Tập trung cho tài chính vi mô

Thứ 6, 14/12/2018 | 08:40:25
712 lượt xem

Đây là cam kết của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển Tài chính toàn diện và Lễ trao giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam năm 2018” diễn ra ngày 12.12. “Dù trời hôm nay rất lạnh nhưng chúng tôi, những người làm tài chính vi mô, cảm thấy rất ấm lòng với cam kết này”, bà Đinh Thị Ánh Tuyết, Trung tâm phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) chia sẻ.

Tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển Tài chính toàn diện và Lễ trao giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam năm 2018”

Công cụ hữu hiệu xóa đói giảm nghèo

“Hơn 2 thập kỷ qua, cùng với tiến trình đổi mới, tài chính vi mô đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính và đây được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói trong buổi toạ đàm.

Với đóng góp của hoạt động tài chính vi mô, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm xuống 9,6% vào năm 2012 và năm 2013 là khoảng 7,6% - 7,8%, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7%.

Một điển hình là TYM - tổ chức tài chính vi mô đầu tiên được NHNN cấp phép vào năm 2010, cũng là 1 trong 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép tính cho đến nay. TYM hiện có mặt trên 13 tỉnh thành phố, cung cấp sản phẩm cho 148 nghìn phụ nữ nghèo và phụ nữ có thu nhập thấp, 2 nghìn người dân tộc thiểu số, 1 nghìn thành viên nhiễm hoặc chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và khuyết tật. Dư nợ vốn của tổ chức này ở mức 1.313 tỷ đồng, dư tiết kiệm 1.085 tỷ đồng và luôn duy trì tỷ lệ hoàn trả lên tới 99,99%. Sau 8 năm hoạt động, TYM đã giúp trên 120 nghìn phụ nữ thoát nghèo, 7 nghìn thành viên trở thành nữ doanh nghiệp, 90 thành viên nhận giải thưởng doanh nhân vi mô xuất sắc…

Mô hình tài chính vi mô bán chính thức cũng phát triển hiệu quả, được minh chứng bằng những kết quả của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế Tiền Giang (MOM). Là tổ chức phi lợi nhuận, mang tín dụng đến cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo, MOM hiện phủ sóng toàn bộ huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh. MOM đã từng bước cải thiện đời sống khách hàng của mình khi đã thực hiện được hơn 182 nghìn khoản vay với tổng số tiền hơn 870 tỷ đồng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, đối tượng khách hàng của tài chính vi mô chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp, nông dân, người dân ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác. Do vậy, thúc đẩy sự phát triển của tài chính vi mô có ý nghĩa kinh tế, chính trị, an sinh xã hội rất lớn thông qua việc mở rộng cánh cửa tiếp cận dịch vụ tài chính và tín dụng cho người nghèo, người yếu thế, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả và hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Sự phát triển của tài chính vi mô cũng hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, qua đó đóng góp một phần không nhỏ vào tiến trình chung về phát triển tài chính toàn diện của quốc gia. Với ý nghĩa này, lãnh đạo NHNN cam kết trong năm 2019 sẽ tập trung hoàn thiện khung chính sách để các tổ chức tài chính vi mô hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Vinh danh 30 khách hàng
và 4 tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu

Cũng trong sáng qua đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi - Việt Nam năm 2018 (CMA 2018).
Từ hơn 100 hồ sơ tham dự trên cả nước, chương trình CMA 2018 ghi nhận và vinh danh 30 khách hàng tài chính vi mô và 4 tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu, trong đó có  TYM, MOM .
Giải thưởng này là một hoạt động thường niên toàn cầu do Quỹ Citi - Ngân hàng Citibank Việt Nam tài trợ từ năm 2007 tới nay, nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nhân vi mô đã có những sáng kiến trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả, các cán bộ tín dụng xuất sắc và các tổ chức tài chính vi mô tiêu biểu đã có những đóng góp đáng kể trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô bền vững tại Việt Nam đến năm 2020, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của đất nước.

Những vấn đề “sống còn”

“Nghe cam kết của lãnh đạo NHNN, kỳ vọng có giấy phép của MOM rất lớn”, bà Trần Thị Thanh Thủy, đại diện tổ chức này chia sẻ. Dù đã hoạt động gần chục năm, MOM vẫn chưa có được giấy phép vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc liên quan đến nước ngoài. “Vì hoạt động bán chính thức nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn”, bà Thủy cho hay.  Bà còn lo hơn nếu dự thảo Thông tư của NHNN về cấp phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô chính thức hóa nội dung không cho phép đối tác nước ngoài góp vốn. Theo bà, đây mới là khó khăn thực sự không chỉ của MOM mà còn của tất cả các tổ chức tài chính vi mô.

Các chương trình, tổ chức tài chính vi mô hiện hoạt động trong khung pháp lý là Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg. Nằm ngoài Quyết định này, các trung tâm làm tài chính vi mô đang gặp một số thách thức pháp lý và đứng trước nguy cơ không thể hoạt động tiếp. Bà Đinh Thị Ánh Tuyết, Trung tâm phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) cho biết, một trong những vấn đề rất vướng là “trung tâm không biết có phải tổ chức phi chính phủ hay không, và ai cấp phép”. Điều kiện đăng ký chương trình, dự án tài chính vi mô cơ bản thuận lợi, nhưng có một điểm là phải được sự đồng ý của Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ. Theo bà Tuyết, “các trung tâm làm tài chính vi mô rất khó để nhận được sự đồng ý này. Cơ quan chủ quản của các trung tâm rất hỗ trợ nhưng thường không có văn bản nào chuyển sang Bộ Nội vụ. Phía Bộ Nội vụ cũng rất bối rối”.

Giống như đại diện Quỹ MOM, bà Đinh Thị Ánh Tuyết cho rằng, vấn đề “sống còn” hiện nay của các tổ chức tài chính vi mô là việc dự thảo Thông tư của NHNN về cấp phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô không cho phép đối tác nước ngoài góp vốn. Vì vậy, “chúng tôi rất mừng khi nghe Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói rằng, năm 2019 là năm dành cho tài chính vi mô, sẽ quy chuẩn lại quy định chính sách để các tổ chức tài chính vi mô được khai sinh và hoạt động”, đại diện VietED bày tỏ. Bà Tuyết cũng kiến nghị NHNN xem xét, tạo cơ chế cho loại hình trung tâm tài chính vi mô được đăng ký chương trình tài chính vi mô. Về phía các tổ chức tài chính vi mô cũng nên tính đến khả năng sáp nhập, liên kết, mua lại các chương trình tài chính vi mô đối với các đối tượng không đủ tiêu chuẩn. Quá trình này theo đại diện VietED, rất cần có sự hỗ trợ và hướng dẫn của NHNN. Đối với vay vốn từ nước ngoài, NHNN nên có quy định hướng dẫn việc vay vốn nước ngoài cho các chương trình tài chính vi mô theo tinh thần của Pháp lệnh Ngoại hối.

Trong phần kết lại tọa đàm, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, NHNN phải “làm chính sách nhanh cho tổ chức tài chính vi mô”, để hỗ trợ các tổ chức này tiếp tục tham gia là trụ cột quan trọng của tài chính toàn diện, qua đó góp phần loại bỏ hoàn toàn tệ nạn tín dụng đen - vấn đề cả xã hội đang quan tâm.  

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8
Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 8

Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...