Giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 tổ chức vào tháng 3 vừa qua, tỉnh Thái Bình có 2/5 giải nhất của cả nước đều thuộc về nữ tác giả. Một trong số đó thuộc về chị Đoàn Thị Kim Tứ -Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình với Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao khả năng chống chịu của cây lúa nhằm ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do bệnh lùn sọc đen hại lúa tại Thái Bình”.
Cái tên “Tứ tam nông” đã trở nên thân thuộc với bà con nông dân. Không hẳn bởi thời gian gần 30 năm gắn bó với đồng ruộng, với người nông dân mà còn là những trăn trở, nhọc nhằn ghi dấu của chị trên từng phần công việc "tam nông" ở vùng quê Thái Bình. Biết chị đã lâu nhưng quyết định viết bài khi nghe tin chị đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 của Quỹ Vifotec (Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam).
Chị Tứ với Đề tài nghiên cứu của mình.
Chủ Nhật, thời gian lý tưởng cho buổi gặp. Bởi với chị Tứ, thời gian gắn liền cho những công trình nghiên cứu. Chị bảo: "Công việc đặc thù mà, gắn bó với nông dân là gắn với lịch thời vụ chứ đâu tính đến ngày lễ hay Chủ Nhật". Vẫn cách ăn nói gần gũi và khiêm nhường, chị vồn vã mời tôi vào phòng. Câu chuyện trở lại thời gian từ ngày đầu chị về nhận việc. Năm 1987, cô kỹ sư nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt vừa ra trường được nhận về Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình. Ngày đó như cá được thả xuống nước, tha hồ vẫy vùng bơi lội với kiến thức đúng ngành, đúng nghề. Trung tâm cần kỹ sư. Đúng với nguyện vọng, chị được về quê hương để cống hiến. Thuận là thế nhưng khó ở chỗ: Trung tâm ngày đó đã đủ chỉ tiêu cả hợp đồng và biên chế. Vậy là thỏa thuận hợp đồng không lương, tự trang trải. Cái khó ló cái khôn. Với kiến thức được học, chị lao vào tìm tòi nghiên cứu tại cơ sở, ứng dụng để xây dựng quy trình thâm canh hợp lý. Chị Tứ nhận khoán từ thôn của mình với vai trò cán bộ khuyến nông chỉ đạo và tập huấn kỹ thuật cho bà con và hưởng % theo mùa vụ. Nhận vài thôn rồi đến vài xã. Tiếng lành đồn xa, chẳng thế mà các xã: Xuân Thượng, Xuân Phong, Xuân Đài, Xuân Thủy, Xuân Hùng (nay là Thị Trấn Xuân Trường) … huyện Xuân Trường ( tỉnh Nam Định) hay các xã: Vĩnh Tiến, Vinh Quang, Cấp Tiến, Kiến Thiết của 2 huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng (Hải Phòng) cũng mời chị về để hợp tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật. "Đến giờ vẫn thế, hết đời chủ nhiệm này lại thay đến đời chủ nhiệm khác, họ vẫn kén phải là cán bộ khuyến nông khuyến ngư Thái Bình. Họ kén có lý của họ". Chị kể.
Tâm sự với tôi, anh Nguyễn Văn Thường - Chủ tịch Thị trấn Xuân Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định vui vẻ: “Bà con nông dân khoái cái cách truyền đạt của chị Tứ. Đành rằng là kiến thức đấy nhưng truyền đạt rất dân dã gắn với những câu ca dao tục ngữ hoặc kinh nghiệm truyền thống nên bà con nghe đến đâu ứng dụng ngay được đến đấy". Anh Thường dẫn chứng: ví kiểu như câu "Ấm bón rải, rét bón tập trung" ấy. Nghe chị Tứ nói vậy là bà con nhớ liền. Ai không đi dự tập huấn thì đã có ghi âm phát lên hệ thống loa truyền thanh của xã. Một công đôi việc, chúng tôi tận dụng triệt để..".
Câu nói đùa của anh Thường khiến tôi vui hơn: Bây giờ đến với bà con có thêm nhiều chị Tứ của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình rồi. Thì ra, hiện nay Trung tâm đã bồi dưỡng được gần chục chị em đều được bà con ưng như chị Tứ ngày nào. Cũng phải thôi, giờ chị với vai trò Phó Giám đốc Trung tâm nên phải quán xuyến nhiều việc. Thêm nữa lại bồi dưỡng đào tạo cho thế hệ trẻ cũng là trách nhiệm của người đi trước.
Chị Tứ nhận Giải nhất Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12.
Đến nay, thành quả chị Tứ đạt được sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu là các Bằng khen, Bằng bằng Lao động Sáng tạo. Và gần đây nhất là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giải nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 của Quỹ Vifotec. Nói về giải thưởng, chị cười: "Những thành công của mình đều thuộc về tập thể - nơi những đồng nghiệp luôn sát cánh, gắn bó. Hạnh phúc hơn đối với chị cũng như những người đồng nghiệp là niềm vui của bà con nông dân từ các ứng dụng đề tài mang lại hiệu quả thiết thực". Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao khả năng chống chịu của cây lúa nhằm ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ thiệt hại do bệnh lùn sọc đen hại lúa tại Thái Bình” là giải pháp có ý nghĩa thực tiễn. Khi ứng dụng sẽ giải quyết được nhiều “nút thắt” trong chuỗi sản xuất lúa sạ hàng, đặc biệt là sạ hàng rộng - hàng hẹp đã giải phóng sức lao động, bón phân cân đối NPK, phón phân vi sinh đa chủng chức năng thay thế phân chuồng, vừa nâng cao sức khỏe cây lúa, vừa cải tạo bồi dục đất, tạo nông sản sạch, giúp nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Xã Vũ Lạc, Thành phố - một trong những địa phương sớm áp dụng phương thức cấy hàng rộng hàng hẹp. Ông Nguyễn Văn Việt - Bí thư thôn Thượng Cầm, xã Vũ Lạc, Thành phố cho biết: Cấy cải tiến theo “Hiệu ứng hàng biên” hàng rộng - hàng hẹp được bà con trong thôn áp dụng từ năm 2011. Đến nay, đã được 4 năm, 8 vụ đều cho năng suất tăng 30% mà chi phí đầu tư ban đầu như: Giống, thuốc trừ sâu giảm 30%. Đặc biệt đỡ phải “khoác bình bơm”, dễ chăm sóc mà chuột cũng ít hơn, vậy là hơn cả lợi đôi đằng. Cái cách ví của người nông dân quả thật thực tế và rất rõ ràng. Vụ mùa 2014, gia đình ông Việt và các hộ ở thôn Thượng Cầm tiếp tục được mùa. Ai áp dụng cấy cải tiến theo “Hiệu ứng hàng biên” hàng rộng - hàng hẹp, mỗi sào tính nhẩm cũng cho thêm 290.000 đồng.
Trong cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, liên tiếp là điện thoại cảm ơn từ bà con nông dân đến với chị Tứ. Nét mặt rạng ngời điểm thêm cho khuôn mặt của người kỹ sư 51 tuổi một đời gắn bó với nông dân. Chia tay chị Tứ, câu nói của chị làm tôi nhớ và xúc động: "Bên cạnh gia đình hết lòng ủng hộ thì mình ơn nông dân, ơn đời và mình sẽ nỗ lực phấn đấu để trả đời".
Thái An
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...