành vi vi phạm.
Tăng mức phạt để răn đe, giáo dục
Theo Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (ATGT), Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Văn Thạch, sau một thời gian triển khai thực hiện Nghị định 171 và Nghị định 107 đã xuất hiện nhiều quy định còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Do đó dự thảo đề xuất tăng mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng lên 3-5 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn dưới 50mg trong máu hoặc dưới 0,25mg/lít khí thở (mức 1); tăng từ 7-8 triệu đồng lên 8-12 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 50mg - 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25mg - 0,4 mg/lít khí thở (mức 2).
Đặc biệt, người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3) sẽ phạt tiền từ 14-16 triệu đồng thay vì mức 10-15 triệu đồng như trước. Các hành vi ở mức 2 và 3 còn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) 3 tháng thay vì 2 tháng như hiện nay.
Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng gấp đôi hiện nay, bị phạt mức cao nhất đến 7 triệu đồng. Ngoài ra, còn bị tước giấy phép lái xe từ 2-3 tháng.
Theo ông Vũ Đỗ Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi năm có từ 16-20% số vụ TNGT mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây ra, thậm chí tỉ lệ này có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Phần lớn các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia xảy ra thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản, đe dọa ATGT đối với những người khác, đối với cả hệ thống giao thông.
Phạt tăng gấp 10 lần nếu đi xe máy vào đường cao tốc
Dự thảo nghị định này cũng xác định sẽ tăng mức phạt tiền gấp đôi đối với hành vi chở quá tải trên 150%. Theo đó, lái xe vi phạm sẽ bị xử phạt từ 14-16 triệu đồng còn chủ phương tiện là cá nhân bị xử phạt từ 28-32 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt từ 56-64 triệu đồng so với mức cũ là 32-36 triệu đồng. Nhằm ngăn chặn tình trạng không chấp hành, chống đối khi bị kiểm tra tải trọng mức phạt cũng tăng lên tới 14-16 triệu đồng. Dự thảo cũng tăng mức xử hành vi đi xe máy vào đường cao tốc lên gấp 10 lần. Người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng thay vì mức 200.000-400.000đ hiện nay...
Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia - Khuất Việt Hùng cho rằng, việc nâng mức xử phạt trong dự thảo được tính toán trên yêu cầu thực tế của Việt Nam và theo độ nguy hiểm của từng hành vi vi phạm, như hành vi đi xe máy vào đường cao tốc, hành vi chở quá tải trên 150% trở lên, vi phạm nồng độ cồn cao, vượt đèn đỏ… uy hiếp đến an toàn khi tham gia giao thông.
Kiến nghị thu GPLX vĩnh viễn nếu vi phạm nhiều lần
Theo Trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (P4), C67- Bộ Công an, qua việc điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông, chúng tôi nhận thấy, đa phần là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, như dừng đỗ phương tiện không đúng quy định, vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ... do vậy dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm giao thông lần này sẽ tập trung vào các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông để tăng tính răn đe đối với người tham gia giao thông.
Băn khoăn về việc cần đưa ra các biện pháp như thế nào để giảm tình trạng vi phạm trật tự ATGT một cách bền vững, bà Nguyễn Thị Kha - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tăng mức xử phạt hành chính trong vi phạm giao thông chưa phải là biện pháp triệt để. “Theo tôi để giảm tình trạng vi phạm trong lĩnh vực giao thông bên cạnh việc tuyên truyền thì việc xử lý nghiêm cần phải đặt ra. Ngoài việc tăng mức xử phạt thì chúng ta cần phải có biện pháp như thu GPLX vĩnh viễn đối với những trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nhiều lần. Ví dụ, nếu vi phạm lần thứ nhất thì giữ giấy phép lái xe và người vi phạm phải học lại 1 ngày lớp đào tạo lái xe; nếu vi phạm lần 2 thì giữ giấy phép lái xe 3 ngày và phải học lại 3 ngày lớp đào tạo lái xe; còn nếu vi phạm giao thông 3 lần trở lên thì thu giấy phép lái xe vĩnh viễn, như vậy thì tình trạng vi phạm giao thông mới giảm” - bà Khá nhấn mạnh.
Laodong.com.vn
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...