Cần gỡ vướng cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính làm dự án đầu tư

Thứ 5, 23/05/2019 | 15:36:51
968 lượt xem

Đến 31/3/2019, trên địa bàn tỉnh có gần 6.500 doanh nghiệp, 848 chi nhánh và văn phòng đại diện, 22 chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần và hơn 129.000 hộ kinh doanh cá thể. Trong những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - Xã hội của tỉnh với số nộp ngân sách năm 2018 hơn 4.500 tỷ đồng, chiếm 80% tổng thu từ thuế và phí của tỉnh, đã giải quyết việc làm cho 33.000 lao động.

Tỉnh Thái Bình đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức, một vấn đề đáng quan tâm đó là vướng mắc khi thực hiện thủ tục hành chính khi làm dự án, đầu tư.

Theo quy định của Luật xây dựng năm 2014, trình tự đầu tư xây dựng có 3 giai đoạn gồm chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng, đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng. Trong đó những thủ tục hành chính ở giai đoạn đầu (Khâu chuẩn bị dự án) theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp là phức tạp, rườm rà nhất. 

Ông Ngô Văn Khương - Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng cụm công nghiệp Minh Tân - Vũ Thư - Thái Bình: Công ty muốn đầu tư một dự án ở đây thì các thủ tục xin làm dự án, chúng tôi đã phải đi qua rất nhiều sở, ban ngành ở trong trung tâm hành chính công này, hỏi từ các thủ tục, làm từng bước cũng phức tạp.

Vướng nhất là khâu thẩm định dự án. Bởi khâu thẩm định nhiều nội dung, nhiều quy trình. Đơn cử như thẩm định phòng chống cháy nổ, hay thẩm định bảo vệ môi trường... Hiện nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác nhau thực hiện khâu thẩm định các nội dung của dự án đầu tư, vì thế doanh nghiệp bị kéo dài thời gian thẩm định. Có ý kiến cho rằng để gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, cần thực hiện hình thức thẩm định dự án đồng bộ qua mạng hoặc cần có cách làm, phương pháp để đổi mới, cải cách khâu thẩm định dự án, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Bà Tạ Thanh Vân - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân: Trong những năm qua tỉnh Thái Bình đã tạo điều kiện cho các Sở ban ngành đã hỗ trợ và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều về thủ tục hành chính. Tuy nhiên về phía doanh nghiệp chúng tôi rất muốn thành lập một Trung tâm hỗ trợ để xúc tiến thủ tục đầu tư.

Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp rất muốn tỉnh sẽ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa thông qua việc rà soát lại những thủ tục hành chính, những thứ nào có thể giảm bớt được thì cũng nên cắt cho các doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực hiện dự án đầu tư còn chậm. Song ngoài nguyên nhân về quy trình thẩm định dự án thì một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trẻ, mới lập nghiệp... Còn ít kinh nghiệm, khả năng thực hiện một số dự án đầu tư còn hạn chế, chưa có các chuyên gia giỏi về lĩnh vực này. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa tiếp cận và sử dụng dịch vụ tư vấn của các trung tâm tư vấn mà thông qua cá nhân tư vấn... Nên thực tế còn tình trạng ngay từ khi làm hồ sơ đã chưa chuẩn, chưa đúng quy định, vì thế quá trình thẩm định các ngành chuyên môn thấy chưa đầy đủ, còn có những sai sót, phải chuyển lại Trung tâm hành chính công tỉnh để doanh nghiệp đến nhận lại hồ sơ để bổ sung, chỉnh sửa. Như vậy sẽ mất một khoảng thời gian không ít doanh nghiệp phải rà soát lại từ đầu, thậm chí có doanh nghiệp phải làm đi, làm lại tới 2 - 3 lần. 

Ông Ngô Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Thái Bình: Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ ràng được nên phải làm như thế nào, hồ sơ làm ra sao? nên trong quá trình thẩm định vẫn còn nhiều sai sót.

Vấn đề tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tác phong chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, thành lập các hội chuyên ngành, cải thiện từng chỉ số thành phần PCI của tỉnh... là những vấn đề tác động trực tiếp tới cộng đồng doanh nghiệp... 

Ông Phạm Việt Anh - Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Thái Bình: Chúng tôi tổ chức niêm yết công khai toàn bộ quy trình giải quyết, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết và phí lệ phí theo quy định đối với từng thủ tục hành chính và kết quả giải quyết thủ tục hành chính cũng được trung tâm cập nhật công khai nên doanh nghiệp và công dân cũng dễ dàng tra cứu.

Ông Khúc Văn Lượng - Quyền Trưởng ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình: Ý tưởng thành lập Trung tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư vào Thái Bình, theo tôi nếu thành lập được mà hoạt động trung tâm này tốt, căn bản thì rất thuận lợi cho nhà đầu tư.

Thời gian là tiền, là nguồn lực, thậm chí là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp khi thực hiện một dự án đầu tư. Những vướng mắc trong thủ tục hành chính cần tiếp tục được rà soát khắc phục. Về phía doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao khả năng, có thêm kinh nghiệm, làm chủ trong mọi lĩnh vực, là yếu tố quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh./.

Phương Duyên

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...