Mở rộng việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính, là mục tiêu hướng tới xây dựng Kho bạc điện tử. Để thực hiện mục tiêu này, Kho bạc Nhà nước Thái Bình đang nỗ lực phấn đấu triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo lộ trình trong năm 2019. Những thuận lợi, khó khăn, các đơn vị chủ động sẵn sàng thực hiện vấn đề này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp quý vị hiểu hơn vấn đề này.
Hàng loạt hồ sơ, chứng từ giấy phải mang trực tiếp sang Kho bạc Nhà nước Thái Bình. Những cán bộ kế toán của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước thường xuyên hàng tuần ít nhất cũng phải đến giao dịch trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước Thái Bình từ 1 đến 2 lần... Đây là một thực tế khi mà vẫn còn thực hiện theo cách giao dịch truyền thống. Các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, đơn vị giao dịch trên địa bàn tỉnh đều nhận thức rõ và mong muốn, tới đây khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, sẽ thay đổi hoàn toàn phương pháp giao dịch và mang lại nhiều tiện ích.
Bà Hoàng Mai Hạnh - Cục Thống kê tỉnh Thái Bình: Chúng tôi rất mong là khi có dịch vụ công trực tuyến tại kho bạc thì sẽ giảm tải cho chúng tôi về công việc đi lại. Thứ hai là về thủ tục giấy tờ.
Tại Trung tâm Tư vấn và dịch vụ Tài chính - Sở Tài chính Thái Bình, mặc dù đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thế nhưng khi chưa thực hiện dịch vụ công trực tuyến thì tất cả các chứng từ chi ngân sách Nhà nước, kể cả chi thường xuyên và chi Đầu tư... đều do cán bộ Kế toán tại đơn vị này phải mang sang giao dịch trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước Thái Bình, chưa kể nếu như cần có một chữ ký của lãnh đạo đơn vị, để chuyển chứng từ sang Kho bạc, mà lãnh đạo đi công tác thì cũng phải chờ đợi, vì chưa có chữ ký số... Do vậy tiện ích khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với các đơn vị đều nhận thấy rất rõ và mong muốn sớm triển khai thực hiện.
Bà Phùng Thị Bích - Kế toán Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính - Sở Tài chính Thái Bình: Giao dịch qua điện tử rất an toàn, chứng từ công khai, minh bạch, còn thiếu hay sai thì nó cũng hiện trên mạng nên mình có thể bổ sung thêm được, nó rất nhanh chóng.
Ngồi tại đơn vị giao dịch trực tiếp, không phải mang những tập chứng từ sang Kho bạc, tiết kiệm thời gian, nhân lực; đổi mới hoàn toàn phương pháp và cách giao dịch giữa đơn vị sử dụng ngân sách với kho bạc Nhà nước, tránh được sai sót nhầm lẫn, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính...Đây là tính ưu việt thực hiện dịch vụ công trực tuyến, mà phần lớn các đơn vị đều mong muốn và hưởng ứng tích cực khi kho bạc Nhà nước Thái Bình triển khai thực hiện.
Tại kho bạc Nhà nước Thái Binh, từ năm 2018 đã chủ động triển khai thực hiện dịch công trực tuyến Kho bạc Nhà nước ở nhiều bộ phận chuyên môn nghiệp vụ. Đơn cử như bộ phận Kế toán Tài vụ, thay vì việc phải kiểm tra và giao nộp trực tiếp toàn bộ chứng từ, giấy tờ tới bộ phận kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước Thái Bình, thì hiện nay hồ sơ đã được ký số và các chứng từ được hoàn toàn giao dịch điện tử và lưu toàn bộ chứng từ trên máy tính.
Từ hiệu quả thực tế này, Kho bạc Nhà nước Thái Bình đã tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước đến tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, đơn vị giao dịch trên địa bàn tỉnh. Theo lộ trình triển khai 4 đợt trong năm 2019, trước mắt trong quý II/2019 thực hiện khoảng 20 đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thái Bình: Ngay từ quý I /2019 kho bạc nhà nước đã chủ động các điều kiện, tổng hợp các đơn vị phải thực hiện, chuẩn bị các điều kiện hạ tầng truyền thông, tuyên truyền các đơn vị về tiện ích của giao dịch điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thìn - Phòng Tin học Kho bạc Nhà nước Thái Bình: Bộ phận chuyên môn Kho bạc nhà nước Thái Bình đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai dịch vụ công, đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, các điều kiện thanh toán, đã tổ chức các kênh hỗ trợ và sẵn sàng phối hợp với các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Hiện tại Kho bạc Nhà nước Thái Bình đang sử dụng hơn 20 phần mềm điện tử phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước. Trong đó dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước được xem là phần mềm hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giao dịch điện tử tại Kho bạc Nhà nước Thái Bình. Khi các đơn vị cùng đồng hành, vào cuộc, sẽ phát huy tối đa hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến Kho bạc Nhà nước, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Kho bạc Nhà nước điện tử./.
Phương Duyên
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận,...
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...