Nuôi cá lồng trên sông vốn là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua. Nhưng đối với nông dân Thái Bình thì lại còn khá mới. Tuy nhiên, với quyết tâm ham học hỏi, ông Phạm Đình Chiểu, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một trong những người đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá lồng trên sông thành công, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông của ông Phạm Đình Chiểu
Con sông Hồng đoạn chạy qua địa phận xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư thường êm ả, thơ mộng là thế. Nhưng mỗi khi mưa bão về lại chứa đựng những hiểm nguy khôn lường. Chính vì vậy, người dân nơi đây có thể đắm chìm trong vẻ đẹp thơ mộng của nó, hay yêu dòng sông này hơn bởi nguồn lợi thiên nhiên mà nó đem lại. Nhưng nếu đem cả khối tài sản để gửi gắm vào dòng sông này thì lại quá mạo hiểm. Vậy nên, cách đây chừng 4 năm về trước, khi mà ông Phạm Đình Chiểu đóng những lồng cá lớn, thả hàng chục vạn con cá giống xuống nuôi, ai cũng chỉ lắc đầu cho rằng đó là viển vông. Bởi nuôi trồng thủy sản trong những ao đầm nhỏ chắc chắn vẫn xảy ra thất thoát, dịch bệnh, huống chi trôi nổi trên sông.
Ông Phạm Đình Chiểu, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình tâm sự: “ Lúc đầu tôi đưa cá lồng về nuôi thì khó khăn xuất hiện. Phải tìm nguồn vốn để đầu tư, con giống chết, thất thoát, bão lũ thiên tai không khắc phục được. Năm đầu tiên, tôi bị thất thoát khoảng 700- 800 triệu đồng.”
Trong những năm đầu, khi đưa mô hình nuôi cá lồng trên sông, cái khó khăn nhất của ông Chiểu là kinh nghiệm ít và không biết chia sẻ cùng ai. Bởi ở Thái Bình, tuy có 4 con sông lớn (sông Hồng, sông Luộc, sông Trà Lý, sông Hóa) chạy qua nhưng chưa đâu áp dụng mô hình này. Ông phải lặn lội vào tận miền Nam để học hỏi bà con trong đó, rồi mày mò đọc sách báo, tìm hiểu nhiều nơi từ cách chọn đoạn sông này đủ độ sâu, dòng chảy ổn định, rồi đến cách đóng khung, làm lồng, xử lý đáy, đến chế độ chăm sóc, phòng dịch bệnh. Bằng trải nghiệm thực tế, ông Chiểu đã dần chinh phục được dòng sông này. " Để nuôi cá lồng trên sông nên chọn vùng nước đủ độ sâu, nước có sạch hay không. Chọn lưới tốt để cho cá khỏi thất thoát. Dùng thép tiếp nước đảm bảo tiêu chuẩn chống bão gió. Mỗi tháng phải kiểm tra lưới lồng, khung và dây lồng. Đặc biệt, dây neo đậu 4 xung quanh phải kiểm tra thường xuyên". Ông Phạm Đình Chiểu chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lồng.
Sau 4 năm lăn lộn với dòng sông Hồng, có khi cả khối tài sản chìm trong nước khi mưa bão về, nhưng với quyết tâm, nghị lực, ông Phạm Đình Chiểu đã chinh phục được dòng sông. Mô hình nuôi cá lồng trên sông của ông được mở rộng và phát triển, góp phần làm giàu cho gia đình cũng như phát triển kinh tế địa phương.
Với kinh nghiệm chỉ lựa chọn 2 - 3 giống cá chất lượng (cá lăng, cá diêu hồng, cá chép), ông Phạm Đình Chiểu đã mở rộng quy mô tới 52 lồng cá với diện tích mặt nước nuôi trên 6.000 m2. Mỗi năm, ông xuất bán hàng trăm tấn cá ra thị trường trong và ngoài tỉnh, cho thu nhập hàng tỷ đồng tiền lãi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Trước mô hình hiệu quả nuôi cá lồng tại địa phương, ông Nguyễn Quang Khải, Chủ tịch UBND xã Vũ Đoài, huyện vũ Thư cho biết: “ Với xã Vũ Đoài, mô hình nuôi cá lồng của ông Phạm Đình Chiểu là mới, mang lại thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Xã đang khuyến khích các nông dân có điều kiện đầu tư mở rộng phạm vi nuôi, đồng thời tạo điều kiện về mặt pháp lý. Qua đây sẽ giúp người dân phát triển nuôi cá lồng trên sông, nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.”
Thái Bình đã có nhiều nông dân áp dụng mô hình nuôi cá lồng trên sông
Với đặc thù của một huyện có địa phận giáp danh nằm trên dải sông Hồng, tận dụng lợi thế này để phát triển kinh tế, đặc biệt, là nuôi cá lồng trên sông, ông Vũ Mạnh Hiền - Bí thư Huyện ủy Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho biết : “Huyện có chủ trương liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất giải quyết vấn đề sau thu hoạch nuôi cá lồng. Hiện nay đã có doanh nghiệp liên kết với tinh thần góp vốn và bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra cho sản phẩm cá lồng trong huyện”.
Từ những ngày đầu đơn phương nuôi cá lồng, đến nay, cùng với ông Chiểu, tỉnh Thái Bình đã có hơn chục nông dân áp dụng mô hình này với 160 lồng cá. Với chủ trương quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông mà Thái Bình đã và đang triển khai sẽ xuất hiện nhiều hơn những tấm gương như ông Phạm Đình Chiểu bám sông, bám nước để làm giàu cho quê hương.
Mai Liên
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do...
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Bùi...
Sáng 14.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...