Chăm sóc cây vụ đông ưa ấm

Thứ 4, 07/10/2015 | 16:06:11
760 lượt xem

Đến thời điểm này, hầu hết diện tích trồng cây vụ đông ưa ấm của tỉnh Thái Bình đã đưa ra trồng và đang bước vào giai đoạn chăm sóc. Để cây màu sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất, Thaibinhtv.vn đăng tải hướng dẫn của KS: Quách Thị Phương - Trung tâm Khảo nghiệm khuyến nông khuyến ngư ( KN KN) Thái Bình về một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây vụ đông ưa ấm.

Chăm sóc ngô

 * Nước tưới
Các loại cây trồng trong vụ đông đều cần nước nhưng rất sợ ngập úng. Thời điểm mới trồng thời tiết còn nhiều nắng nóng, cây dễ bị mất nước, nông dân cần thường xuyên tưới nước, đảm bảo đủ ẩm cho cây nhanh bén rễ hồi xanh và sinh trưởng phát triển tốt. Nếu gặp mưa cần khẩn trương tiêu thoát nước nhanh tránh bị thối rễ, chết dột ( đối với dưa, bí..), hiện tượng huyết dụ đối với cây ngô, hạn chế bị mất mật độ.
Đến giai đoạn cây phát triển thân lá, nhu cầu nước của cây tăng dần và cần nhiều nhất ở giai đọan ra hoa đậu quả ( đối với dưa, bí…); ngô trỗ cờ phun râu. Tốt nhất nên tưới rãnh, đưa nước vào ½ rãnh để nước ngấm đều rồi tháo hết đi.

* Dặm tỉa
Sau trồng cần kiêm tra, tiến hành dặm kịp thời những cây bị chết hoặc cây yếu để đảm bảo mật độ. Dặm càng sớm thì độ đồng đều trên ruộng càng cao và kịp thời vụ.

* Phân bón và một số biệp pháp chăm sóc khác
Thời kỳ cây con là thời kỳ quan trọng, cần phải bón sớm để cây có dinh dưỡng, tốt sớm, nên ngâm Lân super với nước phân chuồng hoặc nước giải 1 - 2 ngày rồi hòa loãng để tưới cho cây khoảng 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 - 4 ngày.

Đối với cây ngô:
Cần chăm bón sớm, đặc biệt, từ khi cây con đến khi ngô 5-6 lá, giai đoạn này rất quan trọng để ngô tốt sớm, không bị huyết dụ, chân chì. Sau trồng cần tưới đủ ẩm để ngô bén rễ nhanh, có thể sử dụng Super Lân pha loãng để tưới bổ sung dinh dưỡng cho cây, ngô không chịu được ngập úng, đặc biệt, giai đoạn cây con. Do vậy, không để đọng nước trên mặt luống ngô.

Nên sử dụng các loại phân NPK chuyên thúc để bón cho cây như loại 12:5:10, 13:13:13 +TE hoặc 22:5:11 với lượng 16 - 18 kg/sào.

Bón thúc lần 1: Khi cây có 3 - 5 lá, bón 1/2 lượng phân thúc. Để tránh bị xót phân, nên bón phân vào giữa 2 cây, cách gốc từ 10 - 12 cm. Bón xong kết hợp với làm cỏ và vun gốc.

Bón thúc lần 2 khi cây 7 - 9 lá : bón hết lượng phân thúc còn lại. Có thể vét sâu rãnh để vun cao luống giúp ngô ra nhiều rễ chân kiềng tăng khả năng chống đổ cho cây.

Lưu ý: Cây ngô có thân lá phát triển mạnh nên dễ bị đổ ngã khi gặp mưa gió to,  vì vậy nếu cây bị đổ ngã ở giai đoạn cây con có thể dựng lại cây; nếu bị đổ ngã ở giai đoạn sau nhất là khi cây đã trỗ cờ phun râu thì không nên dựng lại cây nữa.

Đối với cây bí xanh:

Lượng phân thúc: 14-16kg NPK (16:16:8) hoặc 10-12 kg NPK (13:13:13).

Khi cây có 5 - 6 lá (bí ngả ngọn bò) cần định hướng để dây bò vào luống đồng thời bón ½ lượng phân thúc. Bón xung quanh gốc, cách gốc 10-12 cm, kết hợp vun gốc và bấm ngọn (nếu trồng bí muộn thì không cần bấm ngọn). Chăm sóc để 2 nhánh bên phát triển tốt và cho quả. Mỗi nhánh để 1 quả vị trí tốt nhất là ở lá thứ 13-17.

Khi cây bắt đầu ra hoa thì bón hết lượng phân thúc còn lại. Lưu ý: Nếu thu bí già thì bổ sung thêm vôi bột để tăng độ cứng của vỏ quả.

Thụ phấn bổ sung cho bí: Thời gian từ 7-9 giờ sáng, dùng phấn của hoa đực mới nở chấm vào nhụy của hoa cái để tăng tỷ lệ đậu quả, hạn chế quả cong.

Để bí tập trung dinh dưỡng nuôi quả, ngắt bỏ những quả mới đậu bị dị dạng, ngắt ngọn bí cách vị trí đậu quả 5-6 lá. Có thể đắp thêm đất vào một số đốt trên dây cách gốc 60-70 cm để kích thích ra rề bất định tăng khả năng hút dinh dưỡng cho cây. Khi đã định xong quả nên kê quả để quả thẳng, tăng mẫu mã và hạn chế thối quả.

* Phòng trừ sâu bệnh
- Với cây ngô:
+ Bệnh huyết dụ: xuất hiện ở giai đoạn cây con do thiếu dinh dưỡng hoặc bộ rễ bị tổn thương. Khắc phục bằng cách: Tưới lân ngâm nước giải và phun các chế phẩm kích thích ra rễ khoảng 3 - 4 ngày tưới và phun phân 1 lần.
+ Các bệnh: Sâu xám, bệnh khô vằn, rệp,…dùng thuốc đặc trị phun kịp thời.

Với cây bí xanh:
+ Bệnh sương mai: Bệnh gây các vết thâm có hình góc cạnh. Bệnh nặng làm lá dưa, bí bị cháy rộp như da cóc, rất giòn, dễ vỡ. Bệnh thường gây hại từ lá già ở gốc rồi lan lên lá non, vết bệnh gặp ẩm độ cao (lúc sáng sớm) có lớp tơ màu trắng hoặc vàng nhạt..Dùng thuốc đặc trị theo hướng dẫn của nhà chuyên môn để phòng bệnh.
+ Bệnh phấn trắng: trên lá có lớp phấn trắng bao phủ làm giảm khả năng quang hợp. Dùng các loại thuốc đặc trị pha theo đúng nồng độ và phun ướt đẫm trên thân, lá.

KS: Quách Thị Phương
Trung tâm Khảo nghiệm KN KN Thái Bình

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...