Kỹ thuật trồng ngô đông 2015

Thứ 5, 01/10/2015 | 11:33:08
1,010 lượt xem

Ngô là một trong những cây trồng chính trong vụ đông, vừa dễ làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trồng ngô đông, Thaibinhtv.vn trích hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật chính do kỹ sư Phạm Thị Hiên- Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông khuyến ngư Thái Bình cung cấp.

Hình minh họa ( Nguồn Internet)

1.Giống
Hiện nay trên thị trường có nhiều giống ngô có năng suất, chất lượng cao:
Giống Ngô nếp: HN88, Wax 44, Max 68, ...
Giống Ngô tẻ lai ngắn ngày: LVN4, LVN61, NK 4300, NK 66, ...
Tùy vào thời vụ và mục đích sử dụng có thể lựa chọn giống ngô trồng thích hợp.
2.Thời vụ
Ngô là cây trồng ưa ấm do đó việc bố trí thời vụ rất quan trọng để khi trỗ cờ phun râu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, tránh gặp mưa rét sẽ gây hiện tượng bắp đuôi chuột làm giảm năng suất. Vì vậy vụ đông trồng càng sớm càng tốt, thường vào bầu trong tháng chín, trồng cuối tháng 9 đến 5-10; (riêng ngô nếp, ngô quà có TGST ngắn hơn và thu hoạch sớm hơn nên có thể trồng đến 15-10). Để tranh thủ thời vụ bà con cần làm bầu cho ngô.
3. Kỹ thuật làm bầu ngô
- Ngâm ủ:
Lượng giống từ 0,6 - 0,7kg/sào, tương đương với khoảng 1500-1600 cây/sào đối với ngô tẻ và 1800-2000 cây/sào với ngô nếp. (Đối với ngô nếp tuy trồng dày hơn nhưng hạt giống nhỏ hơn nên lượng giống tương đương các giống ngô tẻ).
- Ngâm hạt giống trong nước sạch 6-8 tiếng sau đó đem ủ, tốt nhất nên dùng cát ẩm để ủ. Trong quá trình ủ cần kiểm tra giá thể, nếu quá ẩm có thể làm thối giống. Sau 18-24 giờ kiểm tra, hạt nứt nanh đến đâu tra vào bầu đến đó, không để rễ mầm quá dài khi thao tác rất dễ gẫy, rễ mầm có vai trò hết sức quan trọng đối với năng suất của cây ngô.
Làm bầu ngô
Có nhiều phương pháp làm bầu cho ngô nhưng làm bầu bánh chưng là phương pháp dễ làm và có hiệu quả nhất. Lưu ý khi làm bầu nên trộn bùn với trấu xay, phân chuồng mục theo tỷ lệ 1:1. Có thể trộn thêm ít lân Super để kích thích ra rễ nhanh, độ dày bầu từ 5-7 cm tuỳ thuộc vào thời gian cây con ở trong bầu.
Thường xuyên tưới đủ ẩm, khi mưa to phải che đậy, thời gian bầu tốt nhất là 5 – 7 ngày, tối đa không quá 10 ngày, nếu cây ngô ở trong bầu dài hơn cần phải tưới bổ sung dinh dưỡng bằng NPK pha loãng. Trước khi đưa cây con ra ruộng cần phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng thuốc Valydacin dạng nước cho cây.
4. Kỹ thuật trồng ngô và chăm sóc giai đoạn đầu


Hình minh họa ( Nguồn Internet)

- Làm đất, đưa cây ra ruộng:
Để hạn chế ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng của cây con, cần chủ động tháo nước mặt ruộng ngay khi lúa đỏ đuôi.
Chuẩn bị phân bón cho 1 sào:
Bón lót: Cần bón 3-5 tạ phân chuồng hoặc 10kg phân vi sinh Azotobacterin, 1 bao (25kg) phân lót NPK 5:10:3 dạng viên.
Phân thúc : Đạm urê: 10-12 kg, Kaly: 6-8 kg hoặc NPK có tỷ lệ tương đương
Đặt bầu:
+ Đối với ruộng đã gặt lúa: Tiến hành tháo cạn nước và đặt bầu trực tiếp xuống nền ruộng. Đặt bầu theo hàng gốc rạ, cứ cách 3-4 hàng gốc rạ đặt 1 hàng ngô; trên mỗi hàng cách một gốc rạ đặt 1 bầu (chú ý ngô nếp trồng dày hơn). Rải phân bón lót xung quanh bầu ngô hoặc giữa 2 hốc. Cuốc 1-2 hàng gốc rạ lấy đất vun gốc ngô, đồng thời tạo rãnh tiêu nước và hình thành luống ngô.
+ Đối với ruộng chưa thu hoạch lúa:
Tháo cạn nước, rẽ lúa theo hàng đã định và đặt bầu hoặc tra hạt. Gặt lúa xong mới bón phân lót và vét rãnh vun đất xung quanh bầu ngô.
- Chăm sóc:
Yêu cầu chăm bón sớm ngay từ khi mới ra bầu để tránh bị huyết dụ, chân chì. Nếu khi đặt bầu đất khô cần tưới ngay cho liền thổ và cây nhanh ra rễ mới. Sau đó pha loãng đạm và lân tưới liên tục 2-3 lần, lần trước cách lần sau 3-4 ngày. Nếu ra bầu gặp mưa hoặc đất ướt cần ngâm lân super với nước giải, pha loãng tưới liên tục 2-3 lần.
Khi ngô hồi phục chia lượng phân thúc làm 3 lần để bón, lúc cây 3-4 lá, 7-9 lá và lúc xoáy nõn. Mỗi lần bón phân kết hợp vun cao gốc, làm cỏ cho cây.
- Nước tưới:
Cây ngô không chịu được ngập úng, đặc biệt giai đoạn cây con. Do vậy không được để đọng nước trên mặt luống ngô. Tốt nhất là giữ nền ruộng khô và tưới từng gốc cây. Trường hợp đặc biệt, đất quá khô hạn thì tưới nước vào rãnh, để qua đêm rồi tháo đi.
Từ khi ngô xoáy nõn loa kèn đến khi trỗ cờ phun râu xong, có thể giữ nước đáy rãnh để duy trì lượng nước cần thiết cho ngô.
- Sâu bệnh:
Thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại theo hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Kỹ sư Phạm Thị Hiên (Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình)

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...