Văn hóa công vụ trong cơ quan Nhà nước

Thứ 7, 10/08/2019 | 15:54:09
1,697 lượt xem

Không phải đến giờ, văn hóa công vụ mới được quy định, văn bản hóa, mà trong mỗi thời điểm, từng yêu cầu, nhiệm vụ của các ngành, cơ quan, đơn vị khác nhau đều đã có những quy định, quy tắc ứng xử cụ thể. Vậy cần nhìn nhận về vấn đề văn hóa công vụ như thế nào cho đúng, để có những hành vi và cách ứng xử văn hóa?

Thế nào là văn hóa công vụ

Văn hóa công vụ là một phạm trù rộng, có vai trò quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và quá trình thực thi công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trên thực tế thì có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về văn hóa công vụ. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Lương- Phường Phú Khánh Thành phố Thái Bình: Văn hóa công vụ nó rất rộng và nhiều nội dung, một là về ứng xử giao tiếp, hai là về đạo đức lối sống, ba là kỹ năng, giải quyết các công việc, bốn là trang phục…







Một người cán bộ, công chức, viên chức có văn hóa công vụ, trước hết phải rèn luyện, xây dựng một tác phong, thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, có phương pháp giải quyết công việc tốt nhất, đem lại hiệu quả cao nhất cho công dân. 

Anh Nguyễn Tiến Lâm - công chức Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình :Văn hóa công vụ của cán bộ công chức đòi hỏi mỗi công chức phải khéo léo, cư xử làm sao phải đúng mực… 








Ông Lê Đình Chinh - công chức Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình: Văn hóa công vụ là một nội dung rất quan trọng, đặc biệt là đối với các tổ chức cá nhân khi thực hiện giao dịch các thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền …

Dù mỗi người có một cách hiểu, cách nghĩ và quan điểm khác nhau về văn hóa công vụ, nhưng cái đích cuối cùng là phải có cách nhìn nhận về văn hóa công vụ đầy đủ, đúng đắn nhất để có những hành vi, ứng xử văn hóa trong cuộc sống cũng như trong quá trình thực thi công vụ.

Bất cập, tồn tại trong thực hiện văn hóa công vụ

Hiện nay dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề suy thoái đạo đức đang diễn ra trong đời sống, trong đó có một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là trong việc thực thi công vụ. Phải chăng đây là nguyên nhân cơ bản của những bất cập, tồn tại, dẫn đến việc thực hiện văn hóa công vụ chưa đạt hiệu quả cao?

Hiện nay từng cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng được những quy định, quy tắc ứng xử để cụ thể hóa việc thực hiện văn hóa công vụ. Tuy nhiên không ít cán bộ, công chức, viên chức hiểu chưa đúng, chưa đủ về nội dung và giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ, dẫn đến hành động chưa đúng, thậm chí một bộ phận cán bộ, công chức lại có cách ứng xử, giao tiếp và giải quyết công việc hoàn toàn khác với quy tắc ứng xử văn hóa công vụ. 

Ông Đào Văn Thỏa - xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải : Một số nơi viên chức, công chức vẫn còn gây phiền hà khó khăn cho người dân, tôi mong là khó khăn đó phải sớm được khắc phục...

Sự không hài lòng của người dân, sự mệt mỏi mỗi khi phải đến cơ quan công quyền, thái độ quan liêu, hách dịch, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức… vẫn còn hiện hữu ngay từ cấp cơ sở đến các cấp có thẩm quyền cao hơn.

Ông Nguyễn Hữu Quốc - phường Phú Khánh, Thành phố Thái Bình :Người dân còn kêu ca thái độ, tác phong về vấn đề đất đai, cấp sổ đỏ, về vấn đề bảo hiểm chính sách xã hội, người ta kêu ca nhiều. Tôi đề nghị cái này phải chấn chỉnh ngay…

Một bộ phận cán bộ công chức viên chức làm chưa hết trách nhiệm, thậm chí còn thờ ơ, vô cảm khi người dân gặp vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính hay những vấn đề người dân chưa hiểu, còn bức xúc… 





Ông Lê Đình Chinh - công chức Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình: Các cấp chính quyền từ huyện, xã, tỉnh ở một sô nơi cần khắc phục tình trạng phiền hà sách nhiễu trong việc xử lý các công việc đối với tổ chức cá nhân…

Dù tại thời điểm nào, tính chất, đặc thù công việc nào thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức đều cần nghiêm túc thực hiện văn hóa công sở, nhất là trong quá trình thực thi công vụ, để hạn chế thấp nhất những bất cập, tồn tại trong thực hiện văn hóa công vụ





Giải pháp để thực hiện thực hiện văn hóa công vụ

Công sở là nơi cán bộ công chức viên chức Nhà nước thường xuyên tiếp xúc với các tổ chức, công dân, vậy những cán bộ công chức, viên chức này đã thực sự có thái độ nghiêm túc, tinh thần tự quản, tự giác, đoàn kết để tạo nên một nề nếp, làm việc kỷ cương khoa học hay chưa?  Và nếu chưa thì cần phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời và các giải pháp cụ thể để tạo niềm tin của công dân.

Nhận thức sâu sắc những điều bức thiết, cần phải xốc lại trong toàn hệ thống thực thi công vụ, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 về việc phê duyệt đề án văn hóa công vụ, với những quy định rất rõ ràng, cụ thể góp phần siết lại cung cách, thái độ làm việc, thái độ phục vụ nhân dân, cũng như ứng xử với đồng nghiệp, với tập thể. 

Tỉnh Thái Bình cũng đã tập trung chỉ đạo vấn đề này và từng Sở, Ngành, Cơ quan, Đơn vị, địa phương có giải pháp cụ thể. 

Thầy thuốc nhân dân Phạm Văn Dịu, giám đốc Sở Y tế Thái Bình :Chúng tôi tập trung vào cơ sở tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất, đầu tiên phải là từ bệnh viện, mà phải là các cấp, bệnh viện tuyến tỉnh sau đó là các bệnh viện và các tuyến huyện và các cơ sở y tế khác cho đến cán bộ của các bệnh viện, các đơn vị trực tiếp đi học, họ phải tận mắt, mắt thấy tai nghe, tại sao họ có sự ân cần chăm sóc tốt, như vậy, nhất là bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện mới, thứ hai là phải cụ thể với từng khoa phòng, từng cán bộ, giao trách nhiệm tổ chức triển khai và đặc biệt quan trọng là công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thi đua, lựa chọn những nhân tố điển hình.

Nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của người đứng đầu, nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm những tồn tại cần sớm khắc phục, bám sát từng nội dung quy định của đề án văn hóa công vụ, để vận dụng thực hiện phù hợp. Đây được xem là phương pháp là cách làm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả thực hiện văn hóa công vụ. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch :Thứ nhất là tổ chức đào tạo đội ngũ công chức, lãnh đạo cấp phòng trở xuống để có một chuyên môn vững vàng, ý thức đạo đức tốt để phục vụ nhân dân với tinh thần thái độ tốt nhất, thứ hai là thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực thi công vụ …

Khiêm tốn học hỏi, lắng nghe tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân, tự soi, tự sửa và điều chỉnh thái độ, cung cách phục vụ, ứng xử thi hành công vụ, để khắc phục những biểu hiện thiếu văn hóa của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để góp phần xây dựng nền hành chính công vụ hiện đại, hiệu quả và thân thiện với nhân dân.

Phương Duyên

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...