Biện pháp phòng chống bệnh dịch tả vịt

Thứ 2, 03/10/2016 | 10:43:09
2,629 lượt xem

Trong tự nhiên vịt là loài mẫn cảm nhất, tất cả các giống vịt ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, trong đó là bệnh dịch tả. Bệnh dịch tả vịt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một vi rút thuộc nhóm Herpes gây bại huyết, xuất huyết cho vịt với triệu chứng đặc trưng là sốt cao, sưng phù đầu, mù mắt, tiêu chảy phân trắng xanh, biểu hiện thần kinh nghẹo đầu. Bệnh gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi do tỷ lệ chết rất cao (30-90%), giảm sản lượng trứng. Do vậy, việc phát hiện bệnh sớm để có các phòng trừ hiệu quả, bảo toàn đàn vịt nuôi.

Hình minh họa (Nguồn: Internet).

* Phương thức truyền lây

Bệnh dịch tả vịt có thể lây trực tiếp do tiếp xúc giữa vịt khỏe và vịt ốm hoặc vịt mang trùng.

 Lây gián tiếp qua đường tiêu hóa (thức ăn, nước uống), hoặc qua đường hô hấp. Nếu cho vịt khỏe tiếp xúc với nước ao tù, hoặc nơi chăn thả vịt bệnh chúng sẽ bị lây bệnh. Trên cùng một thửa ruộng chăn thả nhiều đàn vịt, nếu một đàn vịt bệnh chúng sẽ lần lượt lây cho các đàn khác.

 * Triệu chứng

 Thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 7 ngày. Đôi khi ở đầu ổ dịch có một số con chết đột ngột khi chưa có biểu hiện triệu chứng. Vịt bệnh thường ủ rũ, bỏ ăn, đứng một chân, đầu rúc vào cánh đi lại chậm chạp, không muốn xuống nước, khi lùa đi ăn thường rớt lại sau đàn. Trong đàn vịt, nhiều con có tiếng kêu khản đặc. Bắt xem thấy chân liệt, sốt cao 43 - 44oC. Ở đàn vịt đẻ khi bệnh xuất hiện sản lượng trứng giảm xuống, có khi ngừng đẻ hẳn. Vịt thường sưng mi mắt, niêm mạc mắt đỏ, mắt kéo màng. Lúc đầu chảy nhiều nước mắt trong làm ướt cả vùng lông dưới mi mắt. Sau nước mắt đặc lại có màu vàng như mủ đóng đầy khóe mắt và có khi làm hai mi mắt dính lại với nhau. Vịt bệnh có khi khó thở, tiếng thở khò khè. Từ mũi chảy ra chất niêm dịch, lúc đầu trong, sau đặc lại. Nước mũi khô, quánh lại quanh khóe mũi. Nhiều con đầu sưng to, hầu, cổ cũng có thể bị sưng do tổ chức liên kết dưới da bị phù thũng. Lúc mới bị bệnh vịt khát nên uống nhiều nước. Sau một vài ngày vịt ỉa chảy, phân rất loãng, có mùi khắm và có màu trắng xanh. Hậu môn bẩn, lông dính bết đầy phân.

 Sau khi xuất hiện triệu chứng được 5 - 6 ngày, con bệnh gầy rạc, liệt chân, liệt cánh, nằm một chỗ, thân nhiệt giảm dần, con vật chết. Ở nơi lần đầu tiên xuất hiện bệnh nếu không can thiệp kịp thời tỷ lệ chết có thể đến 80 - 100%. Trái lại ở những vùng thường xuyên có bệnh, dịch phát ra yếu, tỷ lệ chết không cao, nhưng bệnh hay kéo dài.

 * Bệnh tích

  Xác chết gầy, nhổ sạch lông thấy đầu, cổ sưng tụ máu, tím bầm. Tổ chức liên kết dưới da thấm nước và keo nhầy. Da vùng cổ, ngực, bụng, đùi xuất huyết lấm tấm thành những điểm bằng đầu tăm trông như bị muỗi đốt. Khí, phế quản viêm, xuất huyết, tụ máu; niêm mạc hầu họng, thực quản viêm xuất huyết, đôi khi có vết loét phủ màng giả màu vàng xám; viêm, xuất huyết ngoại tâm mạc, xoang bao tim tích nước; phổi viêm, tụ máu; niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết, phủ lớp dịch nhớt màu vàng xám; dạ dày cơ xuất huyết. Niêm mạc ruột viêm, tụ máu, xuất huyết, có những vết loét hình cúc áo, trên có phủ bựa màu trắng xám. Niêm mạc hậu môn và trực tràng thường xuyên xuất huyết thành những vệt máu đỏ xen kẽ những vết loét màu vàng nâu. Gan có màu nâu nhạt, sưng tụ máu, xuất huyết, có những chấm hoại tử to bằng đầu đinh ghim. Túi mật sưng. Lách tụ máu hoặc xuất huyết. Buồng trứng: có khi xuất huyết, có nhiều trứng non dị hình hoặc vỡ chứa đầy trong xoang bụng.

 Phòng và điều trị bệnh.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vịt ( Hình minh họa).

Hiện không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Khi đàn vịt bị bệnh, cần phải tiến hành nuôi nhốt để cách ly mầm bệnh; thu gom, tiêu hủy ngay các con vịt ốm, chết; tiến hành vệ sinh chuồng trại, thu gom phân rác để ủ hoặc chôn; phun thuốc sát trùng chuồng trại, tẩy uế, sát trùng toàn bộ dụng cụ chăn nuôi; báo cho cơ quan thú y địa phương để biết các biện pháp phòng chống. Khi đàn vịt bị bệnh, có thể can thiệp vaccine trực tiếp vào ổ dịch với liều gấp 2 lần bình thường. Sau 7 - 8 ngày những con vịt mang mầm bệnh sẽ chết, những con chưa nhiễm bệnh sẽ có miễn dịch có khả năng chống lại bệnh. Những con vịt qua khỏi chỉ nuôi làm vịt thịt, không dùng làm giống. Đồng thời bổ sung đường Gluco, điện giải (B-Complex với liều 2 g/l nước), men tiêu hóa, bổ gan (dùng sorbitol liều 2 g/l nước cho uống) nhằm tăng khả năng đào thải chất độc và tăng sức đề kháng cho vịt nuôi.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...