Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Phan Hách, tác giả thơ của hai ca khúc nổi tiếng đi vào lòng nhiều thế hệ khán giả Làng quan họ quê tôi và Mối tình đầu, đã từ trần sau thời gian lâm bệnh nặng.
Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Phan Hách (trái) và nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
Người chuyên chở văn hóa Kinh Bắc
Những ngày đầu năm, tin buồn đến với làng thi ca VN khi nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo qua đời. Những ngày cuối tháng 4, nhà thơ - nhà văn Nguyễn Phan Hách, người cùng làm nên ca khúc Làng quan họ quê tôi, cũng vội vã đi xa.
Một ngày mùa thu năm 1978, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã đưa bài thơ Làng quan họ của mình cho nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhờ ông phổ nhạc. Sau khi chia tay, nhạc sĩ quên mất bài thơ cất trong túi áo. Phải đến mấy ngày sau, khi đem áo ra giặt, ông mới nhớ và đọc lại. Những câu thơ của Làng quan họ đã vang lên thành giai điệu trong đầu người nhạc sĩ: “Sông Cầu làm bao xanh. Ngang lưng làng Quan họ. Những cánh buồm nhớ thương. Câu ca đầu ngọn gió...”. Cũng dễ hiểu, những câu thơ vẽ nên khung cảnh làng quê Quan họ, thấm đẫm cái hồn của Kinh Bắc cũng là bởi được viết nên từ người con sinh ra và lớn lên ở nơi này.
Cùng với bài thơ Làng quan họ, bài thơ Hoa sữa của nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã gợi cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến ca khúc Mối tình đầu của nhạc sĩ Thế Duy. Những câu thơ được biết bao những cô cậu học sinh nhiều mộng mơ gối đầu giường: “Tuổi mười lăm em lớn từng ngày. Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ. Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ. Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ...”.
Lúc sinh thời, nhà thơ Nguyễn Phan Hách từng tiết lộ, cả hai bài thơ Làng quan họ và Hoa sữa đều được ông viết từ những tình cảm với một người con gái, một mối tình dang dở của người thi sĩ.
Không chỉ có thơ, Nguyễn Phan Hách còn dành nhiều thời gian sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết. Theo nhà văn Lê Minh Khuê, Nguyễn Phan Hách viết nhiều, trong đó có nhiều những câu viết, những tác phẩm để lại dấu ấn. “Những tác phẩm đều cho thấy những nhìn nhận về văn hóa Kinh Bắc của tác giả lưu dấu rất đậm nét. Anh giữ được cảm xúc nhân văn về vùng đất của vùng Kinh Bắc xa xưa. Anh cũng là người có khả năng khơi dậy cảm xúc ấy cho người đọc”, nhà văn Lê Minh Khuê nhìn nhận.
Mặc dù Nguyễn Phan Hách được công chúng biết đến nhiều ở mảng thơ, nhưng trong góc nhìn của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ông muốn gọi Nguyễn Phan Hách là một nhà văn hơn là một nhà thơ. Phạm Xuân Nguyên nhắc đến cuốn tiểu thuyết Cuồng phong xuất bản hơn 10 năm trước. “Không hẹn mà nên, Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách, Dưới chín tầng trời của Dương Hướng, Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường đều nói về lịch sử của đất nước qua dòng họ 3 đời”, ông Nguyên nói và đánh giá: “Cuồng phong là cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng, là bước chuyển mình của Nguyễn Phan Hách”.
Tiểu thuyết Cuồng phong của Nguyễn Phan Hách
Một người nhà quê tài hoa
Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân chia sẻ: “Tôi còn nhớ, từ những năm 1990, nhà văn Nguyễn Kiên đã nửa đùa nửa thật gọi Nguyễn Phan Hách là “một người nhà quê tài hoa”. Quả thế, Nguyễn Phan Hách là người tài hoa xứ Kinh Bắc, góp cho thơ văn tiếng Việt những sáng tác khá đặc sắc”. Bên cạnh những đóng góp cho thơ văn, Nguyễn Phan Hách cũng cần được nhắc đến với những đóng góp cho công tác xuất bản.
“Những năm 1980 - 1990, với vai trò biên tập viên, rồi phó phòng Biên tập văn xuôi, có sự tin cậy của các nhà văn Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, anh Hách đã góp phần tích cực cho sự ra đời những tác phẩm có chất lượng của các nhà văn VN như Ký sự miền đất lửa (Vũ Kỳ Lân, Nguyễn Sinh), Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, Nguyễn Khải), Rất nhiều ánh lửa (bút ký, tùy bút, Hoàng Phủ Ngọc Tường), Tuổi thơ im lặng (hồi ức, Duy Khán). Thời kỳ khởi lên công cuộc đổi mới, những năm 1986 - 1995, anh Hách là trưởng phòng Văn xuôi, đã góp phần tích cực vào việc biên tập cho xuất bản những tác phẩm như Thời xa vắng (tiểu thuyết, Lê Lựu), Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (tập truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu), Cha và con và... (tiểu thuyết, Nguyễn Khải), Mảnh đất lắm người nhiều ma (tiểu thuyết Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (tiểu thuyết, Dương Hướng), nhất là tiểu thuyết Thân phận tình yêu (tức Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh)...”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cho biết.
Nhà văn Lê Minh Khuê còn nhớ, năm 1992, trong số những tác phẩm Nguyễn Phan Hách biên tập có 3 cuốn Nỗi buồn chiến tranh, Mảnh đất lắm người nhiều ma và Bến không chồng đã giành giải thưởng Hội Nhà văn. “Tôi đánh giá ở khả năng thẩm định biên tập những cuốn khó như cuốn Nỗi buồn chiến tranh. Vào thời điểm đấy, theo tôi, biên tập những cuốn như thế là sự dũng cảm”, nhà văn Lê Minh Khuê nói.
Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Phan Hách (tên thật Nguyễn Xuân Hách) sinh ngày 1.3.1944, quê làng Mão Điền, H.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông làm phó giám đốc (1995) rồi sau làm giám đốc, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn (từ 1999 - 2007). Năm 2007, ông nghỉ hưu. Sau đó, ông được cử làm Tổng biên tập NXB Dân Trí từ năm 2007 - 2017. Nhà thơ - nhà văn Nguyễn Phan Hách đã qua đời lúc 15 giờ ngày 21.4 tại Hà Nội, sau thời gian lâm bệnh nặng. |
Nguồn Thanhnien.vn
Sáng 20.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, tiếp tục thảo luận, cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng và xem xét, thông qua các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội trong đợt 1...
Chiều 17.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do...
Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Bùi...
Sáng 14.11, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...