Ngân hàng tăng lãi suất huy động dịp cuối năm

Thứ 3, 09/10/2018 | 10:50:02
983 lượt xem

Ngân hàng tăng lãi suất huy động và cho vay nhằm kích cầu, hút vốn dịp cuối năm, cùng tác động của tỷ giá và áp lực thanh khoản.


Mới đây, các ngân hàng đã có động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn 12-36 tháng từ mức 6,4% một năm lên mức 6,8%. VIB áp dụng 7,3% cho kỳ hạn 24 tháng. Còn ACB áp dụng biểu lãi suất mới cho tiền gửi các kỳ hạn trên 18 tháng, dao động từ 7-7,2% một năm, cao hơn 0,1-0,3% so với tháng 5.

Không chỉ tăng lãi suất, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi nhằm tăng hút khách cũng được áp dụng. Đơn cử Ngân hàng Quốc tế (VIB) mạnh tay triển khai ưu đãi lãi suất nhân đôi cho khách hàng gửi tiền. Từ nay đến 31/12, khách gửi tiền tiết kiệm từ 100 triệu đồng trở lên, kỳ hạn từ 6 tháng, sẽ được nhân đôi lãi suất trong tháng đầu. Với việc tặng thêm lãi suất, VIB hiện là một trong những ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi hấp dẫn nhất trên thị trường.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-8 tháng của VIB lên mức 7,2-7,3% một năm, kỳ hạn 36 tháng lên tới 7,7% một năm. Trong khi đó, tại nhiều ngân hàng, mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động từ mức 5,3-7% một năm.

Biểu lãi suất kỳ hạn 6 tháng, cập nhật ngày 7/10.


Các chuyên gia nhận định động thái tăng lãi suất diễn ra ở cả ngân hàng lớn lẫn các nhà băng nhỏ. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nguyên nhân từ đây đến cuối năm là giai đoạn giải ngân, cho vay nhiều, nhằm phục vụ các doanh nghiệp tất toán sổ sách. Điều đó kéo theo nhu cầu tăng thanh khoản, đáp ứng bằng cách tăng lãi suất huy động.

Thứ hai, áp lực từ tỷ giá là một động lực đẩy lãi suất huy động đi lên. Dự báo từ đây đến cuối năm tỷ giá có thể tăng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, làm tăng giá trị đồng USD, kéo theo hiện tượng đầu cơ ngoại tệ tại thị trường Việt Nam. Để giữ khách và giới hạn hiện tượng này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất tiền gửi.

Mặt khác chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến đồng nhân dân tệ giảm giá hơn 6% so với USD (tính đến tháng 7) và có thể còn tiếp tục phá giá trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang gây áp lực lên tỷ giá trong nước theo hướng giảm giá VNĐ. Tuy nhiên, mức giảm giá tiền đồng sẽ không quá 2% nên tác động không đáng kể.



Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, quy định của Ngân hàng Nhà nước sẽ có tác động lớn đến động thái của các nhà băng. Theo lộ trình đến đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ giảm xuống 40% từ mức 45% hiện nay, do đó các ngân hàng phải cân đối nguồn vốn.

"5 điểm phần trăm chênh lệch là tỷ trọng rất đáng kể, do đó nguồn vốn ngân hàng cho vay trung dài hạn sẽ bị hạn chế lại, đặc biệt cho thị trường bất động sản. Đó là lý do đẩy lãi suất huy động đi lên", ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, trong vòng 3 năm qua tăng trưởng tín dụng tăng mạnh trên mức 20%, nhất là trong năm 2017 và 6 tháng đầu 2018. Trong khi đó dòng tiền cho vay lĩnh vực bất động sản (tức cho vay trung hạn) không còn xoay vòng nhanh chóng như các năm trước.

Lý do từ quý II năm nay, lượng giao dịch bất động sản giá trị trên 5 tỷ đồng chững lại, khiến dòng tiền về ngân hàng gặp khó. Yếu tố này khiến ngân hàng buộc tăng huy động để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.

Ông Hiển nhận định trong bối cảnh lãi suất đi lên, người gửi tiền sẽ được lợi. Nếu vào những năm 2011-2012, bất động sản rớt giá, lãi suất huy động đã lên đến 12% thì đến giai đoạn 2015-2017, kênh đầu tư bất động sản trỗi dậy, khiến dòng tiền nhàn rỗi trong dân tập trung vào thị trường địa ốc.

"Còn hiện tại, tình hình có thể ngược lại, đầu tư gửi tiền nhận lãi suất lại đang tỏ ra chiếm ưu thế hơn", ông Hiển khẳng định.

Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy 6 tháng đầu năm, lãi suất trên thị trường tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư tương đối ổn định. Lãi suất huy động tiền đồng bình quân khoảng 5,2%.

Vốn huy động toàn hệ thống tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017.

Trong khi đó tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 nhưng tăng 8,7% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực nông lâm nghiệp giữ tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ổn định. Dư nợ tín dụng phục vụ đời sống tăng khá so với cuối năm 2017.

Theo VnExpress

Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...