Luật đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2015

Thứ 4, 18/06/2014 | 14:05:54
1,296 lượt xem

Sáng ngày 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư công. Luật gồm 6 chương, 108 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo luật, các đại biểu đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Luật đầu tư công.

Luật Đầu tư công quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

Theo Luật, lĩnh vực đầu tư công gồm: Đầu tư các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư.
Căn cứ mức độ quan trọng và quy mô, dự án đầu tư công được phân loại thành dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C. Trong đó, dự án quan trọng quốc gia là dự án đầu tư độc lập hoặc cụm công trình liên kết chặt chẽ với nhau thuộc một trong các tiêu chí: Sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường (bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 hécta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 hécta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 hécta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 hécta trở lên); Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 hécta trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
 

Luật cũng quy định 12 hành vi bị cấm trong đầu tư công, trong đó có việc quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, được duyệt không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, không cân đối được nguồn vốn đầu tư; Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật; Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án...
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia.
Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A; dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương do cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan, tổ chức khác quản lý; dự án khẩn cấp sử dụng vốn ngân sách trung ương; chương trình đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu theo quy định trên; dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước do cơ quan mình quản lý; dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do cơ quan mình quản lý.
Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư bằng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân các cấp và các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư; dự án nhóm B và dự án trọng điểm nhóm C thuộc cấp mình quản lý.
Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc cấp mình quản lý.
Việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư; phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với các chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn; phù hợp với khả năng vay, trả nợ công, nợ của Chính phủ và nợ của chính quyền địa phương; bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; ưu tiên thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn.
 
  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...